Thứ 7, 16/11/2024, 18:49[GMT+7]

Sản phẩm nông nghiệp “sạch” Ý thức từ người sản xuất, kinh doanh

Thứ 5, 10/11/2011 | 07:50:25
1,452 lượt xem
Mặc dù thời gian qua ngành nông nghiệp đã rất nỗ lực vào cuộc, nhưng nhìn lại lĩnh vực quản lý chất lượng ATTP trên địa bàn Thái Bình vẫn còn nhiều hạn chế cần được khắc phục trong thời gian tới.

Ảnh mang tính minh họa, nguồn Internet

Trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Thái Bình đã gặt hái được nhiều thành công, các vùng sản xuất hàng hoá đã và đang hình thành, năng suất, chất lượng các loại sản phẩm năm sau đều tăng cao hơn năm trước...Tuy nhiên, các sản phẩm cây trồng, vật nuôi đa phần chỉ chú trọng đến năng suất, chưa quan tâm nhiều đến chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP) từ con giống, thức ăn chăn nuôi, phân chăm bón, thuốc bảo vệ thực vật, môi trường.

 

Để hướng tới một nền nông nghiệp “sạch”, người tiêu dùng không phải sử dụng các sản phẩm có nhiễm chất độc hại, đồng thời cũng là cơ hội để sản phẩm nông nghiệp tăng sức cạnh tranh trên thị trường, đưa vào siêu thị bày bán, điều đó còn phụ thuộc rất nhiều vào ý thức người sản xuất, kinh doanh và các cơ quan quản lý ở lĩnh vực này.

 

Từ nhận thức đến hành động, hướng tới sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp “sạch”, thời gian qua các đơn vị ngành nông nghiệp đã tập trung tuyên truyền, phổ biến các văn bản quản lý nhà nước về chất lượng, ATTP, quy chuẩn kỹ thuật, biện pháp sản xuất an toàn sinh học và chế biến...Cụ thể như Luật an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm hàng hoá, pháp lệnh thú y, giống cây trồng, phân bón; các nghị định của Chính phủ về quy định hệ thống quản lý, thanh tra và kiểm nghiệm vệ sinh ATTP; các thông tư, quyết định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT về quy chế kiểm tra và công nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thuỷ sản.

 

Ngoài ra, ngành nông nghiệp đã xây dựng các văn bản về quy chuẩn kỹ thuật phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương, như sản xuất một số loại rau an toàn theo hướng Việt Gap ở xã Vũ Vân (Vũ Thư), Quỳnh Hải (Quỳnh Phụ), Vũ Phúc (Thành phố); nuôi thuỷ sản áp dụng thực hành tốt GAQP tại An Mỹ (Quỳnh Phụ), Thuỵ Liên (Thái Thuỵ); chăn nuôi lợn an toàn sinh học tại Trung tâm giống lợn An Bồi (Kiến Xương); xây dựng khu bán gia cầm sống bảo đảm vệ sinh ATTP tại 7 huyện. Bên cạnh đó, các chi cục trực thuộc Sở đã  mở trên 130 lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất rau an toàn, nuôi trồng thuỷ sản, giết mổ gia súc, gia cầm ATTP; sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi bảo đảm chất lượng.

 

Cùng với xây dựng các mô hình, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, gieo trồng, ngành nông nghiệp còn tăng cường kiểm tra, đánh giá chất lượng ATTP tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản. Đối với giống cây trồng đã kiểm tra 15 đơn vị, trong đó có 5 đơn vị chuyên kinh doanh giống; kiểm tra 30 HTX có sản xuất giống, 54 đại lý bán lẻ và trên 70 HTXDVNN có cung ứng giống lúa; kiểm tra 5 công ty cung ứng thuốc bảo vệ thực vật, 25 đại lý cấp 1, cấp 2 và 30 HTX cung ứng; kiểm tra sản xuất, kinh doanh tôm giống tại 21 xã và 3 HTX thuỷ sản...Qua kiểm tra, đánh giá, ngành nông nghiệp đã phát hiện 56 trường hợp vi phạm, trong đó vi phạm chất lượng 3 trường hợp, vệ sinh môi trường 20, vi phạm nhãn mác 5...Với các trường hợp vi phạm bị phát hiện trên cho thấy con số này còn quá nhỏ so với thực trạng hiện nay.

 

Mặc dù thời gian qua ngành nông nghiệp đã rất nỗ lực vào cuộc, nhưng thẳng thắn nhìn nhận lại lĩnh vực quản lý chất lượng ATTP trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế cần được khắc phục trong thời gian tới. Trước hết có thể nói các cấp, ngành chưa quyết liệt, mới chỉ tập trung vào một số thời điểm, không được triển khai thường xuyên. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra số lượng mẫu lấy còn ít; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công việc này thiếu, phân tích mẫu chậm nên xử lý vị phạm không kịp thời. Đồng thời tính tự giác của một bộ phận không nhỏ nông dân ở các cơ sở sản xuất trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thuỷ sản, chế biến, kinh doanh chưa theo các quy định của Nhà nước.

 

Một điều dễ thấy nhất hiện nay là lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kháng sinh, chất kích thích, thuốc tăng trọng, chất bảo quản...Có những câu chuyện mà ít người ngờ tới những thủ thuật đáng sợ của người trồng rau được rò rỉ ra ngoài, như rau cải củ, hoặc cải bẹ trước khi thu hoạch họ đem phun thuốc trừ cỏ để làm cây rau đỡ xanh non, đanh lại dễ bắt mắt những người mua về làm dưa; hay như ngọn bí chỉ ngâm một đêm đã dài ra vài gang tay. Không chỉ có cây rau mà ngay cả đối với các cơ sở chế biến và kinh doanh nông, lâm, thuỷ sản đa phần là quy mô nhỏ nên chế biến, bảo quản còn mang tính thủ công, không bảo đảm ATTP.

 

Để nâng cao ý thức của người sản xuất, kinh doanh, ngành nông nghiệp đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về ATTP; tập huấn kỹ thuật sản xuất, nuôi trồng an toàn sinh học. Các công việc được giao cụ thể như Phòng chăn nuôi kiểm tra giống, chất lượng thức ăn chăn nuôi tại các cơ sở lớn; Chi cục nuôi trồng thuỷ sản kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống, thức ăn thuỷ sản; Chi cục thú y kiểm soát vận chuyển gia súc, gia cầm và các sản phẩm thịt chăn nuôi...Tuy nhiên, do lực lượng mỏng và kiêm nhiệm nhiều việc nên dù có tăng cường kiểm tra, kiểm soát thì ngành nông nghiệp cũng không thể bao quát hết được, đòi hỏi phải có sự vào cuộc quyết liệt của các sở, ngành có liên quan. Đồng thời các đối tượng sản xuất, kinh doanh phải ý thức được sự tác hại của các sản phẩm không bảo đảm ATTP đến sức khoẻ cộng đồng, để từ đó cung ứng cho thị trường những mặt hàng bảo đảm chất lượng.

 

Nguyên Bình

 

 

  • Từ khóa