Thứ 7, 16/11/2024, 20:37[GMT+7]

Sức trẻ làm trang trại

Thứ 5, 06/10/2011 | 08:10:55
3,363 lượt xem
Theo thời gian, nghề làm báo đưa chúng tôi đến với bao vùng đất, chứng kiến, ghi nhận nghị lực cùng khát vọng làm giàu của rất nhiều tấm gương vượt khó, vươn lên trong cuộc sống, chiến thắng đói nghèo bằng khai thác nguồn lực sẵn có ở địa phương, đi lên từ đất đai và lao động, xây dựng những mô hình phát triển kinh tế hộ. Thật khó quên khi đến trang trại của đôi vợ chồng trẻ Hạnh Tình (Vũ Hội, Vũ Thư).

Chị Nguyễn Thị Tình chăm sóc đàn gà thả vườn

Bước lên con thuyền xi măng kéo dây, neo bên cánh đồng lúa uốn câu của thôn Hiếu Thiện, chúng tôi qua sông Kiến Giang để sang bên trang trại. Nơi đây, giống như một ốc đảo xanh, một khu nghỉ dưỡng có không khí trong lành, cây cối xanh tươi, soi bóng xuống những chiếc ao rộng, lao xao cá đớp mồi.

    

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về quê hương Vũ Hội, anh Tống Sỹ Hạnh lập gia đình, năm 2006, vợ chồng anh được cha mẹ đồng ý cho ra lập nghiệp cũng là thời điểm cấp ủy, chính quyền địa phương có chủ trương tạo điều kiện cho nhân dân chuyển đổi đất cấy lúa năng suất thấp sang mô hình khác hiệu quả cao hơn. Một số hộ gia đình đã xin đấu thầu cánh đồng bãi Cổ Việt, trong đó có gia đình anh Tống Sỹ Hạnh. Nơi đây, cỏ mọc chen lúa, nhiều thửa để hoang. Mặc dù HTX dịch vụ nông nghiệp trả công cho người lái đò chở xã viên đi làm đồng hàng ngày nhưng không ít người vẫn ngại, nhất là khi mưa gió.

 

Vũ Hội là xã đa nghề. Sản xuất nông nghiệp không phải để làm giàu mà mục tiêu chính là đáp ứng yêu cầu an ninh lương thực. Vì thế, những người mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, bỏ vốn và công sức đánh thức tiềm năng cánh đồng Cổ Việt được cấp ủy, chính quyền tạo mọi điều kiện thuận lợi.Với số vốn gom góp của gia đình, huy động người thân và vay mượn của quỹ tín dụng, ngân hàng trên 800 triệu đồng, gia đình anh chị Hạnh Tình thuê máy xúc đào 5 ao có tổng diện tích 54.000 m2. Bờ ao đắp to, rộng để trồng cây và xây chuồng trại chăn nuôi.

 

Với sự năng động, khiêm tốn học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, thăm quan các mô hình trang trại trong huyện, trong tỉnh nên anh Hạnh quy họach khu chuồng trại rất khoa học, gồm 1.500 m2 chia từng khu nuôi lợn nái, lợn thịt, nuôi gà, vịt đẻ cách xa nhau để tránh lây nhiễm nguồn bệnh. Riêng khu nuôi gà thả vườn, anh thiết kế 2 dãy chuồng, làm sàn ghép tre để gà không bị lạnh chân, phân rơi xuống đất khi thu gom thuận tiện. Trên bờ ao, anh chị trồng hàng ngàn khóm chuối, hai năm gần đây trồng thêm si cảnh, ổi Thái Lan quả sai trĩu cành. Tận dụng đất đai, chị Tình còn trồng ngô, đậu tương làm thức ăn cho gà, vịt, mùa nào thức ấy.

 

Không thể nói hết những vất vả, nhọc nhằn gội nắng, chan mưa để biến trên 5 ha ruộng xấu thành những chiếc ao vuông vắn, trên bờ cây trái xum xuê. Chị Tình cho biết: Trang trại như một cù lao nhỏ, tuy đi lại hàng ngày không tiện lợi, nhất là 2 cháu nhỏ đi học nhưng có sông Kiến Giang bao bọc nên không mất chi phí xây tường bao quanh. Đặc biệt là chăn nuôi cách ly môi trường bên ngoài nên không bị lây nhiễm dịch bệnh. Con cá, con lợn, gia cầm… nhập về nuôi đều hay ăn, chóng lớn. Hiện trang trại có 220 con lợn thương phẩm, 10 lợn nái, 800 con gà ta và trên 2000 vịt đẻ. Trung bình hàng năm, anh chị xuất chuồng 30-35 tấn lợn hơi, trên 5 tấn cá, 5,6 tấn gà, trên 500 ngàn quả trứng vịt…Tổng thu nhập hàng năm đạt gần 700 triệu đồng, trừ chi phí còn thực lãi 150-200 triệu đồng/năm. Vừa tạo việc làm cho các thành viên trong gia đình, trang trại còn thuê 5 lao động thường xuyên trong thôn với thu nhập 1,5 – 2 triệu đồng/tháng.

    

Năm nay, anh Tống Sỹ Hạnh bước vào tuổi 32 tuổi, vợ anh - chị Nguyễn Thị Tình 27 tuổi. Họ đã là chủ một trang trại sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Tương lai đang còn ở phía trước. Bà con cô bác trong thôn thường lấy tấm gương chịu thương, chịu khó, chăm chỉ làm ăn của đôi vợ chồng trẻ Hạnh - Tình để khích lệ, bảo ban con cháu nếu không ngại khó, ngại khổ, có quyết tâm cao nhất định sẽ thành công trên con đường lập nghiệp.

 

Bài, ảnh: Bảo Linh

 

  • Từ khóa