Thứ 7, 16/11/2024, 18:54[GMT+7]

Quỳnh Sơn Điểm sáng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi

Thứ 4, 19/10/2011 | 13:45:33
2,227 lượt xem
Xác định sản xuất nông nghiệp là nhiệm vụ kinh tế trọng tâm, thời gian qua Quỳnh Sơn đã có nhiều giải pháp nhằm khuyến khích phát triển chăn nuôi và trồng trọt.

Trong quá trình lãnh đạo phát triển kinh tế địa phương, cấp uỷ, chính quyền xã Quỳnh Sơn (Quỳnh Phụ) luôn quan tâm đến cả ba lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và thương mại - dịch vụ (CN- TTCN và TM- DV). Trong đó đặc biệt chú trọng đến lĩnh vực nông nghiệp bởi xã có nhiều tiềm năng như đất đai, lao động, kinh nghiệm, truyền thống thâm canh…Những thế mạnh sẵn có kết hợp với cơ chế của địa phương đã đưa Quỳnh Sơn trở thành điểm sáng về phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá.

 

Xác định sản xuất nông nghiệp là nhiệm vụ kinh tế trọng tâm, thời gian qua Quỳnh Sơn đã có nhiều giải pháp nhằm khuyến khích phát triển chăn nuôi và trồng trọt. Hàng năm, HTX trích nguồn cấp bù thuỷ lợi phí kết hợp với ngân sách các cấp đầu tư hàng chục triệu đồng nâng cấp hệ thống kênh mương nội đồng, tập trung vào việc cứng hoá gần 3 km mương cấp I và cấp II (chiếm 37% tổng chiều dài hệ thống mương cần cứng hoá), lắp đặt các bi cống nội đồng, nạo vét và tu bổ hàng chục kilômét kênh mương các loại, bố trí 4 người làm nhiệm vụ vận hành 4 trạm bơm với tổng công suất gần 9.000m3/h và cử 20 người chuyên tháo dẫn nước cho toàn hệ thống.

 

Nhờ vậy đến nay, hệ thống thuỷ lợi của xã đã đảm bảo chủ động tưới tiêu cho 95% diện tích gieo trồng và giảm mức thu nộp thuỷ lợi phí của hộ xã viên từ 16kg/ sào xuống còn 7,4kg/ sào. Bên cạnh đó, hàng năm HTX và các đoàn thể chính trị còn tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao KH- KT trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thú y, thức ăn gia súc, phòng chống dịch bệnh. Đồng thời tổ chức cung ứng các loại vật tư nông nghiệp phục vụ nông dân, chỉ riêng mức cung ứng vật tư nông nghiệp do HTX đảm nhiệm đã chiếm khoảng 50% thị phần, chủ yếu là giống cây trồng, phân bón và thuốc BVTV, qua đó góp phần phục vụ kịp thời các chiến dịch phòng trừ sâu bệnh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đảm bảo lịch thời vụ, hạn chế tình trạng bán hàng kém chất lượng và ép giá nông dân.

 

Ngoài ra, xã còn thực hiện tốt việc quy vùng sản xuất phục vụ chuyển đổi từ cấy lúa kém hiệu quả sang đào ao nuôi thả thuỷ sản và xây chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tạo mọi điều kiện để các hộ dân dồn đổi ruộng thành mảnh lớn liền kề, thực hiện khoán, cho thuê đất để chuyển đổi, tiếp cận vốn tín dụng, thăm quan tìm hiểu mô hình. Được sự hỗ trợ kịp thời của cấp uỷ, chính quyền và các ngành đoàn thể, nông dân Quỳnh Sơn đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, mở rộng diện tích vụ đông, đa dạng hoá cây trồng, đầu tư phát triển chăn nuôi tập trung. Đến nay, xã đã cơ bản loại bỏ các giống lúa dài ngày trong sản xuất vụ mùa, thay vào đó là nhóm giống cho năng suất cao, thời gian sinh trưởng ngắn tạo điều kiện cho việc luân canh tăng vụ.

