Thứ 2, 18/11/2024, 01:44[GMT+7]

Tuyên truyền về nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Thứ 4, 01/08/2018 | 08:43:30
3,264 lượt xem
Là tỉnh có cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, đại bộ phận nhân dân sống ở nông thôn nên công tác tuyên truyền về nông nghiệp, nông dân, nông thôn được toàn ngành Tuyên giáo coi là nhiệm vụ xuyên suốt.

Vùng sản xuất an toàn của HTX SXKD DVNN xã Thanh Tân (Kiến Xương). Ảnh: Lưu Ngần

Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhất là từ khi Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 28/4/2011 về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020, công tác tuyên truyền về nông nghiệp, nông dân, nông thôn càng được coi trọng và trở thành nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, ổn định vững chắc tình hình tư tưởng trên địa bàn tỉnh.

Thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã triển khai tích cực, có hiệu quả công tác tuyên truyền về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trên cơ sở hướng dẫn của Trung ương và kế hoạch của tỉnh, ngành Tuyên giáo đã tham mưu tổ chức các hội nghị quán triệt Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X), Nghị quyết số 02-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tới đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp; tổ chức tập huấn cho đội ngũ báo cáo viên; phối hợp với các ban xây dựng Đảng theo dõi, đôn đốc việc quán triệt, xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết của các cấp ủy, nhất là ở cơ sở. Thường xuyên phối hợp với MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội đẩy mạnh phổ biến nghị quyết đến cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền tổng thể cho cả giai đoạn, kế hoạch từng năm, hàng quý và định hướng tại các hội nghị báo cáo viên, hội nghị giao ban do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì. Nội dung tuyên truyền được các cấp, các ngành thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, bám sát tinh thần chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh; các cơ chế, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; các phong trào thi đua của các cấp, các ngành hướng về nông dân, nông thôn; những điển hình trong phong trào xây dựng nông thôn mới...

Để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và các cơ quan trong khối tư tưởng - văn hóa đã chú trọng nghiên cứu tổ chức các hoạt động tuyên truyền có chiều sâu như: tổ chức điều tra xã hội học về chính sách đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn, xây dựng điểm mô hình nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, vấn đề môi trường nông thôn... Tổ chức biên soạn tài liệu dành cho các đối tượng: bản tin sinh hoạt chi bộ về xây dựng mô hình nông thôn mới; sách “Hỏi đáp về xây dựng nông thôn mới”; “Kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Bình”; “Kỷ yếu tọa đàm xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Bình giai đoạn 2018 - 2020”; tổ chức các buổi tọa đàm, tham quan thực tiễn mô hình ở các huyện và cơ sở.

Các cơ quan thông tin đại chúng thường xuyên duy trì các chuyên trang, chuyên mục: nông nghiệp, khuyến nông, nông thôn mới, nông nghiệp công nghệ cao, nước sạch nông thôn... Hội Nhà báo, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh triển khai nhiều cuộc thi về chủ đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nhiều tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật của cán bộ, hội viên tỉnh nhà đạt giải cao tại các cuộc thi, liên hoan do trung ương tổ chức hàng năm là những tác phẩm về chủ đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh triển khai phong trào thi đua: chung sức xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường nông thôn, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, dân vận khéo... và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Nhờ đó, lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn được tuyên truyền sâu rộng, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Vai trò, vị trí của nông nghiệp, nông dân, nông thôn được khẳng định; tính năng động, sáng tạo, ý chí vươn lên trong học tập, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất và đời sống của nhân dân được phát huy.

Bên cạnh kết quả đạt được, nội dung tuyên truyền ở một số đơn vị, cơ sở chưa có chiều sâu, chưa thường xuyên; mới chỉ tập trung nhiều ở việc phản ánh những mặt tích cực, ít có phát hiện, phản ánh về những mặt tồn tại để có định hướng, rút kinh nghiệm; tuyên truyền về sản xuất thực phẩm an toàn chưa đáp ứng được yêu cầu; chưa có nhiều hình thức tuyên truyền hấp dẫn, phù hợp với trình độ, nhận thức của nông dân; một số thiết chế văn hóa ở cơ sở chưa phát huy được hiệu quả; công tác phối hợp giữa các địa phương, đơn vị có lúc, có việc còn chưa chặt chẽ; việc đôn đốc, kiểm tra chưa được triển khai kịp thời và thường xuyên...

Để khắc phục những hạn chế trên, công tác tuyên truyền, vận động phải được tiến hành thường xuyên, bền bỉ, lâu dài. Vấn đề đặt ra hết sức bức thiết hiện nay không chỉ cần có sự vào cuộc, phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành mà còn phải xác định rõ những trọng tâm, trọng điểm, lộ trình, giải pháp cụ thể trong công tác tuyên truyền. Gắn tuyên truyền những vấn đề về nông nghiệp, nông dân, nông thôn với tuyên truyền tổng thể chủ trương, giải pháp của tỉnh về phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ và việc xây dựng khu kinh tế Thái Bình. Chú trọng phát hiện, tôn vinh và tuyên truyền các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng nông thôn mới, nông dân làm kinh tế giỏi, những mô hình, cách làm sáng tạo, có hiệu quả từ đó nhân rộng, tạo sức lan tỏa trên diện rộng. Về lâu dài, cần đánh giá tổng thể các thiết chế phục vụ công tác tuyên truyền ở cơ sở và có giải pháp cụ thể, đầu tư thỏa đáng cho khu vực nông thôn nhằm thích ứng với những thay đổi của tình hình mới.

Hoàng Văn Duyệt

(Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)