Thứ 2, 18/11/2024, 01:27[GMT+7]

Chủ động tưới, tiêu và phòng, chống lụt, bão

Thứ 2, 23/07/2018 | 08:51:12
5,480 lượt xem
Những ngày qua, để bảo đảm công tác điều tiết nước hợp lý phục vụ sản xuất vụ mùa, Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) huyện Tiền Hải đã nỗ lực huy động nhân lực, máy móc ứng trực thường xuyên tại công trình chống úng để phục vụ bà con nông dân gieo cấy lúa mùa.

Các cống dưới đê được mở để tiêu thoát nước bảo đảm cho sản xuất vụ mùa.

Tại công trình cống Cá thuộc địa phận xã Đông Trà, các nhân viên của Xí nghiệp đã tích cực vận hành mở cống tiêu thoát nước sau khi bão số 3 đổ bộ vào đất liền gây mưa trên diện rộng, nhằm phòng, chống gây úng lụt cho các xã khu Đông huyện. 

Ông Phạm Văn Tấn,  nhân viên trực vận hành cống Cá cho biết: Các nhân viên trực tại các công trình thủy lợi đã thực hiện đúng quy trình vận hành hệ thống, gắn với điều kiện có biến động như hoạt động thủy triều, điều kiện nguồn nước, lượng mưa trong vùng để tổ chức vận hành các cống tiêu thoát nước, không để tình trạng ngập úng xảy ra. Không chỉ có công nhân của Xí nghiệp KTCTTL trực vận hành 24/24 giờ mà Xí nghiệp cũng phối hợp chặt chẽ với các địa phương để vận hành các trạm bơm tiêu do HTX quản lý. 

Ông Nguyễn Quang Khánh, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Vân Trường cho biết: HTX đã phối hợp chặt chẽ với Xí nghiệp thực hiện tốt việc chỉ đạo của UBND huyện về triển khai tiêu úng khi có mưa lớn xảy ra. Trước khi bước vào vụ sản xuất, HTX chủ động làm tốt công tác thủy lợi nội đồng, nạo vét kênh mương, kiểm tra, sửa chữa 2 trạm bơm tiêu có tổng công suất 3.000m3/h, bảo đảm vận hành tốt khi có mưa lớn xảy ra. HTX tiến hành tiêu nước mặt ruộng và hệ thống sông dẫn đề phòng mưa lớn gây ngập úng. Tăng cường cán bộ xuống thôn hướng dẫn nông dân các biện pháp chăm sóc và phòng, trừ sâu bệnh cho cây trồng sau mưa úng.

Công nhân Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện Tiền Hải thường xuyên vớt vật cản tại các cửa cống để nước tiêu thoát tốt.

Ông Phạm Quang Tuấn, Giám đốc Xí nghiệp KTCTTL huyện Tiền Hải cho biết: Việc điều hành tiêu úng trong sản xuất vụ mùa đã được Xí nghiệp lập kế hoạch hợp lý, linh hoạt. Khi có bão, áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn, Xí nghiệp sẽ khẩn trương huy động toàn bộ số máy bơm tiêu hiện có tại các địa phương để  tiêu nước đệm theo quy trình. Chỉ đạo 100% quân số của Xí nghiệp trực để thực hiện nhiệm vụ tại các cống tiêu. Chủ động các phương án chống úng phục vụ sản xuất vụ mùa, trong đó đã triển khai tiêu rút nước đệm và bố trí lực lượng liên tục vớt bèo, rác, vật cản trên sông tiêu và cửa cống. Theo dõi diễn biến thời tiết, lượng mưa, mực nước trên hệ thống các sông đề phòng mưa lớn sau bão, bảo đảm cho nông dân trong huyện đẩy nhanh tiến độ gieo cấy lúa mùa. 

Ngoài ra, Xí nghiệp đã triển khai kế hoạch phân công nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ, nhân viên thường trực giám sát từng vị trí xung yếu khi có lệnh điều động. Việc đóng mở cống dưới đê được thực hiện theo đúng quy định về phòng, chống lụt, bão và quy trình vận hành hệ thống, bảo đảm phương châm phòng úng từ xa. Chủ động lập kế hoạch ứng phó và khoanh vùng có nguy cơ ngập úng cao, xây dựng phương án tiêu úng kịp thời, tránh để lúa sau cấy bị ngập úng lâu ngày. Nắm bắt kịp thời mọi diễn biến bất thường của thời tiết, bám sát lịch sản xuất mùa vụ của huyện để lập lịch tưới, tiêu bảo đảm khoa học, hợp lý. 

Trước đó, công tác khơi thông và giải phóng dòng chảy được Xí nghiệp đặt lên hàng đầu với nhận thức là các sông trục, sông dẫn thông thoáng thì khâu tưới, tiêu mới được thuận lợi và tiết kiệm điện, nước. Xí nghiệp thường xuyên phối hợp với ngành chức năng tổ chức kiểm tra tình trạng vi phạm mặt cắt dòng chảy như đăng đó, vó bè, bèo bồng trên các tuyến sông. Lập kế hoạch giải tỏa theo điều kiện thực tế của từng địa phương. Xây dựng phương án phòng, chống bão, chống úng nội đồng triển khai đến các địa phương. Tổ chức cấp phát đầy đủ vật tư phòng, chống bão, lụt bao gồm ủng, găng tay, đèn pin, cuốc, xẻng... tới từng trạm quản lý các cống tiêu, trạm bơm do Xí nghiệp quản lý. Trước khi bước vào sản xuất vụ mùa, Xí nghiệp KTCTTL huyện đã tu bổ, sửa chữa thay mới cánh van 16 cống dưới đê và nội đồng; thay pa lăng 9 cái, lắp tời điện cho 4 cống dưới đê… Tham mưu cho UBND huyện triển khai tập huấn kỹ thuật phòng, chống bão, lũ theo phương châm “4 tại chỗ” đến từng địa phương như: tập bơi, cứu hộ, cứu nạn…

Nông dân các địa phương cấy dặm lại sau bão số 3.

