Thứ 2, 18/11/2024, 03:18[GMT+7]

Hiệu quả từ sử dụng năng lượng tái tạo

Thứ 2, 26/11/2018 | 11:08:12
1,243 lượt xem

Nghề tiểu thủ công nghiệp phát triển mạnh, nhu cầu sử dụng điện của người dân xã Vũ Tiến (Vũ Thư) tăng cao.

Biến chất thải chăn nuôi thành khí gas và chuyển năng lượng nhiệt mặt trời thành điện phục vụ bình nước nóng là 2 cách tạo ra năng lượng đang được người dân xã Vũ Tiến, huyện Vũ Thư áp dụng rộng rãi. Sử dụng năng lượng tái tạo không chỉ giảm chi phí, thuận lợi trong sản xuất, sinh hoạt của người dân mà còn bảo vệ môi trường hiệu quả.

Gia đình ông Trần Ngọc Nhiên, thôn Văn Long, xã Vũ Tiến chỉ nuôi 150 con ngan, 100 con gà và 2 con lợn/lứa. Một năm nuôi 3 lứa gia cầm và 2 lứa lợn nhưng ông vẫn đầu tư lắp đặt bể biogas.

Ông Nhiên cho biết: Việc mua bể biogas để xử lý chất thải phân gia súc, gia cầm vừa tránh được mùi hôi thối, không gây ô nhiễm môi trường vừa tạo được nguồn khí gas để đun nấu sinh hoạt rất thuận tiện. Từ ngày có bể biogas, mỗi năm gia đình tôi tiết kiệm được gần 1 triệu đồng.

Xã Vũ Tiến nổi tiếng với nghề chế biến nông sản thực phẩm gắn với chăn nuôi. Toàn xã có gần 200 hộ làm nghề nấu rượu và làm bánh, bún; 138 trang trại, gia trại chăn nuôi quy mô từ 300 - 1.000 con lợn/năm, 500 - 2.000 con gia cầm/năm và hàng trăm hộ nuôi nhỏ lẻ. Nghề chế biến nông sản thực phẩm và chăn nuôi đã mang lại thu nhập cao cho người dân nhưng cũng khiến địa phương đứng trước nguy cơ ô nhiễm môi trường như một số làng nghề ở nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Cùng với quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, những năm qua, cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể xã Vũ Tiến tích cực tuyên truyền, vận động các hộ làm nghề chế biến nông sản và các hộ chăn nuôi đầu tư lắp đặt bể biogas để xử lý chất thải. 

Ông Trần Nguyên Soái, Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Tiến cho biết: Do làm tốt công tác tuyên truyền nên người dân địa phương đã nhận thức được ý nghĩa, lợi ích của công tác bảo vệ môi trường, từ đó bà con chủ động đầu tư máy móc, chuồng trại, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi và nhất là lắp đặt bể biogas xử lý chất thải gia súc, gia cầm. Đến nay, cơ bản các hộ chăn nuôi quy mô lớn đều đầu tư xây dựng bể biogas nên đã hạn chế được tình trạng ô nhiễm không khí, môi trường. Phấn khởi nhất là bà con sử dụng nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh đã góp phần giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, nâng sức cạnh tranh hàng hóa trên thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao và kích thích bà con mở mang ngành nghề, quy mô chăn nuôi. Chỉ tính riêng từ việc chăn nuôi, mỗi năm bà con thu về từ 45 - 50 tỷ đồng.

Vũ Tiến có hơn 2.700 hộ với 1.570 nhân khẩu sinh sống ở 11 thôn. Là địa phương có quy mô dân số đông nên ngoài nhu cầu tiêu thụ điện của các hộ sản xuất, kinh doanh và chăn nuôi, việc sinh hoạt của người dân cũng tiêu tốn nhiều năng lượng điện. Bình quân, các tổ chức, cá nhân của xã Vũ Tiến tiêu thụ khoảng 425.000 kWh/tháng. Để bảo đảm cho hạ tầng lưới điện, tránh quá tải và duy trì nguồn điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, địa phương thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân tiết kiệm điện, sử dụng các thiết bị có tính năng tiết kiệm điện. Đặc biệt, vận động nhân dân sử dụng các thiết bị có công nghệ tái tạo năng lượng tự nhiên như pin năng lượng mặt trời, bình nước nóng điện năng lượng mặt trời. 

Ông Ngô Hồng Nam, Bí thư Đảng ủy xã Vũ Tiến cho biết: Đến nay, toàn xã có khoảng hơn 30% hộ dân lắp đặt bình nước nóng năng lượng mặt trời. Hiệu quả của việc sử dụng thiết bị này thay thế bình nước nóng dùng điện truyền thống đã giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, tiết kiệm chi phí của bà con và giảm sản lượng điện tiêu thụ của địa phương.

Nhờ sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, người dân xã Vũ Tiến đã tiết kiệm được chi phí, dành kinh phí đầu tư cho phát triển kinh tế. Giá trị sản xuất của địa phương năm sau cao hơn năm trước với tốc độ tăng trưởng từ 10 - 12%/năm. Tổng giá trị sản xuất toàn xã năm 2018 ước đạt trên 400 tỷ đồng.


Khắc Duẩn