Thứ 2, 18/11/2024, 01:35[GMT+7]

Cấp bách dập bệnh dịch tả lợn châu Phi

Thứ 6, 22/02/2019 | 08:23:54
1,993 lượt xem
Bệnh dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện ổ dịch tại xã Đông Đô (Hưng Hà). Trước nguy cơ lây lan của bệnh dịch tả lợn châu Phi, các cấp, các ngành và địa phương trong tỉnh đang nỗ lực triển khai các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, dập dịch bệnh.

Người chăn nuôi tăng cường phun hóa chất tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi.

Tính đến tháng 2/2019, đàn lợn toàn tỉnh có khoảng 970.000 con. Ngày 12/2, trên địa bàn xã Đông Đô (Hưng Hà) bắt đầu có hiện tượng lợn ốm chết bất thường được người dân khai báo. Ngay khi có thông tin, cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã xuống trực tiếp kiểm tra, xác minh thông tin, lấy mẫu xét nghiệm, chẩn đoán dịch bệnh. Kết quả, lợn ốm chết dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi. 

Trước tình hình trên, tỉnh, huyện, xã đã tập trung chỉ đạo và thực hiện xử lý quyết liệt các ổ dịch. UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, công điện khẩn về tập trung chỉ đạo phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi; thành lập tổ công tác chỉ đạo thực hiện phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm trên đàn lợn tại huyện Hưng Hà; triển khai việc hỗ trợ hóa chất để phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật.

Đối với đàn lợn ốm chết và có triệu chứng lâm sàng của bệnh trên địa bàn xã Đông Đô (Hưng Hà) đã được địa phương nhanh chóng thực hiện ngay việc tiêu hủy. Tổng số lợn tiêu hủy đến nay là 123 con. Huyện, xã đã tập trung cao mọi nguồn lực để nhanh chóng xử lý ổ dịch, không để dịch lây lan. Trong đó, đã huy động 4 bình bơm động cơ và nhiều bình bơm điện, trang thiết bị bảo hộ, dụng cụ, phương tiện, hóa chất, vôi bột hỗ trợ tiêu hủy lợn, thực hiện tiêu độc, khử trùng trên địa bàn xã. Tổng lượng hóa chất tỉnh và huyện đã cấp cho các xã trên địa bàn huyện Hưng Hà là 2.929 lít. Riêng xã Đông Đô đã sử dụng hơn 450 lít hóa chất và 22 tấn vôi bột để tiêu độc, khử trùng. Trước tính chất nguy hiểm của dịch bệnh, huyện Hưng Hà đã có quyết định công bố dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn xã Đông Đô; đồng thời triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp dập dịch, không để lây lan diện rộng.

Người chăn nuôi chú trọng công tác vệ sinh chuồng trại, bảo vệ đàn vật nuôi.

Để nhanh chóng khống chế, dập tắt các ổ dịch, không để dịch lây lan, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương khẩn trương thành lập đoàn kiểm tra, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; phân công nhiệm vụ và địa bàn cụ thể cho các thành viên. Tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi; huy động mọi nguồn lực mua hóa chất, vôi bột để tiêu độc, khử trùng tiêu diệt mầm bệnh. Hạn chế người, phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi, nhất là thương lái và phương tiện thu gom, vận chuyển lợn. Thành lập các đội kiểm dịch lưu động, các chốt kiểm dịch động vật liền kề với địa phương có dịch để kiểm soát các hoạt động vận chuyển. Khi dịch bệnh phát sinh, thực hiện nghiêm túc các giải pháp tiêu hủy lợn mắc bệnh, khoanh vùng ổ dịch, dừng vận chuyển lợn và các sản phẩm của lợn; chủ động giám sát và cảnh báo dịch bệnh.

Với sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời của các cấp, các ngành, địa phương, hộ chăn nuôi sẽ ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi hiệu quả, giảm tối đa thiệt hại cho ngành chăn nuôi, góp phần ổn định và phát triển chăn nuôi bền vững trên địa bàn tỉnh.

Ông Phạm Thành Nhương, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y

Bệnh dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra. Hiện nay, chưa có vắc-xin và thuốc điều trị đặc hiệu loại bệnh này, vì vậy cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh là chính. Đối với lợn ốm chết và có các biểu hiện lâm sàng cần phải tiêu hủy ngay; đồng thời thực hiện các biện pháp vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển và chăn nuôi an toàn sinh học. Các địa phương nếu có dịch xảy ra cần thực hiện nghiêm túc việc giám sát, chẩn đoán, điều tra, xác minh dịch bệnh; không điều trị lợn mắc bệnh; khẩn trương tiêu hủy lợn bệnh, sản phẩm lợn ốm chết. Cấm vận chuyển giết mổ, tiêu thụ lợn và sản phẩm của lợn; trường hợp thật sự cần thiết có thể được phép xuất bán, giết mổ lợn khỏe mạnh nếu xét nghiệm không nhiễm bệnh và có sự đồng ý, giám sát của cơ quan chuyên môn.

Ông Phạm Văn Tạo, Chủ tịch UBND xã Đông Đô (Hưng Hà)

Hiện nay, toàn xã Đông Đô có gần 13.000 con lợn của 335 hộ chăn nuôi; có 19 hộ giết mổ và một chợ bán thực phẩm với trên 45 quầy bán thịt lợn. Khi xảy ra dịch trên địa bàn, xã đã bám sát sự chỉ đạo của các cấp, các ngành, triển khai quyết liệt các biện pháp dập dịch cũng như phòng, chống dịch bệnh. Địa phương đã thành lập các tổ chỉ đạo, tổ tiêu hủy, tổ tiêu độc, khử trùng, tổ tuyên truyền ký cam kết, tổ hậu cần với gần 60 người tham gia. Đã sử dụng gần 450 lít hóa chất và 22 tấn vôi bột để tiêu độc, khử trùng; tổ chức ký cam kết phòng, chống dịch đối với 26 hộ buôn bán, giết mổ gia súc. Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn xã không phát sinh thêm lợn ốm chết.

Ông Hà Văn Khải, thôn Mậu Lâm, xã Đông Đô (Hưng Hà)

Hiện tại, gia đình tôi đang nuôi 35 lợn nái và 150 lợn thịt. Chăn nuôi với số lượng lớn lại đang nằm trong vùng dịch nên gia đình tôi rất lo lắng trước diễn biến của tình hình dịch bệnh. Để bảo vệ đàn lợn của gia đình, những ngày qua, gia đình tôi đã tăng cường việc sát trùng chuồng trại, thường xuyên phun hóa chất, rắc vôi bột cả bên trong và bên ngoài khu vực chăn nuôi; hạn chế tối đa người ra vào chuồng trại; đồng thời chú trọng công tác chăm sóc, bảo đảm chế độ dinh dưỡng hợp lý để nâng cao sức đề kháng cho đàn lợn.


Thanh Huyền