Thứ 2, 18/11/2024, 03:30[GMT+7]

Xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn giải pháp nâng cao giá trị cho nông sản (Kỳ 2)

Thứ 2, 24/09/2018 | 08:53:22
6,585 lượt xem

Để hình thành chuỗi cung ứng an toàn, từ khâu sản xuất, sơ chế đến tiêu thụ đều phải được cấp chứng nhận an toàn thực phẩm.

Kỳ 2: Vẫn còn nhiều khó khăn, trở ngại

Thực tế cho thấy, việc sản xuất, kinh doanh nông sản trên địa bàn tỉnh mới chỉ dừng ở từng công đoạn đơn lẻ, chưa hình thành được mối liên kết giữa sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, cùng với những quy định ngặt nghèo về điều kiện công nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn khiến số lượng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được xác nhận còn rất khiêm tốn so với tiềm năng, lợi thế của một tỉnh nông nghiệp.

Theo đánh giá của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, việc xây dựng và phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh còn không ít khó khăn. 

Bà Trần Thị Liên Hoa, Trưởng phòng Chế biến, thương mại nông sản cho biết: Để hình thành chuỗi cung ứng an toàn, từ khâu sản xuất, sơ chế đến tiêu thụ đều phải được cấp chứng nhận an toàn thực phẩm. Chỉ cần một “mắt xích” bị đứt gãy sẽ không thể hình thành chuỗi. Đơn cử như sản phẩm trà thảo dược của Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại xuất nhập khẩu Thái Hưng, mặc dù từ các khâu sản xuất - chế biến đều được cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm nhưng do Công ty chưa có cửa hàng bày bán tại Thái Bình được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm vì vậy không hình thành chuỗi cung ứng an toàn. Hoặc như sản phẩm nước mắm cũng rất khó để hình thành chuỗi cung ứng nông sản an toàn khép kín khi Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản chỉ có thể kiểm định, cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm từ khâu sơ chế, chế biến đến tiêu thụ nhưng sản xuất ban đầu lại không rõ ràng, do doanh nghiệp tự thu mua từ các cơ sở khai thác nhỏ lẻ…

Một thực trạng hiện nay là hầu hết các nông sản được sản xuất theo kiểu “mùa nào thức đấy”, mang tính thời vụ cao vì vậy khối lượng và chủng loại sản phẩm nông sản chưa đủ và không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ cũng là một khó khăn cho việc gắn kết giữa cơ sở sản xuất với kinh doanh tạo thành chuỗi. Cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư cho các tổ chức, cá nhân tham gia áp dụng sản xuất chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn còn hạn hẹp. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm còn khó khăn về kinh phí đầu tư như chi phí lấy mẫu, chi phí chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm… Vì vậy rất ít cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm có nhu cầu xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Ông Nguyễn Hồng Trường, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho biết: Với mục tiêu tiếp tục hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản xây dựng và phát triển chuỗi liên kết nông sản an toàn, thời gian tới, Chi cục sẽ hỗ trợ, cấp giấy chứng nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn có gắn tem truy xuất nguồn gốc đối với 3 sản phẩm gạo của Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed theo chương trình hỗ trợ của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Muốn phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cần phải tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ từ khâu nuôi trồng, canh tác đến thu hoạch, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Trước hết, người sản xuất nông sản phải được nâng cao hiểu biết về áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến, ứng dụng khoa học kỹ thuật, phân bón hữu cơ, vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học vào sản xuất để bảo đảm chất lượng nông sản. Cần làm tốt công tác tuyên truyền để thay đổi nhận thức, hành vi trong sản xuất, tiêu dùng thực phẩm an toàn; để người dân hiểu rõ lợi ích khi tham gia chuỗi liên kết nói chung, chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn nói riêng; cách thức vận hành chuỗi đúng quy chuẩn, quy trình sản xuất an toàn.

Thời gian qua, tỉnh cũng đã quy hoạch các vùng sản xuất an toàn tập trung tuy nhiên để hình thành chuỗi cung ứng an toàn cần có sự hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng vùng sản xuất, chi phí xúc tiến thương mại. Cần có chính sách khuyến khích thành lập các nhóm liên kết, tổ hợp tác, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, sản xuất theo chuỗi gắn với tiêu thụ sản phẩm thông qua hỗ trợ mặt bằng, tín dụng... Bên cạnh đó, cần tổ chức nhiều hơn nữa các hoạt động giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông nghiệp để các tổ chức, doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng thị trường. Các ngành chức năng cần phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh kiểm tra, chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho các cơ sở đạt yêu cầu đồng thời nghiêm túc xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.

Lưu Ngần