Thứ 7, 16/11/2024, 18:00[GMT+7]

Xuân về trên những cánh đồng vàng

Thứ 2, 09/01/2012 | 10:23:26
1,625 lượt xem
Mảnh đất An Mỹ (Quỳnh Phụ) không chỉ nổi tiếng khắp vùng với giống gà Tò thơm ngon, với làng nghề chế biến lương thực Tô Hồ, Tô Đê quanh năm sôi động. Gần đây An Mỹ còn vươn lên trở thành điểm sáng về chuyển đổi cơ cấu giống lúa, liên tục từ năm 2009 đến nay được tỉnh công nhận địa phương dẫn đầu về năng suất.

Vùng trồng khoai tây hàng hóa trên đất An Mỹ (Quỳnh Phụ).

Nếu so với các xã khác thì đặc điểm đồng đất của An Mỹ cũng không có gì vượt trội. Trong số hơn 520ha đất canh tác có tới 40% diện tích nằm ở vùng thấp trũng, hệ thống thuỷ lợi nội đồng cũng mới cơ bản đáp ứng được yêu cầu tưới tiêu. Vậy điều gì đã tạo nên bước tiến vượt bậc về năng suất. Câu trả lời chính là cơ cấu giống. Cũng như hầu hết các xã khác trong vùng, trước năm 2004 nhóm giống dài ngày ở An Mỹ luôn chiếm khoảng 90% diện tích gieo cấy hàng năm, chủ yếu là 13/ 2, VN 10, Xi23, 8865...

 

Mặc dù năng suất các giống lúa dài ngày không quá thấp nhưng giá trị kinh tế không cao, khó chủ động đối phó với các dạng hình thời tiết bất thuận và không tạo được sự liên kết mùa vụ, nhất là việc tạo quỹ đất gieo trồng cây vụ đông ưa ấm. Nhận biết rõ điều này, ngay sau khi huyện Quỳnh Phụ có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Đảng uỷ xã An Mỹ đã ban hành nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi cơ cấu giống lúa với mục tiêu từng bước loại bỏ nhóm giống dài ngày ở cả hai vụ sản xuất trong năm.

 

Quyết tâm là vậy nhưng quá trình thực hiện không phải dễ bởi tập quán cấy giống dài ngày đã thành thói quen với mỗi hộ dân nơi đây, muốn thay đổi thói quen không chỉ một sớm, một chiều. Chưa kể các giống lúa dài ngày có ưu điểm là khá phù hợp cho việc chế biến bún bánh vì không bị dính khuân nên được nhiều hộ làm nghề chọn cấy. Vì vậy để thay đổi thói quen của người dân thì ngoài việc làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, cấp uỷ, chính quyền và HTX DVNN An Mỹ xác định muốn người dân từ bỏ giống lúa dài ngày thì điều cốt yếu là phải tìm ra được giống lúa mới ngắn ngày có ưu điểm vượt trội cả về năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế.

 

Sau khi bàn bạc và tìm hiểu, xã quyết định đưa giống BC15 về cấy khảo nghiệm. Để người dân mắt thấy, tai nghe, vụ mùa năm 2004 An Mỹ đã chọn một số hộ cán bộ, đảng viên cấy thí điểm giống BC15 trên các chân đất. Kết quả ngay ở vụ đầu tiên, giống lúa mới đã chứng tỏ ưu thế vượt trội của mình trên tất cả các phương diện. Nhờ vậy mà không ai bảo ai, các hộ đều mạnh dạn bỏ hẳn giống dài ngày, chuyển sang cấy giống lúa ngắn ngày. Chỉ sau đúng 3 năm thực hiện chủ trương của huyện, đến năm 2007 An Mỹ là một trong những xã đầu tiên ở Quỳnh Phụ chính thức loại bỏ hoàn toàn nhóm giống dài ngày trong cả hai vụ sản xuất, chuyển sang cấy 100% diện tích bằng các giống lúa ngắn ngày, trong đó riêng giống BC15 thường xuyên chiếm từ 90 - 95% diện tích canh tác.

 

Nếu so với các giống dài ngày thì giống lúa mới BC15 có khả năng thích ứng rộng trên các chân đất; có thể cấy ở cả hai vụ; chịu thâm canh cao; sinh trưởng mạnh, đẻ nhánh khoẻ, cứng cây; chịu rét, hạn và úng khá; năng suất trung bình vụ xuân đạt từ 75 - 80 tạ/ ha, vụ mùa từ 65 - 70 tạ/ ha, cá biệt có vụ năng suất đạt tới gần 82 tạ/ ha, cao hơn các giống khác từ 5 - 7 tạ/ ha. Đặc biệt do chất lượng gạo khá, đủ tiêu chuẩn làm hàng hoá nên hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn, ví như so với giống Q5 thì BC15 cho năng suất cao hơn 6,8 tạ/ ha, tương đương khoảng 5 triệu đồng/ ha, với hơn 500ha canh tác tính ra mỗi vụ An Mỹ đã tăng được giá trị thu nhập thêm khoảng 2,5 tỷ đồng.

 

Nhờ chuyển đổi cơ cấu giống, liên tục từ năm 2009 đến nay An Mỹ đều được huyện và tỉnh công nhận là đơn vị dẫn đầu về năng suất lúa. Đồng thời lượng thóc hàng hoá cũng tăng lên đáng kể, ngoài cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở xay sát trong và ngoài xã, mỗi vụ An Mỹ còn dành ra 70ha làm lúa giống, trung bình mỗi năm cung cấp cho Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình khoảng 100 - 120 tấn thóc giống BC15 với giá chênh lệch so với thị trường 25%.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quang Khải - Bí thư Đảng uỷ xã An Mỹ khẳng định, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, việc chuyển đổi cơ cấu giống lúa còn giúp địa phương chủ động đối phó với các dạng hình thời tiết bất thuận, không phải gieo lại mạ hoặc nhổ lúa cấy lại do gặp rét làm chết mạ và lúa mới cấy như trước đây. Đồng thời giảm thời gian chăm sóc và tạo quỹ đất đưa diện tích trồng cây vụ đông lên gần 100ha góp phần nâng cao thu nhập và đời sống cho nông dân.

 

Bài, ảnh: Vũ Mạnh

  • Từ khóa