 

Diện tích lúa chất lượng cao ở vụ mùa năm nay vươn lên chiếm 35% bằng các giống N87, N97, Bắc thơm, Hương thơm, Thiên hương. Sau hai vụ lúa, toàn xã gieo trồng khoảng 190ha cây vụ đông, chủ lực là ngô (140ha), đậu tương và khoai tây (10ha), còn lại là rau các loại. Điều đáng chú ý là phần lớn diện tích ngô được trồng tại đây đều là ngô thương phẩm, hoặc bán non cho tư thương ngay tại ruộng, hoặc bán ngô giống cho các công ty giống trong toàn quốc. Gần đây một số hộ dân đã tiếp thu thêm các loại cây trồng mới cho hiệu quả kinh tế tương đối cao mà thị trường đang có nhu cầu như ớt, thanh hao hoa vàng, bí xanh. Đối với diện tích thấp trũng, cấy lúa kém hiệu quả, xã đã thực hiện quy vùng khuyến khích các hộ đầu tư chuyển đổi sang nuôi thuỷ sản, trồng cây ăn quả và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đến nay toàn xã đã hoàn thành chuyển đổi được 26,7ha, bước đầu cho thu nhập cao hơn so với cấy lúa. Phong trào cải tạo vườn tạp tại Quỳnh Sơn thời gian qua cũng diễn ra khá sôi nổi, với 28ha vườn trước đây chủ yếu là cây tạp tự phát, nay được thay thế bằng các cây ăn quả có giá trị như chuối, nhãn, vải, bưởi, ổi, cây cảnh, cây thế giúp tăng giá trị thu nhập từ 20 triệu đồng/ ha lên 35 triệu đồng/ ha/ năm.

 

Lĩnh vực chăn nuôi mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh và chi phí đầu vào tăng cao, song vẫn duy trì được đàn và từng bước chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi tập trung. Hiện tại, toàn xã đã hình thành được 5 trang trại và 115 gia trại giúp tăng nhanh số lượng đàn vật nuôi lên đáng kể với 235 con trâu bò, khoảng 1.900 con lợn thịt và gần 55.000 con gia cầm các loại.

 

Điểm khác biệt trong phát triển chăn nuôi ở Quỳnh Sơn là đàn lợn đang từng bước được nạc hoá bằng các giống ngoại siêu nạc và đàn gia cầm chủ yếu là chăn nuôi gà ta theo hình thức bán công nghiệp. Hình thức chăn nuôi tập trung tuy chi phí ban đầu lớn song hiệu quả mang lại cao hơn hẳn so với chăn nuôi truyền thống. Nhiều chủ trang trại đã vươn lên làm giầu nhờ phát triển chăn nuôi. Điển hình như gia trại của gia đình anh Nguyễn Công Quy (thôn An Khoái), với diện tích hơn 100m2 chuồng trại, anh thường xuyên nuôi 7 con lợn nái và khoảng 70 con lợn choai, mỗi tháng xuất bán 1 tấn thịt lợn hơi, thu lãi trung bình 2 triệu đồng (riêng nửa đầu năm nay gia đình anh thu lãi tới 20 triệu đồng/ 1 tấn thịt lợn hơi).

 

Một điển hình khác trong phát triển kinh tế trang trại ở Quỳnh Sơn là gia đình anh Nguyễn Quý Sơn (thôn An Khoái), với 5.000m2 chuyển đổi và 2,5 sào vườn tại nhà, gia đình anh thường xuyên nuôi 17 con nái bố mẹ, 150 con lợn thịt siêu nạc, 1 mẫu ao nuôi cá và 5.000- 7.000 gà con. Nếu trừ đi các khoản chi phí, mỗi năm gia đình anh Sơn thu lãi hàng trăm triệu đồng, riêng năm nay do giá lợn hơi tăng cao nên khả năng lợi nhuận sẽ cao hơn các năm trước.

 

Tuy nhiên, việc phát triển sản xuất nông nghiệp ở Quỳnh Sơn không phải không có hạn chế và đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là hệ thống thuỷ lợi nội đồng chưa đáp ứng được yêu cầu, dịch bệnh trong chăn nuôi chưa được kiểm soát hiệu quả, chi phí thức ăn và con giống tăng quá cao gây khó cho việc tái đàn, nhất là với các hộ nhỏ lẻ, thị trường đầu ra thiếu ổn định, phần lớn do tư thương kiểm soát.

 

Bài, ảnh: Vũ Mạnh

  • Từ khóa