Chủ nhật, 17/11/2024, 23:47[GMT+7]

Những chuyến biển đầu xuân

Thứ 3, 12/03/2019 | 08:22:37
1,553 lượt xem
Những ngày qua, các bến cá trên địa bàn huyện Thái Thụy nhộn nhịp hơn khi tàu khai thác hải sản lần lượt cập bến. Những chuyến biển đầu xuân mới của ngư dân nơi đây đầy ắp niềm vui khi đều khai thác được nhiều cá tôm...

Thương lái thu mua hải sản tại bến cá Vĩnh Trà, thị trấn Diêm Điền.

Sau một ngày đêm đánh bắt trên biển, chiếc tàu công suất 90CV của anh Nguyễn Quang Sáu, xã Thái Thượng chở theo hơn 1 tấn hải sản các loại đã cập bến cá Vĩnh Trà, thị trấn Diêm Điền vào giữa buổi trưa. Anh Sáu cho biết: Mặc dù thời điểm sau tết Nguyên đán vẫn còn sóng gió nhưng sau những ngày mưa rét kéo dài, biển ấm áp hơn nên xuất hiện nhiều luồng hải sản. Vì thế mà ngư dân chúng tôi tích cực vươn khơi bám biển khai thác hải sản. Từ đầu tết Nguyên đán tới nay tàu của tôi đi biển được 10 chuyến, chuyến đầu tiên bắt đầu từ mùng 4 tết. Tính ra mỗi chuyến cũng khai thác được từ 5 - 7 tạ cá, trong đó chủ yếu là cá cơm, thỉnh thoảng có chuyến được vài chục cân cá khoai. Với giá bán trung bình hơn 10.000 đồng/kg cá cơm, từ 150.000 - 200.000 đồng/kg cá khoai như hiện nay giúp tôi thu về từ 5 - 7 triệu đồng/chuyến.

Thái Thượng là một trong những xã ven biển của huyện có nhiều ngư dân làm nghề khai thác hải sản. Toàn xã hiện có gần 100 phương tiện khai thác hải sản, trong đó chủ yếu là tàu thuyền có công suất dưới 90CV. Ngư dân trong xã chủ yếu khai thác gần bờ, đi biển trong ngày nên nguồn lợi hải sản khai thác được thường rất tươi ngon và được thương lái thu mua với giá cao.

Thời điểm đầu năm ngư dân Thái Thụy chủ yếu khai thác được cá cơm.

Ngoài xã Thái Thượng, trên địa bàn huyện Thái Thụy còn có nhiều địa phương ven biển khác có hoạt động khai thác hải sản phát triển mạnh mẽ như thị trấn Diêm Điền, xã Thụy Xuân, xã Thụy Hải, xã Thái Đô... Đặc biệt, những năm gần đây, đón nhận cơ chế khuyến khích phát triển thủy sản của Chính phủ và UBND tỉnh, nhiều ngư dân trong huyện đã mạnh dạn cải hoán, nâng cấp phương tiện, cải tiến ngư lưới cụ hiện đại để khai thác xa bờ. Tại cảng cá Tân Sơn (Thụy Hải), tàu cá có công suất 400CV của ông Nguyễn Viết Uẫn, xã Thụy Xuân đang chuẩn bị ngư lưới cụ, nhiên liệu, thực phẩm thiết yếu để chuẩn bị cho chuyến đi biển dài ngày thứ ba tính từ đầu xuân Kỷ Hợi 2019 tới nay. Ông Uẫn cho biết: Với người đi biển như chúng tôi thì những chuyến biển đầu xuân bao giờ cũng quan trọng nên việc chuẩn bị ngư lưới cụ, nhiên liệu, đá lạnh, thực phẩm thiết yếu cũng nhiều hơn các chuyến khác để vươn khơi dài ngày khai thác các mẻ cá lớn. Năm nay anh em chúng tôi bắt đầu đi biển chuyến đầu tiên từ mùng 6 tết Nguyên đán, kéo dài trong 10 ngày, khai thác được gần 20 tấn cá khoai, cá cơm, cá lanh, cá đù..., trừ hết chi phí thu về 150 triệu đồng, chuyến thứ hai đi 7 ngày và khai thác được hơn 12 tấn, thu về hơn 80 triệu đồng. Sau hai chuyến đi biển dài ngày từ đầu năm tới nay, anh em trên tàu rất vui mừng, phấn khởi, hy vọng năm nay sẽ làm ăn thuận lợi, tôm cá đầy khoang.

Toàn huyện Thái Thụy hiện có 523 phương tiện khai thác thủy hải sản với tổng công suất 89.053CV, thu hút 1.744 lao động tham gia. Trong đó số tàu có công suất nhỏ hơn 40CV là 164 tàu, công suất từ 40 - 90CV là 140 tàu, công suất lớn hơn 90CV là 219 tàu. Sản lượng khai thác thủy hải sản năm 2018 của huyện đạt 48.560 tấn (giá trị đạt 574,6 tỷ đồng) tăng 8,5% so với năm 2017. Năm 2019, toàn huyện phấn đấu sản lượng khai thác thủy hải sản đạt 52.256 tấn, tăng hơn 7,6% so với năm 2018. Để đạt được kết quả này, thời gian tới, huyện Thái Thụy tiếp tục tạo điều kiện, cơ chế khuyến khích để ngư dân thực hiện tốt chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa theo Quyết định số 48 ngày 13/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ; chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 16/2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh để khuyến khích ngư dân phát triển các đội tàu khai thác xa bờ, hiện đại hóa tàu cá khai thác trên biển để mở rộng ngư trường và nâng cao hiệu quả khai thác. Đồng thời, phối hợp với Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức đăng ký, đăng kiểm, trang bị thông tin liên lạc cho ngư dân; tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến các kiến thức về các tiến bộ công nghệ khai thác mới cho ngư dân.

Trần Tuấn