Chủ nhật, 17/11/2024, 07:17[GMT+7]

Hòa Bình kinh tế - xã hội chuyển động tích cực

Chủ nhật, 15/08/2010 | 15:06:47
2,246 lượt xem
Những năm gần đây, xã Hòa Bình (Vũ Thư) là một trong những điểm sáng của huyện về phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi. Mặc dù diện tích vụ đông năm 2009 đạt 270,38 ha còn ở mức độ nhất định so với một số xã trong huyện, nhưng phong trào khá đồng đều ở các thôn: có 8/9 thôn, 7 đoàn thể và 17 hộ được huyện khen thưởng. Vụ đông 2010, xã phấn đấu thực hiện kế hoạch huyện giao, gieo trồng 287,2 ha, nâng hệ số sử dụng đất đạt 2,8 lần.

Nông dân kiểm tra đồng ruộng nhổ bỏ lồng vực và phát hiện cây lúa bị lùn, lụi. Ảnh: Bảo Linh

Nét nổi bật trong sản xuất nông nghiệp của Hòa Bình trước hết là thời vụ gieo cấy và phương thức canh tác có tiến bộ rõ rệt, nhất là sau khi thực hiện Nghị quyết 27 và Nghị quyết 03 của Huyện ủy. Xã hoàn thành quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp gồm: vùng 2 lúa + vụ đông; vùng chuyên màu, vùng chăn nuôi. Phương thức luân canh xuân muộn - mùa sớm- cây vụ đông ưa ấm đã trở thành tập quán canh tác đối với người dân, tạo sự đổi thay cơ bản về cơ cấu giống lúa, mùa vụ. 

Giải quyết vấn đề bức xúc về thủy lợi nội đồng, năm qua, HTX dịch vụ nông nghiệp đầu tư gần 44,5 triệu đồng, các thôn đầu tư trên 53 triệu đồng. Tổng khối lượng đào đắp 4083 m3, 899 công cắt cỏ, xây 8 cống đập... HTX trực tiếp điều hành 6 tổ bảo nông gồm 28 lao động chia theo khu vực thôn vừa điều hành dẫn nước tận ruộng vừa canh coi  đồng ruộng. Tổ thủy nông các thôn còn là lực lượng nòng cốt giải tỏa dòng chảy trên hệ thống sông trục, sông dẫn. HTX hợp đồng giao khoán quản lý các tuyến sông cụ thể với từng tổ nông giang theo địa dư hành chính đến nay đã đi vào nền nếp, không còn hiện tương tắc nghẽn dòng chảy, việc tiêu úng hiệu quả hơn.

Hòa Bình hiện có 25 máy làm đất, 70 máy gieo sạ hàng, 3 máy gặt đập liên hợp, 13 máy tuốt lúa, hàng chục máy bơm nước, 6 ô tô vận tải. Thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp góp phần tích cực giải quyết lịch thời vụ và tình trạng thiếu lao động nông thôn. Nhờ thế, vụ mùa 2010, xã gieo cấy gần 75% trà lúa mùa sớm, cực sớm để chủ động quỹ đất gieo trồng 3 cây chủ lực là đậu tương, khoai tây và ngô. Các khâu chuẩn bị được HTX tổ chức chu đáo: Kho lạnh công suất 30 tấn khoai tây giống. Vụ hè thu gieo trồng 47,1 ha đậu tương làm giống cho vụ đông và bán cho các xã. HTX cung ứng 160-200 tấn phân bón trả chậm/năm cho các hộ xã viên chưa kể thuốc BVTV và giống cây trồng các loại. Ngoài ra, tổ chức 20 lớp/năm chuyển giao KHKT từ xã đến các thôn.

Khai thác phát huy lợi thế là xã gần thành phố và các khu công nghiệp, thuận lợi giao thông, xã đã tạo điều kiện thuận lợi cho 779 hộ vay 11,5 tỷ đồng đầu tư sản xuất nông nghiệp, mua sắm nông cụ, phát triển ngành nghề thương mại dịch vụ mộc, nề, cơ khí, xay xát, chế biến lương thực, thực phẩm, buôn bán nhỏ trong các khu dân cư và bên trục đường 220B, 220C. UBND xã đầu tư gần 77 triệu đồng nâng cấp chợ Thông để nhân dân quanh vùng đến trao đổi hàng hóa, nông sản. Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XX quyết tâm phấn đấu đưa kinh tế xã phát triển toàn diện theo cơ cấu: Nông nghiệp 40%- CN- TTCN và xây dựng cơ bản 29%, TMDV 31%.

Mặc dù quỹ đất sản xuất của địa phương có hạn nhưng với sự đồng thuận của nhân dân, vừa qua, cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện để Công ty gốm Đại Thắng đóng trên địa bàn mở rộng mặt bằng nhà xưởng quy mô 8 ha, Tổng công ty xăng dầu Việt Nam triển khai dự án kho trung chuyển xăng dầu 8,4 ha và giải phóng mặt bằng một phần khu công nghiệp của huyện ở Đồng Trại 0,46 ha...

Các cơ sở trên phát triển thu hút một phần lao động địa phương. Hiện nay 1.700 con em trong xã lao động tại các khu công nghiệp trong ngoài tỉnh, làm ngành nghề tại chỗ 500 người, lao động nước ngoài 30 người...góp phần thay đổi cơ bản cơ cấu lao động trong nông nghiệp theo chiều hướng tích cực, nâng cao đời sống nhân dân. Qua thống kê và khảo sát mới đây, xã có 25% hộ giàu, 45% hộ khá, 19,22% hộ trung bình, tỉ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới còn 10,78%. Toàn xã 90% hộ nhà mái bằng, 80% hộ có xe máy, 95% hộ có phương tiện nghe nhìn, 85% hộ dùng nước sạch, 73% hộ có công trình vệ sinh đủ tiêu chuẩn, 60% hộ có điện thoại cố định, 65% có di động.

Đảng ủy, UBND xã tập trung khai thác các nguồn thu tiết kiệm chi phí, tranh thủ công trợ của cấp trên, đặc biệt là sự ủng hộ của con em quê hương thành đạt, tổng số trên 2 tỷ đồng xây trạm y tế chuẩn, sửa chữa phòng học, cứng hóa kênh mương, nâng cấp nghĩa trang...

Về Hòa Bình, điều chúng tôi cảm nhận đó là miền quê nghèo năm xưa nay đã đổi thay rất nhiều. Diện mạo nông thôn mới được hình thành rõ hơn qua những nét phác thảo của quy hoạch tổng thể. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện cũng là đích đến của xã: Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo dưới 5% vào năm 2015.

Bảo Linh

  • Từ khóa