Thứ 2, 18/11/2024, 01:20[GMT+7]

Khu công nghiệp phục vụ nông nghiệp tạo bước tiến lớn trong sản xuất nông nghiệp

Thứ 4, 13/02/2019 | 14:42:28
3,838 lượt xem
Việc xây dựng khu công nghiệp (KCN) phục vụ nông nghiệp tại huyện Quỳnh Phụ thực sự đáp ứng mong mỏi của người nông dân và là xu hướng tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại.

Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh và huyện Quỳnh Phụ kiểm tra thực địa dự án.

Thái Bình từ lâu được biết đến là tỉnh nông nghiệp với năng suất lúa luôn đứng đầu cả nước. Tuy nhiên, giá trị gia tăng từ sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn còn thấp do thiếu mô hình sản xuất hàng hóa lớn, chưa áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật và nhất là thiếu sự hợp tác giữa “4 nhà” (nhà nông, nhà nước, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp) để tạo ra chuỗi sản xuất và chuỗi giá trị. Việc xây dựng khu công nghiệp (KCN) phục vụ nông nghiệp tại huyện Quỳnh Phụ thực sự đáp ứng mong mỏi của người nông dân và là xu hướng tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại.

Ngày 17/8/2018, Thủ tướng Chính phủ có Công văn số 1069/TTg-CN về việc điều chỉnh quy hoạch phát triển các KCN tỉnh Thái Bình đến năm 2020. Theo đó, bổ sung KCN phục vụ nông nghiệp tại huyện Quỳnh Phụ với diện tích 200ha nằm trên địa bàn 3 xã: An Thái, An Ninh, An Cầu. Nhà đầu tư dự án KCN phục vụ nông nghiệp là Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải. Mục tiêu của dự án được nhà đầu tư đặt ra là xây dựng, thực hiện chuỗi sản xuất khép kín với sản phẩm đầu ra: cung cấp máy nông nghiệp, nông cụ, vật tư nông nghiệp; ứng dụng cơ giới hóa và kỹ thuật từ khâu làm đất đến khâu thu hoạch; nghiên cứu, thực nghiệm các loại giống lúa, ngũ cốc; đào tạo nguồn nhân lực cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; sản xuất, chế biến gạo, lương thực thực phẩm hữu cơ (Organic) cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu…


Dự án sẽ được đầu tư xây dựng đồng bộ với hệ thống điện, giao thông, thủy lợi tưới, tiêu hiện đại phục vụ sản xuất nông nghiệp và hệ thống nhà máy sấy, xay xát lúa gạo, các nhà máy chế biến lương thực, thực phẩm, hệ thống kho chứa, bảo quản nông sản. Tổng mức đầu tư cho dự án hơn 2.132 tỷ đồng; suất đầu tư trên diện tích đất quy hoạch đạt 7.216.780.324 đồng/ha và suất đầu tư trên diện tích đất xây dựng nhà máy đạt hơn 11,6 tỷ đồng/ha. Đây là dự án lớn nhất đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh từ trước đến nay. Dự án khi đi vào hoạt động được kỳ vọng sẽ tạo ra sự thay đổi nền sản xuất nông nghiệp không chỉ của Thái Bình mà cả khu vực đồng bằng sông Hồng theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng thương hiệu nông sản Việt trên thị trường quốc tế, hướng tới xuất khẩu những mặt hàng nông nghiệp có giá trị thương mại cao, góp phần nâng hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân. Đồng thời, dự án sẽ tạo ra các cơ hội tiếp cận trình độ quản lý tiên tiến và dây chuyền công nghệ hiện đại, thu hút và sử dụng chất xám, kỹ thuật cao của nguồn lực lao động trong tỉnh và các địa phương lân cận; giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho khoảng 1.200 lao động của tỉnh.


