Thứ 2, 18/11/2024, 04:45[GMT+7]

Dấu ấn “Tam nông” (Kỳ 1)

Thứ 3, 16/10/2018 | 07:46:45
3,520 lượt xem
Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (gọi tắt là “tam nông”) đã làm thay đổi căn bản cục diện sản xuất nông nghiệp, bộ mặt nông thôn và đời sống người nông dân Thái Bình. Những kết quả đạt được đã thể hiện “ý Đảng lòng dân” hòa hợp, tạo tiền đề quan trọng để tỉnh ta thúc đẩy nhanh, có hiệu quả và bền vững tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng trên đồng đất xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng.

Kỳ 1: "QUẢ NGỌT" TỪ TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP

Năm 2007, kinh tế của Thái Bình chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp với 80% dân số sống ở vùng nông thôn, trong khi quy mô sản xuất của ngành này còn nhỏ lẻ, manh mún và lạc hậu. Nhưng sau 10 năm, sản xuất nông nghiệp của tỉnh có sự bứt phá toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa; từ độc canh cây lúa đã hình thành và phát triển nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô hàng trăm ha/vùng cho hiệu quả kinh tế cao. Ngành Nông nghiệp đã trở thành trụ đỡ để phát triển các ngành kinh tế khác của tỉnh, vậy đâu là chìa khóa cho thành công trên?

Tư duy mới trên cánh đồng cũ

Ai cũng biết, Thái Bình là vựa lúa của đồng bằng sông Hồng, là tỉnh đầu tiên của miền Bắc đạt 5 tấn thóc/ha, đến nay năng suất lúa đạt ngưỡng 13 tấn/ha, nhưng với cây lúa nông dân khó có thể làm giàu. Vậy mà nhờ luồng gió mới từ “tam nông”, nhờ bàn tay, khối óc đầy sáng tạo của những người nông dân quê hương 5 tấn biến những vùng đất chua trũng, cấy lúa kém hiệu quả thành những cánh đồng, ao nuôi tôm thu bạc tỷ. Anh Nguyễn Xuân Sứ, thôn Bích Du, xã Thái Thượng (Thái Thụy) là một trong số đó.

Cũng nuôi tôm như bao người dân vùng biển nhưng anh nuôi tôm công nghệ cao trong nhà bạt. Anh Sứ chia sẻ: Ưu điểm nổi bật của công nghệ này là tăng thời vụ và sản lượng, bảo đảm được nhiệt độ và môi trường nước nuôi nên hạn chế thấp nhất rủi ro, cho hiệu quả kinh tế cao. Nếu như trước đây tôm thẻ nuôi công nghiệp chỉ được 2 vụ/năm, năng suất 3 - 4 tấn/ha thì với mô hình nuôi tôm công nghệ cao trong nhà bạt có thể nuôi thả 4 - 5 vụ/năm, sản lượng cao gấp 3 - 4 lần, đạt 12 - 15 tấn/ha. Từ chỗ phụ thuộc hoàn toàn bởi thời tiết, nuôi tôm qua đông là không tưởng, thì nay bằng phương pháp nuôi tôm nhà bạt, con tôm có thể sinh trưởng bình thường và được bảo toàn ngay cả trong giá rét, cũng như cao điểm nắng nóng. Với diện tích 10.000 ha nuôi tôm, mỗi năm gia đình thu từ 2 đến 3 tỷ đồng, tạo việc làm cho nhiều lao động.

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao của anh Nguyễn Xuân Sứ, thôn Bích Du, xã Thái Thượng, huyện Thái Thụy.

Trước năm 2002, không ai nghĩ cánh đồng không có đường ra, bỏ hoang ven sông của thôn Lạc Chính, xã Vũ Chính, thành phố Thái Bình lại trở thành khu sản xuất rau an toàn, thu mỗi năm hàng tỷ đồng như hiện nay. Người làm nên thành công này chính là chị Nguyễn Thị Lan ở xã Vũ Chính. Trên diện tích 10.000m2, hai vợ chồng chị đã bỏ biết bao tiền của, công sức cải tạo đất trồng lúa, nuôi cá, nuôi lợn, sau đó làm nhà lưới trồng rau sạch. 2 năm nay, chị trồng rau thủy canh - mô hình cho hiệu quả cao. 

