Thứ 7, 16/11/2024, 17:41[GMT+7]

Thăm lại một điển hình tiên tiến

Thứ 6, 23/12/2011 | 10:57:31
1,870 lượt xem
Trao đổi với đồng chí Đặng Thiều Lai, cán bộ Hội Nông dân huyện Đông Hưng trong quá trình tìm hiểu về sự duy trì và phát triển của các điển hình tiên tiến là hội viên Hội Nông dân, hội viên Hội Làm vườn, tôi được giới thiệu một điển hình tiêu biểu từng được Báo Thái Bình tuyên truyền. Đó là anh Vũ Mạnh Diệp, Chủ tịch Hội Làm vườn xã Đô Lương, Chủ trang trại tổng hợp và hiện là chủ cơ sở mây tre đan xuất khẩu.

Anh Vũ Mạnh Diệp (người thứ hai bên trái) kiểm tra sản phẩm mây tre trước khi xuất hàng

Trên đường về Đô Lương thăm lại điển hình tiên tiến tiêu biểu trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xoá đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng mà mình từng phát hiện, tuyên truyền cách đây ba năm với tiêu đề “Anh nông dân tiên phong nuôi con đặc sản mới, lạ”, tôi nhớ lại mình đã từng rất ấn tượng bởi một anh nông dân rất giản dị, song đầy nhiệt huyết và có cách nghĩ, cách làm táo bạo nhưng khoa học, hiệu quả. Vì vậy bài viết về anh và trang trại tổng hợp của anh được tôi đầu tư thời gian, công sức khai thác khá kỹ từng chi tiết. “Anh nông dân tiên phong nuôi con đặc sản mới, lạ” đã từng đoạt giải nhì toàn tỉnh “Cuộc thi viết về nhân tố mới, điển hình tiên tiến thời kỳ đổi mới lần thứ ba”, do Ban Thi đua Khen thưởng phối hợp với Hội Nhà báo, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức.

 

Đúng như dự kiến, tôi rất phấn khởi khi thấy trang trại tổng hợp của gia đình anh Vũ Mạnh Diệp vẫn phát triển tốt. Đàn nhím, đàn chim trĩ và các cây, con vật nuôi khác vẫn duy trì với số lượng lớn và cho thu nhập cao. Song có một điểm mới ai cũng nhìn thấy ngay khi bước vào ngõ, đó là khoảng sân hè nhà anh Diệp chật ních những nguyên liệu mây tre và sản phẩm mây tre xuất khẩu các loại đã hoàn thiện. Mọi người đông đúc nhưng ai cũng bận rộn với công việc đan lát và cùng vui vẻ nói cười.

 

Cũng như những lần trò chuyện, thăm hỏi qua điện thoại trước đây, anh Vũ Mạnh Diệp chân tình bày tỏ biết ơn báo Thái Bình và chia sẻ: Các thông tin báo Thái Bình đăng tải rất thiết thực và bổ ích. Anh nói rất thích và vẫn thường xuyên tìm đọc các tin bài về điển hình tiên tiến trên báo Thái Bình, đặc biệt là các điển hình tiên tiến tiêu biểu trong phát triển kinh tế nông nghiệp để học hỏi kinh nghiệm, cách làm hay, đồng thời ghi lại để tham khảo, có dịp phổ biến cho hội viên Hội Làm vườn trong xã và các trang trại khác cùng học tập.

 

Từ ngày được phóng viên báo Thái Bình phát hiện, tuyên truyền trên mặt báo và các phương tiện truyền thông khác, việc làm ăn của trang trại ngày càng thuận lợi do được sự quan tâm hơn và động viên, kịp thời giải quyết khó khăn của cấp uỷ, chính quyền và Hội cấp trên. Cũng từ cầu nối báo Thái Bình, các nhà văn, nhà báo thuộc các cơ quan truyền thông khác ở địa phương, Trung ương biết đến trang trại và về tìm hiểu, tuyên truyền, nhân rộng; vinh dự được chọn mời là đại biểu duy nhất của Thái Bình dự hội thảo về phát triển chăn nuôi trong chương trình hội chợ nông nghiệp toàn quốc năm 2010; kênh truyền hình VTV6 đài truyền hình Việt Nam cũng đã về tuyên truyền, đề cử thẩm định cấp chứng nhận sao thần nông... Trang trại tổng hợp của anh Diệp được nhiều đối tác tiêu thụ sản phẩm và cung ứng vật tư biết đến, tìm về hợp tác. Vì vậy việc làm ăn ngày càng thuận lợi. Trang trại cũng được đón các đồng chí lãnh đạo huyện Đông Hưng, Hội Nông dân và Hội Làm vườn các cấp về khuyến khích, động viên; cá nhân, tập thể tìm về, tham quan học hỏi và trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế trang trại và mua, cây con giống. Bản thân anh và gia đình được báo giới thiệu, biểu dương cũng cảm thấy vinh dự nên càng nỗ lực, cố gắng  hơn nữa để xứng đáng và giữ mãi  là một điển hình tiên tiến tiêu biểu.

 

Thắc mắc về việc trang trại tổng hợp đang phát triển tốt, lúc nào cũng bận rộn làm không hết việc, sao anh lại mở thêm cơ sở làm nghề mây tre đan? Anh Diệp chia sẻ: Bà con trong vùng không có việc làm thêm những lúc nông nhàn, không có thêm thu nhập. Trang trại của anh phát triển tốt nhưng không giúp tạo được nhiều việc làm. Anh tìm hiểu và thấy nghề mây tre đan dễ học, dễ làm, phù hợp với nhiều đối tượng lao động kể cả người cao tuổi, người hạn chế về sức khoẻ. Hơn nữa trong xã và vùng  lân cận chưa có ai mở cơ sở hay làm dịch vụ này.

 

Được sự giới thiệu và tạo điều kiện đào tạo nghề của Hội Nông dân, Hội Làm vườn huyện, anh liên hệ với doanh nghiệp mây tre đan xuất khẩu của anh Phan Thanh Tĩnh ở xã Đông Kinh, đồng thời tập hợp bà con về tại địa điểm nhà mình để tổ chức học nghề. 

 

Tuy mới hai tháng vừa học vừa làm, song hơn 200 lao động khá thành thạo công việc. Điều quan trọng là họ phấn khởi, vui vẻ và yên tâm vì từ nay có thêm một nghề để cải thiện cuộc sống. Cơ sở mây tre đan của anh Diệp đã xuất được hai đợt hàng, lao động đã có thu trung bình mỗi ngày từ 30.000 đồng đến 60.000 đồng/người. Tuy tiền công còn thấp song anh Diệp và mọi người đều phấn khởi vì có việc làm phù hợp lúc nông nhàn. Người nọ giới thiệu người kia cùng đến học việc. Anh Diệp đang hy vọng tương lai cơ sở sẽ mở rộng hơn.

 

Mải vui trò chuyện, tôi lưu luyến tạm biệt vùng quê Đô Lương khi trời đã tối đen. Xóm làng đã lên đèn và trước hiên nhà ai thấp thoáng dáng ngồi đan mây. Đường về Thành phố còn xa nhưng tôi không thấy ngại bởi trong lòng phấn khởi niềm tin: những điển hình tiên tiến như anh Vũ Mạnh Diệp sẽ là hạt nhân tích cực thúc đẩy phong trào “Xây dựng nông thôn mới”, làm giàu, làm đẹp quê hương.

 

Hà Dung

  • Từ khóa