Để sớm hoàn thành xây dựng và đưa KCN phục vụ nông nghiệp tại huyện Quỳnh Phụ vào hoạt động, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban Quản lý khu kinh tế và các KCN tỉnh phối hợp với các sở, ngành liên quan hoàn thành các bước khảo sát, lập đồ án quy hoạch phân khu xây dựng KCN phục vụ nông nghiệp; hướng dẫn nhà đầu tư hoàn thiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng KCN để trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư; tham mưu UBND tỉnh triển khai xây dựng đường giao thông, hệ thống điện, nước, thông tin liên lạc đấu nối đến chân hàng rào KCN; tổ chức công bố quy hoạch và cắm mốc quy hoạch bàn giao cho huyện Quỳnh Phụ quản lý. Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn nhà đầu tư lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cho dự án; thẩm định trích lục, trích đo giải phóng mặt bằng và hướng dẫn nhà đầu tư làm thủ tục thuê đất theo quy định. UBND huyện Quỳnh Phụ đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn đăng ký kế hoạch sử dụng đất năm 2018 cấp huyện và được UBND tỉnh phê duyệt; đã tiến hành cắm mốc ngoài thực địa; rà soát số liệu theo sổ giao của các hộ dân thuộc 3 xã An Ninh, An Cầu, An Thái có đất nằm trong vùng dự án và đã thực hiện ký xác nhận của các hộ dân trong vùng dự án làm cơ sở bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng phục vụ dự án. Huyện cũng đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và đại diện cộng đồng dân cư về đồ án quy hoạch 1:2000 dự án KCN phục vụ nông nghiệp.


Xác định KCN phục vụ nông nghiệp tại huyện Quỳnh Phụ là dự án có ý nghĩa quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Thái Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới, UBND tỉnh đã và đang tích cực chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương liên quan và chủ đầu tư, tập trung thực hiện các bước quy trình xây dựng, triển khai thực hiện dự án bảo đảm đúng quy định của pháp luật và tiến độ đã đề ra.

Ông Đỗ Văn Nam, Chủ tịch UBND xã An Ninh, huyện Quỳnh Phụ

Dự án KCN phục vụ nông nghiệp tại huyện Quỳnh Phụ có diện tích 200ha thì hơn 62% diện tích nằm trên địa bàn xã An Ninh. Đây là điều kiện thuận lợi để địa phương tăng giá trị sử dụng đất nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của xã theo hướng nâng cao tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp và thương mại, dịch vụ trong thời gian tới. Chính vì vậy, cấp ủy, chính quyền xã đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân, nhất là các hộ dân có đất nằm trong vùng dự án hiểu rõ lợi ích, cơ hội phát triển kinh tế - xã hội khi thực hiện dự án. Phối hợp với các cấp, các ngành công khai, minh bạch mọi thông tin của dự án nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tạo sự đồng thuận trong việc thực hiện công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng phục vụ dự án. Địa phương cũng chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho nông dân để đáp ứng nhu cầu lao động của KCN phục vụ nông nghiệp và giúp bà con chuyển đổi việc làm, ổn định cuộc sống sau khi bị thu hồi đất.

Ông Nguyễn Văn Điệu, thôn Phố Lầy, xã An Ninh, huyện Quỳnh Phụ


Gia đình tôi có 6 sào ruộng nằm trong vùng dự án. Những năm qua, như nhiều hộ nông dân khác trong xã, việc canh tác rất khó khăn do thiếu nhân lực, sâu bệnh và chuột phá hoại. Nay được nhà nước quy hoạch đưa vào xây dựng KCN phục vụ nông nghiệp, bà con nông dân chúng tôi rất phấn khởi vì không còn lo ruộng bị bỏ hoang. Nếu được nhận vào làm việc cho doanh nghiệp thì thu nhập của gia đình cũng ổn định hơn. Chúng tôi ủng hộ chủ trương của tỉnh xây dựng KCN phục vụ nông nghiệp và sẵn sàng bàn giao đất để nhà nước thực hiện dự án sớm nhất.


Khắc Duẩn