Thứ 2, 18/11/2024, 01:36[GMT+7]

Cảnh giác với bệnh lùn sọc đen và rầy lưng trắng

Thứ 6, 03/08/2018 | 09:01:01
3,460 lượt xem
Hiện nay, bệnh lùn sọc đen đã xuất hiện rải rác ở một số diện tích lúa mùa, trong khi đó điều kiện thời tiết vụ mùa có nhiều thuận lợi cho rầy môi giới phát sinh, do vậy nguy cơ gây hại của bệnh ở vụ mùa là rất cao.

Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để có biện pháp phòng, trừ kịp thời sâu bệnh hại.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, để chủ động ứng phó với bệnh lùn sọc đen, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã liên tục thu thập các mẫu rầy và mẫu lúa để gửi đi giám định vi rút lùn sọc đen. Bệnh lùn sọc đen cũng như các khóm lúa có biểu hiện điển hình của bệnh đã xuất hiện rải rác ở một số xã thuộc các huyện: Tiền Hải, Kiến Xương, Thái Thụy, Vũ Thư. Bên cạnh đó, trên lúa mùa, rầy lưng trắng, môi giới truyền bệnh đã xuất hiện, tuy mật độ còn thấp nhưng nguy cơ tiềm ẩn bệnh rất cao. Ngành Nông nghiệp cùng các địa phương đã triển khai quyết liệt các biện pháp diệt trừ.

Đến nay, huyện Tiền Hải đã phát hiện bệnh lùn sọc đen cũng như khóm lúa có những dấu hiệu điển hình của bệnh ở 6 xã, trong đó xã Vân Trường đã có mẫu lúa dương tính với bệnh lùn sọc đen với mật độ rải rác trên trà lúa sớm. Trước đó, để phòng, tránh rầy môi giới, huyện Tiền Hải đã hỗ trợ 32.800 gói thuốc trừ rầy để phun tiễn chân mạ trước khi đưa ra ruộng cấy. 

Bà Phạm Thị Vui, Trạm Phó phụ trách Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện cho biết: Khi phát hiện rầy lưng trắng trên đồng ruộng, Trạm đã có văn bản gửi Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện nhằm chỉ đạo các HTX DVNN về việc thông báo lịch phun thuốc phòng, trừ rầy. Thời gian phun từ ngày 1 - 7/8 cho toàn bộ diện tích bằng các loại thuốc đặc hiệu. Bên cạnh đó, đối với những diện tích lúa đã bị nhiễm bệnh, các xã viên phải tiến hành nhổ vùi, tỉa dặm bằng những cây lúa khỏe, phun trừ rầy môi giới bằng các loại thuốc nội hấp, chăm sóc kịp thời để cây lúa mau chóng phục hồi, cần bón phân cân đối NPK, khi lúa chưa phục hồi ra lá mới chỉ nên bón lân và kali.

Tại 3 xã của huyện Thái Thụy là Thụy Quỳnh, Thụy Dũng, Thụy Trình đã tìm thấy một số khóm lúa có biểu hiện điển hình của bệnh lùn sọc đen. Ngoài việc khuyến cáo bà con khẩn trương nhổ, vùi cây lúa có biểu hiện bệnh, huyện Thái Thụy đã phát động chiến dịch phun trừ rầy từ ngày 25/7 đến ngày  5/8 cho toàn bộ diện tích lúa mùa. 

Ông Nguyễn Đức Tuấn, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện cho biết: Tuy mật độ rầy lưng trắng trên đồng ruộng ở mức thấp, trung bình từ 50 - 70 con/m2, nơi cao 100 - 200 con/m2 nhưng để phòng, trừ môi giới lây truyền bệnh lùn sọc đen, huyện Thái Thụy đã phát động chiến dịch phun trừ rầy, sau phun 3 ngày nếu kiểm tra còn rầy lưng trắng trên đồng ruộng cần tiếp tục phun lại.

Tuy chưa có mẫu rầy, lúa dương tính với bệnh lùn sọc đen song rút kinh nghiệm từ vụ mùa năm 2017, vụ mùa năm nay, xã Lê Lợi (Kiến Xương) đặc biệt chú ý đến công tác phòng, trừ rầy lưng trắng và bệnh lùn sọc đen. 

Ông Dư Ngọc Giang, thành viên Hội đồng quản trị HTX SXKD DVNN xã Lê Lợi cho biết: Để chủ động phòng, chống bệnh lùn sọc đen, bảo vệ sản xuất vụ mùa 2018, HTX đã chỉ đạo các thành viên áp dụng các biện pháp phòng, chống bệnh sớm, ngay sau khi thu hoạch lúa xuân theo phương châm phòng là chính và phải thực hiện đồng bộ, đặc biệt ở các vùng đã nhiễm nặng ở vụ mùa 2017. Để phòng, trừ rầy ngay từ trứng nước, bảo vệ tốt mạ, lúa non bằng cách xử lý hạt giống khi ngâm, ủ, phun tiễn chân mạ trước khi đưa ra ruộng cấy. Tuy đã quyết liệt phòng, trừ rầy từ sớm, tuy nhiên do ảnh hưởng đợt mưa lớn vừa qua làm khoảng 80ha lúa bị ảnh hưởng phải cấy dặm lại. Do không đủ mạ dự phòng, nông dân đã huy động mạ từ các địa phương khác gây khó khăn cho công tác quản lý rầy.

 Ngày 22/7, cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã phát hiện 2 khóm lúa có biểu hiện bệnh, đến ngày 28/7, cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tìm thấy thêm 5 khóm trên diện tích 5 mẫu. HTX đã chỉ đạo thành viên trong quá trình chăm sóc, tỉa dặm, nếu phát hiện khóm lúa nào có biểu hiện bất thường: cây còi cọc, màu xanh đậm, rễ kém phát triển, lá xoăn... cần khẩn trương nhổ vùi, đồng thời phát động chiến dịch phun trừ rầy từ ngày 22 - 25/7 và từ ngày 31/7 đến ngày 2/8 cho toàn bộ diện tích.

So với các loại bệnh trên lúa thì bệnh lùn sọc đen là nguy hiểm nhất bởi chưa có thuốc đặc trị. Tích cực kiểm tra đồng ruộng để kịp thời phát hiện biểu hiện bệnh cũng như phòng, trừ hiệu quả môi giới truyền bệnh là giải pháp duy nhất để ngăn chặn bệnh lùn sọc đen lây lan, phát sinh thành dịch.

  • Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, khi phát hiện cây lúa có các biểu hiện: cây thấp lùn, lá xanh đậm, lá rách hình chữ V, rễ ngắn, cứng, đâm ngang... cần khẩn trương nhổ vùi.
  • Phun trừ rầy lưng trắng bằng một trong các loại thuốc sau: Penalty 40WP, Chess 50WG, Midan 10WP, Oshin 20WP, Sutin 5EC, Chatot 600WG, Chersieu 50WG...

Ngân Huyền