Theo chị Lan: sản xuất rau theo mô hình thủy canh hay nhà lưới tiết kiệm đất, tránh côn trùng phá hoại, không bị ảnh hưởng bởi thời tiết, trồng trái vụ nên bán được giá. Để có rau sạch, chất lượng tốt, an toàn cho người dùng, chị xử lý sâu bệnh bằng thuốc sinh học, phun tỏi ớt… nên không đủ cung ứng cho thị trường.  

Ngoài ra, chị Lan còn thuê thêm gần 2 mẫu ruộng gần nhà để trồng rau mỗi ngày cung ứng ra thị trường trên 2 tạ rau. Chị cũng mở 2 cửa hàng bán rau, nuôi thêm gia súc, gia cầm… doanh thu mỗi năm đạt khoảng trên 1 tỷ đồng, trừ chi phí lãi 800-900 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động với thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng.

Mô hình trồng rau thủy canh của chị Nguyễn Thị Lan ở thôn Lạc Chính, xã Vũ Chính, thành phố Thái Bình.

Ông Phạm Văn Dụng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: 10 năm qua, nhờ tích cực tuyên truyền, có các cơ chế hỗ trợ kịp thời và hiệu quả thực tế từ các mô hình mà nông dân Thái Bình đã chuyển mạnh tư duy từ sản xuất truyền thống, tự cấp, tự túc sang sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao thu nhập. Nhờ tư duy mới trên những cánh đồng cũ mà hàng vạn nông dân Thái Bình làm giàu thành công trên đồng ruộng quê hương như anh Sứ, chị Lan. 

Chung sức cùng nông dân, 10 năm qua, HĐND, UBND tỉnh, các huyện, thành phố đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, tạo đòn bẩy thúc đẩy sản xuất phát triển, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của nông dân.

Ông Nguyễn Quang Cơ, Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Phụ cho biết: Cấp ủy, chính quyền, đoàn thể chính trị từ huyện tới cơ sở của Quỳnh Phụ đã tạo mọi điều kiện, động viên, khuyến khích các hộ nông dân dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, đầu tư vốn, giống, ứng dụng khoa học công nghệ mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; chuyển các hộ thuần nông sang sản xuất phi nông nghiệp. Đến nay, quy mô sản xuất nông hộ trên địa bàn huyện bình quân đạt 2.500m2/hộ, tăng 47% so với năm 2008; có trên 3.500 hộ chuyển từ nông nghiệp  sang làm tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ.

Kỳ tích trên những cánh đồng

Những chính sách ưu tiên cho phát triển nông nghiệp của tỉnh và các địa phương được triển khai trong những năm qua đã tạo kỳ tích trên những cánh đồng của Thái Bình. Đến nay, toàn tỉnh đã tích tụ 14.929,28 ha ruộng đất; chuyển cây trồng trên đất lúa sang trồng các loại rau màu hiệu quả cao hơn từ 2 - 3 lần, đưa hệ số sử dụng đất tăng lên 2,4 lần; 210 HTX thực hiện việc liên kết giữa các hộ thành viên với 20 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để sản xuất và tiêu thụ nông sản. Thái Bình đã xây dựng được146 cánh đồng lớn ở 133 xã với diện tích 12.296 ha, trong đó diện tích có hợp đồng bao tiêu sản phẩm là 9.766 ha với công thức luân canh 2 lúa - 1 màu cho giá trị sản xuất trên 200 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận trên 110 triệu đồng/ha/năm. Nhiều vùng trồng rau màu 4 - 5 vụ/năm cho giá trị sản xuất đạt trên 400 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận đạt trên 250 triệu đồng/ha/năm. Bình quân, giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác toàn tỉnh năm 2017 đạt 133,19 triệu đồng, tăng 2,11 lần so với năm 2008.

Mô hình chăn nuôi lợn của anh Ngô Văn Duẩn, xã Đông Xuyên, huyện Tiền Hải cho thu lãi 700 triệu đồng/năm.

