Thứ 2, 18/11/2024, 01:49[GMT+7]

Kiến Xương tập trung phòng trừ bệnh lùn sọc đen trên lúa

Thứ 7, 04/08/2018 | 11:41:38
2,866 lượt xem
Đến ngày 3/8, huyện Kiến Xương đã cơ bản gieo cấy xong 11.300ha lúa mùa. Tuy nhiên đã có 14 xã trên địa bàn huyện xuất hiện bệnh lùn sọc đen trên lúa, do đó nhiệm vụ trọng tâm trước mắt của huyện Kiến Xương là tập trung phòng trừ sâu bệnh cho lúa mùa, nhất là bệnh lùn sọc đen.

Nông dân xã Lê Lợi phun thuốc trừ rầy hại lúa.

Những ngày này, trên khắp các cánh đồng ở địa bàn các xã đều xuất hiện hình ảnh bà con nông dân thăm đồng, bắt ốc bươu vàng và phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho lúa. 

Trên cánh đồng Rừng, thôn Đông Thổ, xã Lê Lợi - nơi phát hiện đầu tiên dấu hiệu lúa bị bệnh lùn sọc đen, nhiều hộ dân khẳng định giờ khó có thể tìm được những cây lúa có biểu hiện bất thường bởi ngay khi nghi ngờ lúa có dấu hiệu bị nhiễm bệnh, người dân đã tiến hành nhổ bỏ và tập trung phun thuốc kết thúc trước ngày 5/8. 

Ông Nguyễn Đức Chính, thôn An Phúc vừa mới tỉa dặm xong 8 sào lúa cũng cho biết: Ngay khi xã phát động, chúng tôi đã tới HTX mua đúng loại thuốc để tới ngày mùng 4 ra đồng phun trừ rầy hại lúa, kết thúc trước lịch của xã đề ra. 

Ông Lê Văn Quân, thôn Trung Kinh cũng cho biết: Vụ lúa mùa năm nay tôi cấy 7 sào và đã phun phòng trừ rầy trên 100% diện tích ngay trong ngày 3/8. Không chỉ phun thuốc mà ngày nào tôi cũng dành thời gian ra thăm đồng, chỉ mất hơn một tiếng mỗi ngày nhưng đã làm được rất nhiều việc, vừa bắt ốc, diệt chuột vừa nắm bắt tình hình sâu bệnh. 

Nông dân Kiến Xương tích cực thăm đồng, tỉa dặm lúa.

Ông Dư Ngọc Giang, Phó Giám đốc HTX DVNN xã Lê Lợi khẳng định: Thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên, HTX đã tuyên truyền bà con cấy xong trước ngày 3/8 với 407ha. Đợt mưa lớn kéo dài vừa qua Lê Lợi đã có 80ha lúa bị ngập, trong đó 35ha lúa chết. Cùng với việc phòng chống úng, cấy và tỉa dặm lại lúa, Lê Lợi đặc biệt quan tâm tới các đối tượng sâu bệnh hại lúa và phòng trừ bệnh lùn sọc đen. Kinh nghiệm từ vụ mùa năm ngoái khi hầu hết lúa mùa bị hỏng do bệnh lùn sọc đen gây ra, một phần do chủ quan trong khâu chỉ đạo, một phần do người dân chủ quan trong việc phun phòng trừ bởi đó là vụ đầu tiên lúa bị nhiễm bệnh lùn sọc đen nên xã chưa có kinh nghiệm. 

Ông Giang cho rằng vụ mùa năm 2017 bị mất mùa trong bối cảnh xã chưa kịp hiểu gì về triệu chứng của bệnh lùn sọc đen và cũng bị ngay trong giai đoạn lúa đẻ nhánh tới khi phát hiện bệnh thì không kịp khắc phục. Vì thế sau thất bại vụ mùa năm 2017, HTX DVNN xã Lê Lợi đã chỉ đạo trong vụ xuân 2018 thực hiện ngay từ khâu làm đất theo khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn. 

Tới vụ mùa này, nhờ tích cực thăm đồng, từ ngày 20/7 HTX đã phát hiện lúa có biểu hiện của bệnh lùn sọc đen và mật độ rầy rải rác, phát động người dân khi thấy bất kỳ cây lúa nào có biểu hiện bất thường sẽ nhổ bỏ tiêu hủy và phun rầy trên toàn bộ diện tích. Tuy nhiên do mưa kéo dài nên toàn xã chỉ mới phun được 10% do đó HTX tiếp tục chỉ đạo bà con phun đợt 2 từ ngày 31/7 – 2/8 và đợt 3 từ ngày 3 – 5/8. Đến ngày mùng 3/8, bà con đã phun phòng trừ rầy được trên 40% diện tích lúa mùa. 

Để tránh sự chủ quan của người dân, HTX đã thông báo trên hệ thống đài truyền thanh ở 7 thôn và của xã tuyên truyền liên tục về kỹ thuật cũng như cách chăm sóc bảo vệ lúa mùa.

Xã Vũ Công cũng là một trong những địa phương chủ động tuyên truyền người dân phun thuốc phòng trừ bệnh lùn sọc đen trên lúa. 

Ông Nguyễn Ngọc Thạnh, Giám đốc HTX DVNN xã cho biết: Đến nay mặc dù đã xuất hiện rải rác đối tượng rầy trên lúa, song HTX đã phát động nhân dân nhổ bỏ những cây lúa có biểu hiện bất thường, nghi bệnh lùn sọc đen và phun phòng trừ sâu bệnh. Thường xuyên thông báo trên hệ thống phát thanh các công điện, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn. Cấp ủy xã đã họp bàn và triển khai tập trung đôn đốc người dân phun phòng trừ rầy trên 100% diện tích lúa đồng thời giao mỗi đồng chí trong cấp ủy phụ trách một cơ sở thôn để theo dõi báo cáo tiến độ về Ban Thường vụ Đảng ủy nắm tình hình để có giải pháp, tiếp tục đôn đốc bà con thực hiện.

Một số cây lúa bị bệnh lùn sọc đen ở xã Lê Lợi đã được phát hiện, nhổ bỏ.

Đồng chí Nguyễn Cao Song, Bí thư Huyện ủy Kiến Xương cho biết: Nhiệm vụ trọng tâm trước mắt ở huyện là tập trung chỉ đạo sản xuất vụ mùa, vừa tiêu úng vùng trũng, giữ nước vùng cao để đảm bảo sinh trưởng của cây lúa. Đặc biệt, đối với việc phòng trừ bệnh cho lúa trọng tâm là phun trừ rầy phòng bệnh lùn sọc đen sẽ tập trung tuyên truyền bà con khẩn trương phun thuốc cho 100% diện tích lúa không bị ảnh hưởng của ngập úng, lúa cấy đã bén rễ hồi xanh. Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để kịp thời phát hiện những cây lúa có biểu hiện khác thường để nhổ bỏ, tiêu hủy. Tăng cường cán bộ kỹ thuật của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông huyện xuống cơ sở đôn đốc, hướng dẫn kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh và chăm sóc lúa mùa cho bà con.

Thu Thủy