Chủ nhật, 17/11/2024, 23:11[GMT+7]

Cần chấm dứt ngay việc gieo sạ, gieo vãi

Thứ 3, 26/02/2019 | 08:48:19
8,583 lượt xem
Gieo sạ, gieo vãi gọi chung là gieo thẳng từng được xem là giải pháp hữu hiệu trong canh tác lúa khi tình trạng thiếu hụt lao động đang diễn ra phổ biến. Tuy nhiên, trước những đòi hỏi ngày càng cao của thị trường, để nâng cao chất lượng lúa gạo, phương thức này đã không còn phù hợp trong việc tạo sản phẩm sạch, an toàn.

Gieo vãi giảm công lao động nhưng rủi ro cao khi thời tiết bất thuận.

Gieo thẳng từng được cho là giảm lượng thóc giống, không mất công làm mạ, giảm công cấy nhưng vẫn bảo đảm năng suất lại không chịu áp lực về thời vụ so với cấy lúa truyền thống vì thế từ 800ha vụ xuân năm 2008, đến vụ xuân năm 2017, diện tích gieo thẳng đạt gần 40.000ha (trên 50% diện tích gieo cấy). Tuy nhiên, cũng từ thực tế sản xuất, khi gieo thẳng, nông dân đã gia tăng việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt là thuốc trừ cỏ do trước khi gieo, mặt ruộng được tháo cạn nước trong nhiều ngày, việc phun thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm trước khi vãi là việc làm bắt buộc để cỏ dại không mọc trong giai đoạn đầu sau vãi. Việc lạm dụng thuốc trừ cỏ không chỉ gây ô nhiễm nguồn đất, nước mà còn tiêu diệt các vi sinh vật có ích, gây mất cân bằng sinh thái từ đó gia tăng sâu bệnh hại.

Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, môi trường, việc cố hữu duy trì biện pháp gieo thẳng, người nông dân đã và đang tự mình cắt đứt liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo với các doanh nghiệp. Tồn dư thuốc bảo vệ thực vật đã giảm khả năng cạnh tranh của lúa gạo trong bối cảnh yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Thực tế, nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lúa gạo đã từ chối các hợp đồng được sản xuất theo phương pháp gieo vãi, sạ. 

Ông Bùi Công Thoán, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Thái Sơn (Thái Thụy) cho biết: Từ nhiều năm nay, HTX SXKD DVNN Thái Sơn duy trì hợp đồng liên kết, tiêu thụ lúa gạo với Công ty TNHH Hưng Cúc, Công ty TNHH An Đình với diện tích hàng chục héc-ta mỗi vụ, trong đó liên kết sản xuất lúa Nhật với diện tích 30 - 40ha/vụ với Công ty TNHH An Đình được xem là có hiệu quả, cao hơn so với sản xuất đại trà từ 5 - 7 triệu đồng/ha. Vụ xuân năm nay, mặc dù chính quyền địa phương cùng với HTX đã đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền về hệ lụy của gieo thẳng đối với sản xuất nhưng diện tích gieo thẳng vẫn còn nhiều. Trước những yêu cầu khắt khe về chất lượng, đặc biệt là lúa Nhật, doanh nghiệp liên kết yêu cầu cấy tay hoặc cấy máy nhưng người dân vẫn gieo thẳng, vì vậy liên kết đứt gãy.

Công ty TNHH Vật tư nông nghiệp Khang Long (xã Vũ Quý, Kiến Xương) là một trong những doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh lúa gạo thực hiện liên kết với nhiều nông dân, HTX trong tỉnh. 

Xuất thân là kỹ sư nông nghiệp, anh Phạm Ngọc Hưng, Giám đốc Công ty cho biết: Thực tế, lúa gieo thẳng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhiều hơn lúa cấy máy hoặc cấy tay (bảo đảm mật độ). Vì vậy, để bảo đảm chất lượng lúa gạo, chúng tôi liên kết với những cá nhân thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất với quy mô lớn, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ hay những HTX phát triển mạnh dịch vụ máy cấy để bảo đảm chất lượng ngay từ sản xuất ban đầu bởi lúa cấy bằng máy phát triển nhanh, hệ số an toàn cao (thời tiết), bảo đảm sản lượng, mật độ cấy phù hợp (với từng giống lúa) nên hạn chế sâu bệnh, tạo sản phẩm sạch hơn so với gieo thẳng.

Mục tiêu của tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp, bảo đảm phát triển bền vững và nâng cao thu nhập cho nông dân thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến, áp dụng đồng bộ cơ giới hóa vào sản xuất. Để thay thế phương pháp gieo thẳng bằng việc sử dụng máy cấy, UBND tỉnh đã có cơ chế hỗ trợ kinh phí mua máy cấy, ưu tiên loại máy có công suất lớn hoặc được sản xuất trong tỉnh. Ngành Nông nghiệp cùng các địa phương cần quyết liệt hơn nữa trong công tác chỉ đạo, điều hành cũng như có những chính sách hỗ trợ phù hợp với thực tế sản xuất để mở rộng cơ giới hóa khâu gieo cấy, hướng tới nền sản xuất bền vững.

Ngân Huyền