Thứ 7, 16/11/2024, 05:46[GMT+7]

Vụ đông ở Quang Trung (Kiến Xương) Trong khó khăn vẫn duy trì sản xuất

Thứ 3, 22/11/2011 | 09:44:50
1,713 lượt xem
Vụ đông năm 2011, Quang Trung (Kiến Xương) phấn đấu gieo trồng 230 ha cây rau màu vụ đông, với truyền thống thâm canh sẵn có, nông dân Quang Trung đã chủ động khắc phục khó khăn, tích cực gieo trồng bảo đảm mục tiêu đã đề ra.

Nông dân xã Quang Trung (Kiến Xương) chăm sóc cây màu vụ đông.

Đến nay, Quang Trung đã gieo trồng được 173,6 ha; trong đó, dưa bí các loại 16,4 ha, khoai tây 18,4 ha, khoai lang 9,7 ha, ngô 19,4 ha, rau sớm 79 ha và các loại rau màu khác 30,7 ha. Là địa phương có truyền thống trong sản xuất cây màu vụ đông của huyện, trong những năm qua, Quang Trung luôn phấn đấu đưa vụ đông trở thành vụ sản xuất chính thứ ba trong năm. Chính vì vậy, chính quyền xã cũng như HTX dịch vụ nông nghiệp (HTXDVNN) luôn tìm mọi biện pháp đưa các loại cây trồng có giá trị cao vào sản xuất. Chẳng hạn như với cây ngô giống, HTX ký hợp đồng sản xuất 12 ha với 2 vụ/năm cho Trung tâm nghiên cứu và sản xuất giống ngô Sông Bôi (Lạc Thủy, Hòa Bình). Qua 7 năm thử nghiệm cho thấy, đây là loại cây tương đối thích hợp với vùng đất địa phương; lại cho năng suất tương đối cao, trung bình 2,5 tạ/sào, có gia đình đạt tới 3 tạ/sào; hiệu quả thu được cao gấp ba lần so với trồng các loại cây rau màu khác. Bởi trên vùng đất đó trước kia chỉ thích hợp với cây khoai lang, còn với các loại cây trồng khác chỉ cho thu lãi khoảng 300.000 đồng/sào/vụ.

 

Anh Vũ Văn Dũng (thôn Thượng Phúc) cho biết: Năm 2004, dưới sự vận động tuyên truyền của HTXDVNN và sự hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ Trung tâm nghiên cứu và sản xuất giống ngô Sông Bôi, gia đình anh đã tham gia gieo trồng 1,5 sào ngô giống. Năm 2011, gia đình anh đăng ký gieo trồng 1,5 sào với giá thu mua 9.500 đồng/kg. Đến nay, cây ngô đã trổ cờ, chuẩn bị thụ phấn. Bên cạnh cây ngô giống, trước khó khăn của thời vụ, vụ đông năm 2011, Quang Trung còn đưa giống cây bí xuất khẩu vào gieo trồng nhằm đạt được mục tiêu kế hoạch đã đề ra. Nhằm tạo đầu ra ổn định, giúp bà con nông dân yên tâm đầu tư sản xuất, HTX đã đứng ra ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với công ty ở Hải Dương với mức giá 1.800 đồng/kg. Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, nông dân trong xã đã tham gia tích cực với tổng diện tích gieo trồng 10 ha.

 

Bà Vũ Thị Hải - Chủ nhiệm HTXDVNN xã cho biết: Sở dĩ Quang Trung đạt được kết quả đó là do cùng với cơ chế hỗ trợ của Nhà nước, HTX còn trích quỹ hỗ trợ thêm 20.000 đồng/sào phát triển cây bí xuất khẩu, UBND xã hỗ trợ 30.000 đồng/sào khoai tây và 200 đồng/kg khoai tây giống gửi kho lạnh nhằm khuyến khích nông dân mở rộng hơn nữa diện tích gieo trồng trên đất hai lúa. Ngoài cơ chế hỗ trợ, Quang Trung còn chủ động quy vùng giao thông thủy lợi, nạo vét mương máng, bơm tát nước tạo điều kiện thuận lợi cho cây vụ đông phát triển.

 

Công tác tuyên truyền được địa phương đặc biệt chú trọng. Cùng với việc họp bàn với dân, Đài truyền thanh xã còn thường xuyên phát sóng lịch gieo trồng và kỹ thuật sản xuất các cây trồng như bí lai F1 xuất khẩu, ngô giống…Bên cạnh đó, HTXDVNN  tổ chức phát tờ rơi tuyên truyền về quy trình kỹ thuật gieo trồng một số loại cây. Ngoài ra, công tác tập huấn KHKT cũng được địa phương đặc biệt quan tâm. Ngay từ đầu vụ, HTX đã tổ chức hội nghị tập huấn sản xuất cây màu vụ đông với sự tham gia của trên 100 lượt người và một hội nghị tập huấn sản xuất củ cải theo dự án VIETGAP của Viện Rau quả Trung ương.

 

Thời tiết từ đầu vụ gieo trồng cây vụ đông đến nay tương đối thuận lợi cho quá trình sinh trưởng và phát triển của cây. Tuy nhiên, đây cũng là mối lo ngại của bà con nông dân không chỉ ở Quang Trung mà còn ở các địa phương khác, bởi “được mùa” thì luôn “mất giá”. Chị Vũ Thị Thủy (thôn Trà Đông) cho biết: Gia đình chị có 2 sào diện tích đất 1 lúa 2 màu chuyên trồng lạc và các loại rau như su hào, cải bẹ, sa lát, hành, tỏi. Chỉ tính riêng cây màu, mỗi năm gia đình chị thu lãi 10 triệu đồng, cao gấp ba lần so với cấy lúa. Mặc dù địa phương có truyền thống thâm canh cây màu vụ đông từ hơn 20 năm nay, song chị Thủy hầu như đều phải đem ra chợ bán bởi không có tư thương đến địa phương thu mua. Đây cũng chính là vấn đề đặt ra với các cơ quan chức năng trong tỉnh, cần có cơ sở chế biến nông sản  ở Thái Bình giúp nông dân yên tâm đầu tư sản xuất. Bên cạnh đó, các ngành, các cấp cũng cần tăng cường đầu tư cứng hóa kênh mương, nâng cấp đường giao thông tạo thuận lợi giúp các doanh nghiệp về địa phương thu mua sản phẩm.

 

  Bài, ảnh: Minh Hương

  • Từ khóa