Thứ 2, 18/11/2024, 01:45[GMT+7]

Thái Thụy - triển vọng nuôi tôm công nghệ cao

Thứ 2, 13/08/2018 | 08:59:56
4,428 lượt xem
Trước tác động của thời tiết, môi trường, dịch bệnh, người nuôi tôm ở Thái Thụy đã chuyển dần từ phương thức quảng canh, bán thâm canh sang nuôi tôm thâm canh công nghệ cao, mở ra triển vọng mới cho nghề nuôi tôm.

Ảnh minh họa.

Vùng đầm nuôi tôm của anh Đỗ Quang Bộ, xã Thái Thượng trước đây vốn là bãi sú vẹt hoang sơ. Từ chủ trương quai đê lấn biển những năm trước nay mang về nguồn thu bạc tỷ mỗi năm. 

Cũng như các hộ nuôi trồng thủy sản khác, anh Bộ từng trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm với nghề nuôi tôm. Khởi đầu bằng việc nuôi tôm sú quảng canh, sau đó là nuôi tôm thẻ thâm canh và đến nay là thâm canh công nghệ cao, mô hình này đang là hướng đi lý tưởng nhất. Giảm thiểu rủi ro bởi tác động của thời tiết, môi trường, dịch bệnh là những vượt trội từ phương thức này so với mô hình thâm canh. Hạch toán ngay vụ đầu tiên thí điểm, trên diện tích hơn 3.000m2, sau 2 tháng nuôi thả, anh Bộ nhẩm tính cầm chắc tiền tỷ trong tay. 

Anh Bộ cho biết: Thực ra bà con khó khăn về nguồn nước, môi trường, sau khi đi tham quan một số nơi, tôi về cải tiến ao nuôi làm mô hình này. Ao thì phải bơm cát vào xây lên, đổ cát xuống rồi mới trải bạt nuôi. Theo phương thức này, môi trường cũng dễ quản lý hơn, con tôm khỏe hơn, chi phí đỡ hơn nhiều so với nuôi tôm quảng canh cải tiến.

Với hơn 270ha nuôi trồng thủy sản nước lợ, những năm qua, xã Thái Thượng đang là địa phương đi đầu trong việc tiếp cận và nhân rộng mô hình nuôi tôm công nghệ cao. Từ một vài ao nuôi cách đây 2 năm, nay đã tăng lên 10ha. 

Kết quả bước đầu đã khẳng định hướng đi đúng, cách làm hiệu quả của mô hình này. Bởi trên thực tế, nghề nuôi tôm nói riêng, sản xuất nông nghiệp nói chung đang phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Trong khi đó, hệ thống tưới, tiêu cho trồng trọt và nuôi trồng thủy sản ở Thái Thụy vẫn chưa thể tách bạch. Tồn dư của thuốc bảo vệ thực vật thường xả thải qua cống Trà Linh ảnh hưởng rất lớn đến môi trường nuôi trồng thủy sản nước lợ và vùng đầm nuôi tôm. Do vậy, theo phương thức nuôi tôm công nghệ cao, với hệ thống vùng nuôi đồng bộ, tuần hoàn khép kín, người nuôi có thể chủ động được nguồn nước bảo đảm tiêu chuẩn cấp cho các ao nuôi. Qua đó, kiểm soát được dịch bệnh, hạn chế rủi ro có thể xảy ra. 

Ông Phạm Văn Đồi, cán bộ nông lâm thủy sản xã Thái Thượng cho biết: Thúc đẩy mô hình nuôi tôm công nghệ cao, hiện nay việc điều hành nước ở địa phương sát sao hơn so với thời gian trước, do các hộ nuôi công nghiệp xả thức ăn, xi phông sau khi xử lý ra sông tiêu, ảnh hưởng đến nguồn nước. Từ thực tiễn đó, cán bộ chuyên môn vận hành cống, lấy vào và thau đi bảo đảm sạch nước để các hộ nuôi tôm công nghệ cao có điều kiện phục vụ nuôi thả.

Từ 1 vụ mỗi năm ở cách thức nuôi tôm quảng canh tới 2 - 3 vụ nuôi thâm canh, đến nay, với mô hình nuôi tôm công nghệ cao, người nuôi có thể luân canh 4 - 5 vụ/năm. Đặc biệt, từ chỗ phụ thuộc hoàn toàn bởi thời tiết, nuôi tôm qua đông là sự không tưởng, thì nay bằng phương pháp nuôi tôm nhà bạt, tôm nuôi có thể sinh trưởng bình thường và được bảo toàn ngay cả trong giá rét, cũng như cao điểm nắng nóng. Nếu như áp dụng nuôi tôm quảng canh cải tiến với thời gian nuôi thả 100 - 120 ngày, năng suất chỉ đạt 1,5 - 2 tấn/ha/vụ thì nuôi thâm canh công nghệ cao tính từ thời gian nuôi thả đến khi thu hoạch chỉ 65 - 70 ngày, cho năng suất 7 - 10 tấn/ha/vụ. Từ hiệu quả kinh tế, việc chuyển đổi, áp dụng phương thức này đang là xu hướng phát triển ở Thái Thụy. Ở vụ 1, với hơn 18ha người nuôi tôm thu hoạch 150 tấn. Kết thúc vụ 2, với 43ha cho sản lượng gần 250 tấn. Ngay trong vụ 3 này, khi thời tiết biến đổi bất thường, mưa nắng xen kẽ thì các hộ nuôi tôm đang chuẩn bị điều kiện tốt nhất. 

Ông Lê Văn Hoan, cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Đối với mô hình nuôi tôm công nghệ cao, thứ nhất là bảo đảm an toàn cho môi trường dịch bệnh; thứ hai là khống chế chất thải môi trường nên mang về hiệu quả năng suất cao.

Thành công của các hộ nuôi tôm công nghệ cao đang mở ra triển vọng mới, thúc đẩy nghề nuôi tôm phát triển hiệu quả, bền vững, góp phần thay đổi cuộc sống của người dân Thái Thụy.

          Hoàng Hương

   (Đài TTTH Thái Thụy)