Thứ 2, 18/11/2024, 05:01[GMT+7]

Tái cơ cấu để gia tăng giá trị sản xuất

Thứ 7, 29/12/2018 | 10:01:37
1,051 lượt xem
Chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu sản xuất ngành Nông nghiệp, lĩnh vực trồng trọt được xem là nội dung quan trọng cần được tái cơ cấu mạnh mẽ. Qua 3 năm thực hiện tái cơ cấu, ngành Nông nghiệp cùng các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy lĩnh vực này phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Năm 2018 được mùa ở cả hai vụ lúa.

Tăng quy mô đồng ruộng

Tăng quy mô sản xuất là điều kiện tiên quyết cho những đột phá trong sản xuất nông nghiệp nói chung, lĩnh vực trồng trọt nói riêng. Tăng quy mô đồng ruộng tạo điều kiện cơ giới hóa, giảm chi phí lao động, bảo đảm sản phẩm đồng đều với chất lượng cao, tăng hiệu quả sản xuất tiến tới sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn. Ngoài ra, đây cũng là điều kiện thuận lợi cho liên kết giữa doanh nghiệp với các hộ nông dân, nhóm hợp tác hay hợp tác xã. 

Thời gian qua, ngành Nông nghiệp cùng các địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, bằng nhiều cơ chế khuyến khích, hỗ trợ, đến nay tổng diện tích đất canh tác được tích tụ là 1.977,6ha, trong đó quy mô từ 2ha trở lên là 1.811,3ha, từ 5ha trở lên là 1.220,8ha, từ 10ha trở lên là 874,6ha. Hầu hết các mô hình tích tụ bước đầu được đánh giá có hiệu quả hơn từ 1,5 - 2 lần so với sản xuất thông thường khi chưa được tích tụ nhờ áp dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tiết kiệm chi phí đầu tư, kiểm soát được đầu vào và đầu ra của sản phẩm. Chương trình cánh đồng lớn luôn được các địa phương quan tâm xây dựng. Năm 2018, toàn tỉnh có 128 xã triển khai được 185 cánh đồng lớn với tổng diện tích 15.312,34ha, trong đó chủ yếu là cánh đồng lúa (14.616ha).


Tăng cường áp dụng khoa học công nghệ

Khoa học công nghệ được coi là nhân tố chính cho tăng trưởng ngành, trong đó lúa là đối tượng cây trồng chính đã tuyển chọn được bộ giống chủ lực mang tính ưu việt phục vụ được các phân khúc thị trường tiêu thụ gạo khác nhau. Năm 2018, giống lúa chất lượng cao chiếm 26,5% diện tích, giống lúa năng suất cao chiếm 73,5%, góp phần làm nên thành công trong sản xuất với năng suất cả năm đạt 130,76 tạ/ha, tăng 9,96% so với năm 2017. 

Một số công nghệ: nuôi cấy mô, ngắt ngọn dâm bầu, khí canh… được áp dụng thành công trong sản xuất khoai tây giống nguyên chủng, góp phần chủ động nguồn giống sạch bệnh chất lượng cao nội địa. 

Để nâng cao giá trị và phát triển bền vững, các quy trình sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường cũng được chuyển giao, nhân rộng như: quy trình thâm canh lúa cải tiến SRI, “1 phải, 5 giảm”, canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính… Nhiều mô hình trồng trọt áp dụng các tiêu chuẩn an toàn, VietGAP được hình thành trên cả rau màu, lúa, qua đó từng bước thay đổi nhận thức, hành động của người nông dân trong canh tác.

Quá trình triển khai thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt, chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng là một nội dung quan trọng được các địa phương tập trung thực hiện, trong đó khuyến khích chuyển đổi linh hoạt diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác hiệu quả kinh tế cao và thị trường tiêu thụ tốt. Nhiều cơ chế hỗ trợ từ tỉnh, huyện dành cho các mô hình chuyển đổi tập trung, có liên kết được áp dụng. 

Năm 2018, toàn tỉnh chuyển đổi được 742,19ha, trong đó chuyển đổi sang trồng cây hàng năm như ngô ngọt, ngô giống, rau, dưa xuất khẩu, mướp đắng, khoai tây, lạc 502,75ha; chuyển sang trồng cây lâu năm 97,2ha; chuyển sang nuôi trồng thủy sản kết hợp với trồng lúa 142,24ha.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao ở nhiều địa phương.

Hình thành liên kết chuỗi giá trị

Đây là một trong những nội dung được quan tâm, đẩy mạnh thực hiện thời gian qua bằng nhiều giải pháp: khuyến khích và hỗ trợ phát triển các hợp tác xã kiểu mới, thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào xây dựng vùng chuyên canh liên kết với nông dân, chính quyền hỗ trợ doanh nghiệp và hộ nông dân trong việc bảo đảm liên kết. 

Năm 2018, diện tích có hợp đồng, bao tiêu sản phẩm là 9.092,4ha, trong đó diện tích lúa 8.731,6ha, cây khác 360,74ha, mang lại lợi nhuận gấp từ 1,3 - 1,5 lần so với sản xuất tự do. Có 20 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ: Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển An Đình, Công ty TNHH Hưng Cúc, Công ty TNHH Liên Hạnh, Công ty Cổ phần Chế biến nông sản thương mại Thanh Nhàn, Tập đoàn Lộc Trời…

Đặc biệt, vụ mùa năm 2018, tỉnh ta bắt đầu thực hiện mô hình thí điểm sản xuất lúa sử dụng phân bón hữu cơ Ong Biển hợp tác với Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Đại Nam với diện tích 40ha. Theo đó, trong quá trình canh tác, người dân hoàn toàn không sử dụng phân bón hóa học, không sử dụng chất kích thích, không sử dụng bất kỳ một loại thuốc trừ sâu nào. Bảo đảm lúa được canh tác hoàn toàn tự nhiên chỉ với hai bước đơn giản: bón phân và tưới nước. Toàn bộ sản phẩm được Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Đại Nam thu mua tươi. Mô hình là hướng đi mới trong sản xuất lúa gạo sạch, được cả chính quyền và người dân ủng hộ, dự kiến sẽ tiếp tục được triển khai, nhân rộng không chỉ trên cây lúa mà còn trên rau màu, cây ăn quả trong thời gian tới.

Mục tiêu tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt đến năm 2020 diện tích đất canh tác tích tụ với quy mô 2ha trở lên đạt 50%; diện tích trồng trọt áp dụng tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt đạt 25%; sản lượng được tiêu thụ qua hợp đồng với lúa gạo đạt 10%, rau, củ, quả đạt 10%, ngô đạt 20%. Để thực hiện hiệu quả mục tiêu trên, ngành Nông nghiệp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân tích cực thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất; chú trọng thu hút, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; phát triển mạnh sản xuất theo hướng hữu cơ, công nghệ cao, phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch; từng bước hình thành thương hiệu cho nông sản Thái Bình.

Ngân Huyền

  • Từ khóa