Thứ 2, 18/11/2024, 03:46[GMT+7]

Thăng trầm “phận” ngao (Kỳ 1)

Thứ 6, 14/09/2018 | 08:40:37
4,815 lượt xem
Với trên 50km bờ biển đã tạo cho Thái Bình ưu thế trong nuôi trồng thủy sản trong đó ngao là giống nuôi chủ lực, có chất lượng cao, không chỉ phục vụ tiêu dùng nội địa mà còn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và EU. Hiện, ngao được nuôi tại 5 xã của huyện Thái Thụy và 7 xã của huyện Tiền Hải với giá trị sản xuất tăng trưởng bình quân hơn 20%/năm. Tuy nhiên, những năm gần đây việc nuôi ngao của các hộ dân trong tỉnh gặp không ít khó khăn, chịu cảnh thăng trầm.

Được mùa ngao.

Kỳ 1: Biển cho “Vàng trắng”

Đối với người dân vùng ven biển, con ngao được ví như “vàng trắng” mà biển ban cho. Những năm qua, các hộ nuôi trong tỉnh đã biết phát huy lợi thế của địa phương, gắn bó với nghề nuôi ngao đem lại hiệu quả kinh tế cao, từng bước làm giàu cho gia đình và quê hương. 

Đến xã Đông Minh (Tiền Hải) không ai là không biết đến ông Đặng Huy Thiêm, người khởi nghiệp từ đôi bàn tay trắng, trở thành tỷ phú vùng biển từ nghề nuôi ngao. Theo ông Thiêm, ở độ tuổi thanh niên ông đã suy nghĩ, tại sao cứ phải chịu cảnh sống nghèo khó trong khi lợi thế nuôi trồng thủy sản (NTTS) và nguồn lao động của vùng quê ven biển lại dồi dào. Trăn trở, tìm tòi, ông quyết định chọn con ngao, đối tượng nuôi tiềm năng để phát triển sản xuất. Xuất phát điểm chỉ có mấy sào nuôi ngao song nhờ “yêu biển, quý ngao” nên đến nay diện tích nuôi ngao của ông Thiêm đã lên đến 20ha, trừ chi phí mỗi năm ông thu lãi hơn 1 tỷ đồng.

Ông Trần Văn Xương ở thôn Đồng Lạc, xã Nam Thịnh (Tiền Hải) cũng là một trong những tỷ phú nuôi ngao. Trải qua 27 năm gắn bó với nghề nuôi ngao, mặc dù gặp không ít khó khăn nhưng với nghị lực của một người con vùng biển, ông đã được đền đáp xứng đáng với những gì mình bỏ ra. 

Ông Xương cho biết: Xuất phát từ việc chuyên thu mua ngao thương phẩm của bà con ngư dân để xuất bán sang thị trường Trung Quốc, tôi đã hình thành ý tưởng đầu tư, cải tạo vùng đầm nuôi ngao thương phẩm và ngao giống của riêng gia đình mình. Hiện nay, gia đình tôi nuôi thả gần 7ha ngao các loại, trong đó 5,5ha nuôi ngao thương phẩm và 1,2ha nuôi ngao giống. Trải qua các năm, hiệu quả kinh tế từ nuôi ngao mang lại ngày càng cao, bình quân lợi nhuận mỗi năm từ 0,5 - 1 tỷ đồng. Chỉ riêng năm 2017, tổng doanh thu từ diện tích nuôi ngao của gia đình đạt 2,4 tỷ đồng, trừ chi phí cho thu lãi hơn 1 tỷ đồng.

Ông Thiêm, ông Xương chỉ là hai trong rất nhiều hộ dân vùng biển của huyện Tiền Hải biết phát huy thế mạnh của địa phương gắn bó với nghề nuôi ngao đem lại hiệu quả kinh tế cao. Từ những năm 1990, người dân Tiền Hải đã chuyển sang sản xuất ngao thương phẩm, thị trường tiêu thụ chủ yếu là xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc, Hồng Kông và tiêu dùng nội địa. Năm 2005, diện tích nuôi ngao tăng lên 700ha, chiếm 85% tổng diện tích nuôi ngao. Năng suất bình quân tăng từ 11,16 tấn/ha năm 2005 lên 27,67 tấn năm 2010. Những năm 2011 - 2015 năng suất bình quân đạt 30 tấn/ha. Một số hộ nuôi ngao có kinh nghiệm nhiều năm ở Nam Thịnh, Đông Minh thì năng suất ngao đạt tới 50 tấn/ha.

