Thứ 2, 18/11/2024, 04:35[GMT+7]

Trên đà tăng trưởng

Thứ 3, 23/10/2018 | 08:37:30
2,544 lượt xem
Tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP 9 tháng đầu năm tăng 11,35% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 71,3% kế hoạch năm 2018. Với đà tăng trưởng đó thì mục tiêu gần 50.000 tỷ đồng tổng giá trị sản phẩm trên địa bàn năm 2018 sẽ không khó để đạt được nếu có sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, đơn vị trong tỉnh.

Sản xuất ở Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân (khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh, thành phố Thái Bình). Ảnh: Thu Thủy

Bám sát từng nhiệm vụ

Nhìn lại kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh những tháng đầu năm cho thấy, trong bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự tập trung chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt của các sở, ngành, địa phương, sự cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh nên tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục chuyển biến tích cực với nhiều gam màu tươi sáng. 

Trong sản xuất nông nghiệp, bất chấp diễn biến phức tạp của thời tiết, lúa xuân, lúa mùa và các loại cây màu vẫn sinh trưởng và phát triển tốt, đồng đều với tổng diện tích gieo trồng đạt 224.951ha, trong đó diện tích cây lúa ước đạt 174.132ha, năng suất ước đạt 131,76 tạ/ha. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi cũng chuyển dịch tích cực theo hướng gia tăng các sản phẩm có giá trị kinh tế cao; toàn tỉnh đã triển khai thực hiện được 358 cánh đồng lớn với tổng diện tích hơn 15.300ha, trong đó hầu hết các cánh đồng lớn đều có hợp đồng bao tiêu sản phẩm. 

Lĩnh vực nuôi trồng và khai thác thủy sản cũng đạt nhiều kết quả khá với tổng diện tích tăng 105ha, tổng sản lượng tăng 7,62% so với cùng kỳ năm 2017. Trong xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh đã cấp gần 11.000 tấn xi măng hỗ trợ các địa phương xây dựng kết cấu hạ tầng, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho 33 xã trong tỉnh đăng ký về đích nông thôn mới trong năm 2018 hoàn thiện các tiêu chí còn chưa đạt.

Được đánh giá là lĩnh vực có mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm gần đây, 9 tháng đầu năm, tổng giá trị sản xuất khu vực công nghiệp đạt mức tăng trưởng 27,4%, cao hơn nhiều so với kế hoạch năm (15,8%) và cùng kỳ năm 2017 (17,9%), nhiều sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng trưởng khá như: tôm đông lạnh tăng 29%, bộ comple, jacket tăng 28,7%, nhựa polyme tăng 80,3%, sắt thép không hợp kim tăng 32,5%... 

Cùng với việc tham mưu cho UBND tỉnh phát động các doanh nghiệp ra quân thi đua đẩy mạnh sản xuất ngay từ đầu năm, tổ chức gặp mặt, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trên địa bàn, ngành Công Thương còn hỗ trợ, tạo điều kiện để các dự án đầu tư lớn, trọng điểm trên địa bàn tỉnh hoạt động ổn định. Bên cạnh đó, toàn ngành còn thực hiện có hiệu quả công tác khuyến công, khuyến thương và kế hoạch xúc tiến thương mại, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn; đồng thời chủ động thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, dự án phát triển.

Không chỉ tăng trưởng ở hai ngành mũi nhọn, lĩnh vực thu, chi ngân sách cũng đạt nhiều kết quả khá; hoạt động tín dụng ngân hàng ổn định; công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, công tác đối ngoại, cải thiện môi trường đầu tư và phát triển doanh nghiệp cũng được tăng cường thực hiện, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tích cực đầu tư vào tỉnh.

Nông dân xã Quỳnh Hải (Quỳnh Phụ) chăm sóc cây màu.

Giải pháp cho những nhiệm vụ cuối năm

Mục tiêu của những tháng còn lại sẽ không khó để đạt được nếu cấp ủy, chính quyền các cấp và các sở, ngành, đơn vị trong tỉnh triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phù hợp với ngành và địa phương mình. 

