Thứ 2, 18/11/2024, 04:56[GMT+7]

10 sự kiện kinh tế nổi bật năm 2018

Thứ 5, 03/01/2019 | 08:27:15
2,169 lượt xem
Năm 2018 đã khép lại đánh dấu một năm phát triển kinh tế sôi động, đạt nhiều kết quả tích cực. Mặc dù vẫn còn tồn tại, thách thức nhưng về cơ bản, nền kinh tế đã đạt những kết quả, chỉ tiêu đề ra. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam bình chọn 10 sự kiện kinh tế nổi bật năm 2018.

Thành phố Đà Nẵng - thành phố biển của miền Trung Việt Nam (Ảnh: HNV)

1. Ban hành Nghị quyết nhằm đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh

Nghị quyết 36-NQ/TW được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành ngày 22/10/2018, với tầm nhìn đến năm 2045 đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước; tham gia chủ động và có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực về biển và đại dương. Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2030, các ngành kinh tế biển có sự phát triển đột phá, đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; 28 tỉnh, thành phố ven biển đóng góp 65-70% GDP.

Phát triển đồng bộ hạ tầng cơ sở phục vụ phát triển kinh tế (Ảnh: HNV)

2. Tăng trưởng GDP đạt 7,08%, cao nhất trong 11 năm vừa qua

Việt Nam tiếp tục hoàn thành và hoàn thành vượt mức 12/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội do Quốc hội đề ra. Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố, GDP 2018 tăng trưởng 7,08%, cao nhất trong 11 năm qua; giải ngân vốn đầu tư nước ngoài hơn 19 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay; 132.000 doanh nghiệp thành lập mới; cả nước đón gần 15,6 triệu lượt khách quốc tế... Đây là năm thứ ba liên tiếp lạm phát được kiểm soát dưới mức 4%. Các chính sách tài khóa, tiền tệ được điều hành linh hoạt, đáp ứng yêu cầu về vốn của nền kinh tế.

Họp báo về Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN tại Việt Nam (Ảnh: Mạnh Hùng)

3. Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị Diễn dàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) 2018

Hội nghị có chủ đề: “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” diễn ra từ ngày 11 đến ngày 13/9/2018, với gần 60 phiên thảo luận sôi nổi và thực chất. Đây là một trong những hội nghị WEF khu vực thu hút số lượng đại biểu đông nhất từ trước đến nay, với sự tham gia của lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế và hơn 1.200 doanh nghiệp, bao gồm các doanh nghiệp hàng đầu thế giới là thành viên WEF đến từ các nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN… tham dự.

Hội nghị cũng là một trong những diễn đàn quan trọng và có uy tín trong khu vực, thúc đẩy đối thoại, chia sẻ ý tưởng, chính sách và hợp tác giữa các chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức xã hội trong và ngoài khu vực về tranh thủ cơ hội và xử lý các vấn đề cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đang đặt ra cho các nước ASEAN và khu vực.

Hiệp định CPTPP chính thức được ký ngày 8/3 tại Chile (Ảnh: Vneconomy.vn)

4. Việt Nam chính thức gia nhập CPTPP

Ngày 12/11/2018, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan đã được phê chuẩn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV. CPTPP được coi là Hiệp định thương mại tự do lớn thứ ba thế giới hiện nay và sẽ được thực thi từ năm 2019. Hiệp định sẽ giúp mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng, cải cách chính sách theo hướng minh bạch và thông thoáng hơn.

Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội đánh giá, với Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), kim ngạch xuất nhập khẩu có khả năng tăng thêm khoảng 4,04% đến năm 2035. CPTPP có thể tạo thêm 20.000-26.000 việc làm/năm. Hội nhập chính là con đường hiện thực hóa mục tiêu thịnh vượng của Việt Nam. Về thu hút FDI, phần đầu tư của các thành viên CPTPP vào Việt Nam chiếm khoảng 25% tổng mức đầu tư. 

Kinh tế tăng trưởng cao (Ảnh: vcci.com.vn)

5. Xuất khẩu tăng trưởng cao với xuất siêu kỷ lục, đặc biệt là kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 40 tỷ USD

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tính chung cả năm 2018 ước đạt khoảng 244,72 tỷ USD, tăng trưởng 13,8% so với năm 2017. Cán cân thương mại thặng dư cả năm 2018 tiếp tục xuất siêu 7,2 tỷ USD.

Trong đó, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát trển nông thôn, ước tính cả năm 2018, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sẽ đạt mức kỷ lục khoảng 40 tỷ USD. Với kết quả này, Việt Nam hiện đứng trong top 15 xuất khẩu nông sản thế giới. Đây cũng là con số ấn tượng cho thấy những sản phẩm nông nghiệp được tăng cả về lượng và chất. Đáng lưu ý, năm 2018 ghi nhận 10 mặt hàng nông sản có giá trị từ 1 tỷ USD trở lên như tôm, cá tra, gạo, cà phê, cao su, tiêu, điều, sắn, rau quả và lâm sản, riêng lâm sản đạt mức kỷ lục với hơn 9,3 tỷ USD.