Chòi canh của các hộ nuôi ngao bãi triều Tiền Hải.

Theo số liệu của Chi cục Thủy sản, năm 2010, tổng sản lượng nuôi ngao toàn tỉnh đạt 30.130 tấn, tăng trưởng bình quân 26,92%/năm, chiếm 84,23% sản lượng nuôi mặn, lợ và 26,37% tổng sản lượng thủy sản toàn tỉnh. Giai đoạn 2005 - 2010 có thể nói là thời kỳ hoàng kim của sản xuất ngao trong tỉnh. Giá trị nuôi ngao có tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 26,84%/năm, riêng năm 2010 tăng 28% so với năm 2005, góp phần đưa giá trị sản xuất ngành thủy sản của tỉnh đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 11,31%/năm. Năm 2010, trên địa bàn tỉnh có 7 xã có diện tích nuôi ngao vùng bãi triều, trong đó chủ yếu tập trung ở huyện Tiền Hải, diện tích tăng 33% so với năm 2005. Trong đó diện tích nuôi ngao huyện Thái Thụy đạt 255ha, huyện Tiền Hải 1.700ha, giải quyết việc làm cho trên 10.000 lao động, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, từng bước làm giàu cho người dân, giữ vững an ninh trật tự vùng ven biển của tỉnh. Năm 2017, toàn tỉnh đạt sản lượng ngao nuôi trên 91.000 tấn, góp phần tăng giá trị sản xuất ngành thủy sản lên 7,86% so với năm 2016.

Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản

Do ảnh hưởng dòng chảy của các cửa sông chính: sông Hồng, sông Trà Lý và sông Hóa đã tạo cho Thái Bình vùng bãi triều rộng khoảng 25.000ha, trong đó có khoảng 7.000ha có thể phát triển nuôi ngao. Hệ thống các cồn ngầm và bãi trước cửa sông do bồi tụ hình thành hàng năm tạo nên bãi biển thuận lợi, giảm thiểu ảnh hưởng của sóng to, gió lớn đến vùng bãi triều, là môi trường thuận lợi cho phát triển nuôi ngao, một phần diện tích đầm trong và ngoài đê có thể cải tạo chuyển sang nuôi ngao được. Nhân dân ven biển Thái Bình đã có kinh nghiệm nuôi ngao trong nhiều năm nay, là điều kiện tốt để trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật từ vùng đã nuôi cho nhân dân các xã ven biển khác khi mở rộng quy mô diện tích nuôi ngao.
Ông Bùi Kiên Quyết, Chủ tịch UBND xã Nam Thịnh (Tiền Hải)

Nghề nuôi ngao ở xã Nam Thịnh đã đem lại lợi nhuận và điều kiện phát triển kinh tế cho bà con nông dân. Hiện nay, toàn xã có trên 1.000ha bãi triều để nuôi trồng thủy sản, trong đó chủ lực là nuôi ngao. Nghề nuôi ngao chiếm trên 70% trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp của xã, tạo việc làm cho 70% số lao động tại địa phương. Sản lượng ngao thương phẩm hàng năm đạt từ 12.000 - 13.000 tấn, mang lại thu nhập trên 120 tỷ đồng/năm cho người nuôi. Trong xã có gần 40 hộ dân được gọi là tỷ phú và có từ 300 - 400 hộ trở thành hộ giàu, khá nhờ nghề nuôi ngao.
Ông Phạm Văn Định, thôn 1, xã  Nam Phú (Tiền Hải)


Trước đây, tôi thường đi làm ăn xa nhà nhưng thu nhập không ổn định nên kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Năm 2010, tôi về địa phương và xin vào làm công cho một chủ đầm nuôi ngao tại xã Nam Thịnh. Gắn bó với công việc 8 năm nay, tôi có nguồn thu nhập ổn định khi được trả từ 4 - 5 triệu đồng/tháng. Trong quá trình làm thuê, nhiều người còn học hỏi được kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi ngao, từ đó chung vốn với chủ đầm hoặc tự thuê bãi đầm để đầu tư nuôi ngao và trở thành những triệu phú, tỷ phú trên mảnh đất quê hương.

Nhóm phóng viên