Cùng với trồng trọt, chăn nuôi của tỉnh có sự chuyển biến mạnh từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo hình thức gia trại, trang trại quy mô lớn, chăn nuôi theo phương thức công nghiệp và công nghệ hiện đại. Toàn tỉnh có trên 21.000 gia trại và 759 trang trại chăn nuôi. Đặc biệt, việc liên kết trong chăn nuôi ngày càng được đẩy mạnh; có 4 doanh nghiệp liên kết chăn nuôi gia công với 27 trang trại của tỉnh, 1 hiệp hội, 4 HTX, 13 tổ hợp tác hoạt động giúp người dân cũng như các HTX, tổ hợp tác yên tâm về thị trường tiêu thụ

Thủy sản phát triển toàn diện cả về nuôi trồng và khai thác, quy mô số lượng tăng vượt bậc. Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 15.113 ha. Nuôi trồng thủy sản chuyển dần từ hình thức nuôi quảng canh sang bán thâm canh, nuôi theo quy mô công nghiệp, công nghệ cao với đa dạng các đối tượng, hình thức nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững. Toàn tỉnh đã mở rộng được 295 ha nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh, công nghệ cao, sản lượng đạt 853 tấn; phát triển 541 lồng nuôi cá trên sông; mở rộng diện tích nuôi ngao bãi triều ven biển với khối lượng hàng hóa lớn. Khai thác hải sản chuyển mạnh từ khai thác ven bờ sang khai thác tầm trung và xa bờ. Nhờ chính sách hỗ trợ ngư dân, một loạt các phương tiện khai thác được đóng mới và trang bị ngư cụ hiện đại mở rộng ngư trường, nâng cao sản lượng, chất lượng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Đến nay, toàn tỉnh có 1.169 phương tiện với tổng công suất 109.908,8 CV khai thác thủy sản. 9 tháng đầu năm 2018, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 167.748 tấn, tăng 7,62% so với cùng kỳ năm 2017; trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 106.256 tấn, tăng 7,9%; sản lượng khai thác đạt 61.492 tấn, tăng 7,1%.

Cánh đồng rau chuyên màu của xã Trung An, huyện Vũ Thư cho giá trị thu nhập gấp nhiều lần cấy lúa.

Cũng mảnh đất ấy, cũng con người ấy, trước khi có Nghị quyết về “tam nông”, việc bảo đảm lương thực cho người dân trong tỉnh đã khó; nhưng 10 năm sau Thái Bình đã ổn định sản xuất trên 1 triệu tấn lương thực/năm, không những bảo đảm an ninh lương thực mà còn tạo ra một lượng lớn các sản phẩm nông nghiệp trở thành hàng hóa. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2017 của tỉnh đạt 25.782,6 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2008- 2017 đạt 3,96%; 9 tháng đầu năm 2018, giá trị sản xuất khu vực này đạt 19.310 tỷ đồng, tăng 3,63% so với cùng kỳ năm 2017.

 

Ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh

 Nghị quyết “Tam nông” đã tạo “cú hích” quan trọng để tổ chức hội nông dân khơi thông mọi nguồn lực trong nông dân thực hiện các phong trào thi đua, đặc biệt là phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Hội Nông dân tỉnh đã đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ nông dân về vốn, giống, khoa học kỹ thuật, giới thiệu các mô hình, điển hình tiên tiến trong sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh hoạt động dạy nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm. Kết quả 10 năm qua, toàn tỉnh đã có 369.232 hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi.
Anh Đặng Văn Giáp, xã Đông Hoàng, huyện Tiền Hải

 Tôi thấy chính sách “tam nông” đã thực sự tạo động lực để những người nông dân tận dụng tiềm năng lợi thế về đất đai đầu tư sản xuất, vươn lên làm giàu. Nhờ sự hỗ trợ tích cực của các cấp, các ngành về vốn, khoa học kỹ thuật, cung cấp thông tin về thị trường, chúng tôi đã biết sản xuất những thứ thị trường cần. Vợ chồng tôi đầu tư xây dựng trang trại diện tích 3 ha, ban đầu chăn nuôi lợn, sau đó chuyển sang trồng cây ăn quả, nuôi ếch. Hiện nay, mỗi lứa tôi nuôi 5 vạn ếch, mỗi năm xuất bán 5 lứa cộng các nguồn thu khác được tổng hơn 200 triệu động nên cuộc sống gia đình rất ổn định.

(Còn nữa)

Nhóm phóng viên