* Nằm dọc ven sông Trà Lý, hàng năm xã Vũ Đông (thành phố Thái Bình) luôn phải chịu tác động của thiên tai, vì vậy công tác phòng, chống lụt, bão luôn được Vũ Đông đặc biệt quan tâm chỉ đạo, nhằm bảo vệ an toàn cao nhất hệ thống đê điều cũng như tính mạng, tài sản của nhân dân.

Kè Vũ Đông II (thành phố Thái Bình) đang gấp rút thi công.

Năm 2018, tình hình thời tiết, thiên tai, bão, lụt được dự báo diễn biến hết sức phức tạp, trong khi Vũ Đông là một trong những địa bàn xung yếu rất dễ bị thiệt hại nặng do mưa, lũ tràn đê. Để hạn chế thiệt hại xuống mức thấp nhất do thiên tai, bão, lụt gây ra, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xã Vũ Đông đã xác định các khu vực trọng điểm có thể bị ảnh hưởng cao. Thường xuyên kiểm tra đánh giá, theo dõi, quản lý các công trình đê, điều, kè, cống và các hệ thống tiêu úng trước mùa mưa bão. 

Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Đông Nguyễn Quốc Huy cho biết: Ngay từ đầu tháng 5, UBND xã đã xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn nhằm mục đích nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động đề phòng và sẵn sàng ứng phó kịp thời với bão, lũ, bảo vệ an toàn tính mạng con người, các công trình phúc lợi, tài sản, hoa màu của nhân dân trong mùa mưa bão. Yêu cầu đặt ra là quán triệt đầy đủ và sâu sắc phương châm “4 tại chỗ”; huy động tất cả nội lực sẵn có tại địa phương để xử lý nhanh khi có sự cố ngay từ giờ đầu; chủ động khắc phục hậu quả sau mưa, lũ, ổn định sản xuất, đời sống, bảo đảm an ninh trật tự xã hội. Xây dựng phương án hộ đê, phương án di dân vùng ngập lụt để tổ chức lực lượng canh đê 24/24 giờ trong các đợt mưa bão. Hướng dẫn nhân dân chủ động trong công tác phòng, chống, bố trí kinh phí đầu tư các trang thiết bị, cơ sở vật chất bảo đảm đúng theo yêu cầu.

Để chủ động phòng, chống lụt, bão, ngay từ đầu mùa mưa năm nay, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức phát quang cây cối lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, lưới điện, xã Vũ Đông cũng tích cực chuẩn bị các điều kiện phòng, chống lụt, bão, nhất là tại các công trình đê, kè, cống; đẩy nhanh tiến độ thi công công trình kè Vũ Đông 2 dài 240m; huy động nhân dân mỗi gia đình nộp 2 bao tải, 1 bó rào tre và tự chuẩn bị dụng cụ thắp sáng; thành lập đội xung kích gồm 151 người, tiếp vận 120 người, cừ sách 60 người, y tế 18 người, giao thông hỏa tốc 5 người; chuẩn bị đầy đủ các phương tiện cần thiết phục vụ tốt cho công tác phòng, chống lụt, bão của xã như: áo phao, phao cứu sinh, máy phát điện, xe tải và các phương tiện cần thiết khác. Phân công trách nhiệm cụ thể cho các ban, ngành, đoàn thể, từng thành viên trong Ban Chỉ huy, sẵn sàng ứng phó với bão lũ, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Nhiều diện tích lúa ở các địa phương bị ngập trắng.

Những ngày qua, do ảnh hưởng của bão số 3 và có mưa kéo dài nhiều ngày đã làm ngập úng khoảng 100ha lúa mùa trong tổng số trên 300ha lúa mới cấy trên địa bàn xã. Xã Vũ Đông đã và đang tích cực tiêu úng bảo vệ sản xuất bằng nhiều biện pháp để cứu lúa. HTX DVNN xã mở các cống nội đồng, vớt bèo, khơi thông dòng chảy, nhằm chuyển nước nhanh nhất về trạm bơm để tiến hành bơm tiêu nước. Trạm bơm Đông Tây Sơn, công suất 11.000m3/h hoạt động hết công suất, bơm nước tiêu úng liên tục 24/24 giờ. Sau 4 ngày bơm tiêu úng, đến nay tại một số chân ruộng quá trũng vẫn ngập úng. Vì lúa mới cấy nên chỉ có thể cầm cự được vài ngày chìm trong nước nếu ngập lâu sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, địa phương tiếp tục đề nghị Xí nghiệp Khai thác công trình thuỷ lợi thành phố bơm tiêu úng trong một vài ngày tới - ông Đào Xuân Úy, Giám đốc HTX DVNN xã Vũ Đông chia sẻ.

Với công tác chuẩn bị chu đáo của chính quyền địa phương, cùng với ý thức phòng, chống lụt, bão của người dân, tin rằng, trong mùa mưa, lũ năm 2018 và những năm tiếp theo, xã Vũ Đông sẽ hạn chế được tối đa mức thiệt hại do thiên tai gây ra.

Nhóm phóng viên