Duy trì sự hoạt động ổn định của thị trường (Ảnh: HNV)

6. Thị trường tiền tệ và tài chính, chứng khoán ổn định, linh hoạt

Chính sách tỷ giá chịu áp lực lớn từ việc tăng giá của đồng USD trên thế giới do tác động từ căng thẳng quan hệ thương mại Mỹ - Trung và động thái tăng lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed). NHNN đã chủ động nâng giá đồng nội tệ với mức biến động trong tầm kiểm soát nhằm giảm những tác động tiêu cực từ biến động của tỷ giá tới doanh nghiệp, nền kinh tế. Đây được đánh giá là động thái phù hợp và tích cực. Ngoài ra, mặt bằng lãi suất cũng tương đối ổn định; Tăng trưởng tín dụng ở mức 17%, đáp ứng đủ yêu cầu vốn cho nền kinh tế, nhất là lĩnh vực sản xuất - kinh doanh. Thu ngân sách nhà nước ước đạt trên 1,35 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 3% so với dự toán và tăng 5,5% so với năm 2017.

Đáng chú ý, thị trường chứng khoán năm 2018 cũng được đánh dấu sự trở lại với việc tăng lên 1.000 điểm, mốc của 10 năm về trước nhưng sau đó giảm và giao dịch quanh mức 920 điểm. Dù vậy, năm 2018 là năm bùng nổ của nhiều doanh nghiệp tỷ USD chào sàn, vốn hóa thị trường cao kỷ lục như HDB, Vinhome, TCB, TPB, nâng vốn hóa thị trường lên cao nhất từ trước tới nay.

Khối kinh tế tư nhân góp phần quan trọng vào phát triển chung của đất nước (Ảnh: HNV)

7. Thể chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được triển khai quyết liệt

Chính phủ kiến tạo trong những năm qua luôn hành động nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân phát triển, biểu hiện rõ nhất là nỗ lực xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện hơn với hàng loạt các điều kiện kinh doanh đã được nhiều bộ, ngành cắt giảm như: Bộ Công Thương với tổng số 561 điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc quản lý của Bộ này được cắt giảm; Bộ Tài chính với tổng số 164 điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực tài chính... Hay như chính sách hỗ trợ sản xuất trong nước đã phát huy tác dụng làm tăng trưởng nhiều ngành công nghiệp khả quan như thép, ô tô, dược… hỗ trợ kịp thời cho tăng trưởng kinh tế.

8. Căng thẳng quan hệ thương mại Mỹ - Trung và cơ hội, thách thức của Việt Nam

Việt Nam hiện là nền kinh tế có độ mở (tính bằng tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa/GDP) đứng thứ 7 trên thế giới với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu bằng 200% GDP. Nếu bị Hoa Kỳ đánh thuế trừng phạt, tác động đến nền kinh tế Việt Nam sẽ tiêu cực hơn rất nhiều so với các nền kinh tế EU, Mexico, Nhật Bản hay Trung Quốc.

Việc chuẩn bị cơ sở vững chắc để chứng minh Việt Nam không can thiệp tỷ giá để nâng cao tính cạnh tranh của xuất khẩu, các nỗ lực điều chỉnh để quan hệ xuất nhập khẩu cân bằng hơn và duy trì quan hệ ngoại giao tốt sẽ giúp Việt Nam tránh không bị tấn công bởi chính sách bảo hộ của Hoa Kỳ.

9. Chính thức vận hành thương mại Dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn

Chiều 23/12/2018, Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Thanh Hóa đã vận hành thương mại. Đây là dự án trọng điểm quốc gia về dầu khí, có quy mô xây dựng và tổng mức đầu tư lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam.

Dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa (Nguồn: dantri.com.vn)

Liên hợp Lọc hoá dầu Nghi Sơn được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào Khu Kinh tế Nghi Sơn năm 2008, tổng vốn đăng ký đầu tư 9 tỷ USD, khởi công 2013, gồm các nhà đầu tư là Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam góp vốn 25,1%, Công ty Idemitsu Kosan góp vốn 35,1%, Công ty Hóa chất Mitsui 4,7% và Tập đoàn Dầu khí Quốc tế Kuwait 35,1%.. Sau quá trình xây dựng, đến tháng 6/2018, tất cả các phân xưởng công nghệ đã được khởi động thành công theo quy trình, cho ra nhiều dòng sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn để có thể xuất khẩu và cung cấp trong nước, trong đó có các sản phẩm như Ron 92, Ron 95, nhiên liệu máy bay, benzene, hạt nhựa PP, dầu diesel...

Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn đưa vào vận hành thương mại có ý nghĩa quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng trong quá trình phát triển đất nước, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Với công suất chế biến 10 triệu tấn dầu thô/năm, cùng với Nhà máy lọc dầu Dung Quất đang vận hành thì sản lượng xăng dầu cung cấp từ các Nhà máy này sẽ đáp ứng khoảng 80-90% nhu cầu xăng dầu cho thị trường trong nước, giảm bớt sự phụ thuộc vào nhập khẩu từ thị trường bên ngoài.

10. Khánh thành cụm cảng sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh)

Ngày 30/12, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức lễ khai trương, thông tuyến 3 công trình hạ tầng giao thông trọng điểm trên cả 3 lĩnh vực đường không, đường thủy, đường bộ. Các dự án gồm: Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách du lịch quốc tế Hạ Long và thông tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn. Ba công trình này có tổng mức đầu tư trên 20.000 tỷ đồng. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự và ấn nút khai trương.

Cảng Hàng không Vân Đồn, Quảng Ninh (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Phát biểu chỉ đạo tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết: “Qua 3 công trình Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long thấy được tư duy, nhận thức, định hướng về xã hội hoá nguồn lực của Quảng Ninh. Cả 3 dự án trọng điểm này được đầu tư theo hình thức hợp tác công – tư, hiện thực hóa ý chí, quyết tâm của Quảng Ninh khi coi phát triển giao thông là một trong ba đột phá chiến lược, tạo động lực để địa phương tiếp tục thu hút dòng vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội bền vững”./.

Theo dangcongsan.vn