Ông Trần Văn Tùng, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết: Mặc dù đến ngày 30/9, tổng thu nội địa tính cân đối mới chỉ đạt 65% dự toán, tổng thu từ thuế và phí sau khi trừ tiền sử dụng đất mới đạt 64,6% dự toán nhưng từ nay đến cuối năm, toàn ngành sẽ tập trung rà soát các nguồn thu; phát động thi đua sâu rộng trong toàn ngành, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ và đơn vị; tham mưu cho UBND tỉnh gặp mặt động viên các doanh nghiệp có số nộp ngân sách lớn, có biện pháp xử lý đối với các doanh nghiệp cố tình chây ỳ, trốn thuế, từ đó bảo đảm nguồn thu ở mức cao nhất có thể. 

Còn đối với Sở Công Thương, ông Vũ Ngọc Khiếu, Giám đốc Sở cho biết: Từ nay đến cuối năm, ngành Công Thương tiếp tục hỗ trợ tạo điều kiện để các dự án đầu tư lớn, trọng điểm trên địa bàn tỉnh hoạt động ổn định; tổ chức triển khai thực hiện công tác lập quy hoạch chung khu kinh tế Thái Bình, hoàn thành lập quy hoạch phân khu xây dựng các khu công nghiệp (khu công nghiệp - đô thị - thương mại dịch vụ Xuân Hải, khu công nghiệp Thụy Trường, khu công nghiệp phục vụ nông nghiệp huyện Quỳnh Phụ), tăng cường các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư, khuyến khích doanh nghiệp vào đầu tư, kinh doanh hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo quy hoạch; tập trung rà soát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn nhất là các doanh nghiệp có quy mô lớn đóng góp nhiều cho ngân sách và giải quyết việc làm cho nhiều lao động trong tỉnh.

Cùng với sự vào cuộc của các sở, ngành, đơn vị, các địa phương cũng chú trọng triển khai thực hiện các giải pháp để đạt mục tiêu kế hoạch năm 2018. 

Ông Nguyễn Ngọc Ý, Chủ tịch UBND thành phố Thái Bình cho biết: Thực hiện mục tiêu kế hoạch năm 2018 của thành phố sẽ giảm bớt áp lực do đến hết tháng 9/2018, tổng giá trị sản xuất của thành phố đã đạt gần 70% kế hoạch, tăng 12,67% so với cùng kỳ năm 2017; trong đó công nghiệp, xây dựng tăng 14,1%, thương mại, dịch vụ tăng 10,02% và nông nghiệp tăng 0,5%. 3 tháng cuối năm, thành phố tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm, dự án tạo nguồn, các dự án chỉnh trang, mở rộng không gian đô thị…

Một số chỉ tiêu kinh tế đạt được 9 tháng đầu năm 2018

  • Tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP ước đạt 35.488 tỷ đồng, tăng 11,35% so với cùng kỳ năm 2017;Tổng giá trị sản xuất ước đạt 91.669 tỷ đồng, tăng 12,05% so với cùng kỳ năm 2017;
  • Tổng thu ngân sách địa phương ước đạt 11.039 tỷ đồng, đạt 94,7% dự toán; trong đó thu nội địa ước thực hiện 4.155 tỷ đồng, đạt 65% dự toán; thu thuế xuất nhập khẩu ước thực hiện 1.138 tỷ đồng, đạt 133,9% dự toán;
  • Tổng chi ngân sách địa phương ước đạt 8.939 tỷ đồng, đạt 76,7% dự toán;
  • Tổng nguồn vốn huy động toàn địa bàn ước đạt 61.110 tỷ đồng, tăng 15% so với thời điểm 31/12/2017; tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng ước đạt 49.700 tỷ đồng, tăng 12,7% so với thời điểm 31/12/2017;
  • Toàn tỉnh có 6.139 doanh nghiệp, 803 chi nhánh và văn phòng đại diện đăng ký hoạt động với tổng vốn đăng ký gần 58.859 tỷ đồng.


Minh Hương