Thứ 7, 16/11/2024, 18:45[GMT+7]

Ghi nhận trên vùng chuyên canh rau Trung An

Thứ 3, 22/11/2011 | 07:17:55
2,514 lượt xem
Giữa tháng 11/2011, cơn sốt rau xanh tăng giá đã đi qua nhưng ở Trung An (Vũ Thư), cánh đồng rau vẫn nhộn nhịp: Người thu hái, người tưới nước, làm đất miệt mài.

Vùng chuyên canh rau Trung An cho thu nhập 200-300 triệu đồng/ha/năm

Cánh đồng chuyên canh rau trên 30 ha trải màu xanh mơn mởn trông thật thích mắt. Cây rau Trung An đã có thương hiệu, đêm ngày theo những chuyến ô tô có mặt ở phiên chợ sớm mai của thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng, Quảng Ninh và một số tỉnh miền Trung, đem về lợi nhuận vài trăm triệu đồng/1 ha/năm.

     

Trung An có quỹ đất nông nghiệp 325,7 ha. Bình quân 530 m2/khẩu, ở mức thấp so với các xã trong huyện. Sản xuất nông nghiệp mấy năm gần đây có nhiều chuyển biến, tiến bộ vượt bậc. Xã quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa. HTX dịch vụ nông nghiệp luôn đưa các giống lúa, giống cây màu mới vào khảo nghiệm. Quỹ tín dụng nhân dân xã đầu tư vốn tiếp sức cho 4 hộ mua máy gặt đập liên hợp rút ngắn thời gian thu họach lúa.

 

Trung An giáp  thành phố nhưng không phải ai cũng có khả năng và cơ hội tìm việc làm ở các khu công nghiệp và thị trường tự do. Xã vẫn có một bộ phận lao động bó bện với nghề nông truyền thống, đặc biệt là nghề trồng rau. Khai thác thế mạnh về diện tích đất màu pha cát, người dân trong quá trình luân canh đa dạng các loại cây trồng đã tìm ra cây chủ lực ngắn ngày gồm các loại rau ăn lá, nổi tiếng là xà lách, rau mùi, cho giá trị cao, luôn được thị trường ưa chuộng cả chính vụ và trái vụ. Yếu tố quan trọng để nhiều hộ đạt vòng luân canh 6-7 vụ rau /năm là do HTX dịch vụ nông nghiệp đã đầu tư kiên cố gần 800 m kênh mương, nhân dân xây gần 300 giếng để chủ động nguồn nước tưới. Chị Phạm Thị Lan, gia đình có quỹ đất trồng rau hơn 2 sào cho chúng tôi biết: Không ít gia đình có thu nhập 2,5 triệu đồng/sào/1 lứa rau trong khoảng thời gian 35 - 40 ngày. Tuy nhiên, tháng 9, tháng 10, rau được giá nhưng số lượng không đủ cung cấp cho thị trường miền Trung do thời tiết mưa nhiều, rau phát triển chậm, mỗi luống chỉ thu được 50-60 kg, bằng nửa những năm trước. Trung bình mấy năm gần đây, Trung An cung cấp cho thị trường trên 3 000 tấn rau xanh/năm. Khâu tiêu thụ thuận lợi, hầu hết do các tổ dịch vụ trong xã thu mua. Họ thuê người cắt rau, đóng gói, chuyên chở đi các tỉnh bằng ô tô giao cho các thương lái ở chợ đầu mối.

 

Giá trị của cây rau trên quỹ đất màu được nhân dân thôn An Lộc khẳng định rõ. Tuy nhiên, người dân các thôn khác thì lại không mấy mặn mà với cây màu vụ đông, nhất là năm nay thời tiết không thuận lợi, lao động làm nông nghiệp chủ yếu ở độ tuổi trung niên và người già, sức khỏe hạn chế.

 

Anh Phạm Văn Thư, Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp cho chúng tôi biết: Chỉ tiêu diện tích vụ đông huyện giao trên 100 ha. HTX tham mưu cho UBND xây dựng đề án vụ đông với cơ cấu 30 ha đậu tương, khoai lang 12 ha, đậu côve 30 ha, khoai tây 20 ha, còn lại là rau các loại. HTX cùng các thôn tổ chức họp dân thông báo cơ chế hỗ trợ của cấp trên. Các thôn nhận chỉ tiêu diện tích xã giao, triển khai đề án đến hộ sản xuất. Tuy nhiên do ảnh hưởng cơn bão số 5, lúa bị đổ, chín chậm, khi gặt mặt ruộng còn đọng nhiều nước, nhiều hộ không thể gieo đỗ tương nên hầu như diện tích cây đậu tương không đạt được kế hoạch. Một số cây khác chỉ đạt 40-50% chỉ tiêu diện tích. Xã tiếp tục chỉ đạo nhân dân đăng ký với Phòng nông nghiệp & PTNT huyện mua trên 4 tấn khoai tây, cộng với lượng giống nhân dân gửi tại kho lạnh của xã Song An để mở diện tích cây ưa lạnh.

    

Theo kế hoạch, Trung An sẽ tiến hành dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp vào năm 2012. Vùng chuyên canh rau vẫn giữ nguyên trạng nhưng xã xây dựng kế họach vận động dân hiến đất làm công trình thủy lợi theo tiêu chí nông thôn mới. Thực hiện chỉ đạo của huyện, Song An đang triển khai xây dựng đề án sản xuất vụ xuân, vụ hè 2012, đưa các giống lúa ngắn ngày vào thâm canh theo phương pháp gieo vãi, gieo thẳng, kiên trì thực hiện phương châm: Xuân muộn, mùa sớm, cây vụ đông rộng

                                                                                                Bảo Linh

 

  • Từ khóa