Thứ 2, 18/11/2024, 03:30[GMT+7]

“Quà” của biển

Thứ 4, 14/11/2018 | 09:39:34
2,133 lượt xem
Thái Bình là tỉnh đồng bằng sông Hồng với 5 cửa sông lớn đổ ra biển, tạo ra một vùng bãi triều rộng khoảng 25.000ha thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ trong đó có ngao. Với trên 3.000ha nuôi trồng, sản lượng đạt trên 70.000 - 100.000 tấn, ngao đã khẳng định vị thế đối tượng con nuôi thủy sản chủ lực, không chỉ phục vụ tiêu dùng nội địa mà còn xuất khẩu sang thị trường EU, Nhật, Hàn Quốc… mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Phát triển nuôi ngao là một chủ trương lớn nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế, diện tích vùng bãi triều ven biển, tạo ra bước đột phá mới trong phát triển nuôi trồng thủy sản nói chung, góp phần tăng trưởng kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn của Thái Bình. 

Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản, đến nay, diện tích nuôi ngao toàn tỉnh đạt 3.300ha, tập trung ở hai huyện Tiền Hải và Thái Thụy, sản lượng đạt từ 70.000 - 100.000 tấn/năm, chiếm 50% sản lượng ngao của cả nước, giải quyết việc làm cho trên 10.000 lao động, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, từng bước làm giàu cho người dân. Xác định hiệu quả kinh tế từ nuôi ngao mang lại, Thái Bình đã sớm có những bước đi chiến lược cho nghề nuôi ngao bền vững hơn, trong đó có việc quy vùng sản xuất phù hợp. Từ định hướng quy hoạch tổng thể phát triển nuôi ngao giai đoạn 2011 - 2015, tầm nhìn đến năm 2020, hai huyện Tiền Hải và Thái Thụy đã quy hoạch chi tiết các tiểu vùng căn cứ vào điều kiện thực tiễn của từng địa phương. 

Ông Đỗ Văn Tiện, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thái Thụy cho biết: Năm 2012, huyện Thái Thụy quy hoạch chi tiết 6 tiểu vùng nuôi ngao thuộc bãi triều ven biển của huyện với tổng diện tích 1.472,1ha, tổ chức đấu giá và bàn giao mặt bằng cho các hộ trúng thầu đưa vào sản xuất nuôi ngao. Đến nay, toàn huyện có 1.300ha nuôi ngao tại các xã Thụy Trường, Thái Thượng, Thái Đô. Năng suất nuôi ngao thương phẩm đạt bình quân 30 - 35 tấn/ha/năm, giá trị thu nhập đạt 350 - 450 triệu đồng/ha/năm.

Cùng với việc quy hoạch vùng nuôi, Thái Bình đã sớm chỉ đạo triển khai thiết lập các vùng kiểm soát, giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm trong thu hoạch ngao. Từ năm 2003, Thái Bình được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn là một trong hai địa phương của miền Bắc thực hiện chương trình giám sát quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm trong nhuyễn thể hai mảnh vỏ tại vùng nuôi ngao thuộc địa phận hai xã Đông Minh và Nam Thịnh (Tiền Hải) với diện tích 1.942ha do Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản thực hiện, định kỳ một tháng 2 lần lấy mẫu nước, mẫu ngao để kiểm tra. Vùng nuôi ngao Đông Minh, Nam Thịnh nhiều năm liền được Liên minh châu Âu (EU) công nhận là vùng nuôi an toàn thực phẩm cấp độ B, sản phẩm đạt chất lượng xuất khẩu vào thị trường châu Âu. 

Bà Đỗ Thị Vân Anh, Trưởng phòng Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản) cho biết: Năm 2017, Chi cục đã kiểm soát và cấp 540 giấy chứng nhận xuất xứ cho 9.525 tấn ngao để làm nguyên liệu chế biến, xuất khẩu. Năm 2018, chúng tôi tiến hành 26 đợt lấy mẫu giám sát, đến nay, Chi cục đã cấp 418 giấy chứng nhận xuất xứ cho 6.700 tấn ngao.

Người dân xã Nam Thịnh (Tiền Hải) thu hoạch ngao giống.

Điểm nhấn quan trọng khẳng định vị thế, mở ra cơ hội lớn cho nghề nuôi ngao còn phải kể đến bước ngoặt quan trọng: năm 2017, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) xác nhận nhãn hiệu chứng nhận ngao Thái Bình. 

Thành công này được kỳ vọng sẽ giúp ngao Thái Bình tham gia tích cực vào chuỗi tiêu thụ hiện đại toàn quốc, là điều kiện tiên quyết để thu hút các doanh nghiệp đầu tư nâng tầm giá trị sản phẩm ngao.
Bên cạnh việc nuôi ngao thương phẩm, Thái Bình cũng vừa phê duyệt đề án phát triển sản xuất ngao giống tỉnh giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025 với mục tiêu phát triển sản xuất ngao giống có chất lượng cao với sức đề kháng tốt, sinh trưởng nhanh để cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh, từ đó nâng cao hiệu quả nuôi ngao thương phẩm, gia tăng giá trị và phát triển bền vững, đặc biệt kiểm soát chất lượng ngao. Phấn đấu đến năm 2025, Thái Bình sẽ hoàn toàn chủ động được nguồn ngao giống.

Cơ hội lớn song cũng là thách thức không nhỏ đối với chính quyền cũng như người nuôi ngao trên địa bàn tỉnh bởi thị trường yêu cầu khắt khe về chất lượng, đặc biệt là bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. 

Để phát triển bền vững nghề nuôi ngao và mở rộng sản xuất các nhuyễn thể hai mảnh vỏ khác, thời gian tới, Thái Bình đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, kỹ thuật cho các hộ nuôi ngao; tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ phát triển nuôi ngao, nhất là với các nước có kinh nghiệm trong lĩnh vực này như Trung Quốc, Thái Lan. Cùng với đó, quan tâm chỉ đạo công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng vùng nuôi; tích cực thúc đẩy xây dựng thành công thương hiệu ngao Thái Bình.

Lưu Ngần - Phạm Hưng