Thứ 7, 16/11/2024, 16:59[GMT+7]

Song An Xây dựng mô hình vùng sản xuất hàng hóa tập trung

Thứ 6, 03/02/2012 | 16:35:50
1,529 lượt xem
Sau Tết Nguyên đán Canh Thìn, không quản thời tiết khắc nghiệt, mưa rét, người dân Song An hối hả bước vào gieo cấy trên 317 ha lúa xuân, trong đó 50% là giống lúa Japonica (Nhật Bản). Đây chính là bí quyết để Song An luân canh tăng vòng quay của đất đạt hệ số sử dụng 3,14 lần/năm, đứng tốp đầu huyện Vũ Thư về chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Có lẽ chưa vụ xuân nào, người dân hào hứng canh tác trên phần đất của gia đình mình như năm nay. Sau dồn điền đổi thửa, đồng đất manh mún trở thành những ô thửa lớn, nhân dân có điều kiện khai thác công suất của máy móc, nông cụ nên họ đã mạnh dạn đầu tư mua 4 máy gặt đập liên hợp, 4 máy làm đất công suất lớn, trên 40 máy cày tay. Thực hiện Nghị quyết 02, 03 của Tỉnh ủy về xây dựng nông thôn mới, Song An là một trong 8 xã được huyện chọn xây dựng, hoàn thiện 19 tiêu chí nông thôn mới vào năm 2015. Để phát triển nông nghiệp hàng hóa, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác, Đảng bộ Song An chọn hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, giải quyết nhu cầu bức thiết trong sản xuất nông nghiệp hiện nay.

     Kết thúc năm 2011, cùng với việc thực hiện xong đề án dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, Song An cũng nghiệm thu thành công mô hình chỉ đạo điểm vùng luân canh 4 vụ/năm tại cánh đồng 2, thôn Gián Nghị và Tân An, diện tích 10 ha gồm 177 hộ tham gia, thực hiện công thức: vụ xuân cấy lúa Nhật, vụ hè trồng dưa lê Đài Loan, vụ mùa cấy giống QR1, vụ đông trồng khoai tây Đức. Giải đáp những băn khoăn của chúng tôi về mấu chốt thành công của mô hình này, Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp - anh Trương Nhất Chiến khẳng định: Đó chính là bài toán thời vụ. Anh Chiến cho biết: Là địa phương có truyền thống trồng dưa lê hè thu, hiệu quả đã được khẳng định trong thực tế nhưng còn nhiều vướng mắc về lịch thời vụ: Nhiều năm thời tiết rét hại, mạ dược chết, nhiều hộ gieo đi gieo lại, dùng ni lon che phủ tốn kém. Lúa trỗ vào đầu tháng 4 nếu gặp đợt không khí lạnh năng suất giảm rõ rệt, mặt khác, sâu bệnh nhiều. Ngay cả khi thực hiện phương pháp mới gieo mạ nền đất cứng, tuy khâu chăm sóc mạ có tiến bộ nhưng  bài toán thời vụ vẫn nan giải.

     Được sự giúp đỡ của ông Trần Xuân Định (Phó giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT),  anh Chiến đã đưa giống lúa Japonica về Song An. Đây là giống cực ngắn ngày có thể cấy cả 2 vụ/năm; vụ xuân sinh trưởng 110 ngày, vụ mùa 85-90 ngày. Ngoài ra giống lúa Japonica còn có ưu điểm vượt trội  đó là khả năng chịu lạnh cao (khi gieo mạ thời tiết dưới 5-6oC, lúa trỗ nhiệt độ thấp 15-16oC không ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng, phát triển), năng suất 150-180 kg/sào, gạo ngon để xuất khẩu. Năm 2009, năm đầu tiên cấy thí điểm 1 sào, năm sau, nhân dân hưởng ứng mở rộng cấy 100 ha, năm 2011 cấy trên 100 ha. Trên đồng đất Song An, cây lúa Nhật cho năng suất ổn định đạt 220- 250 kg/sào. Ngay khi thu hoạch, nhân dân bán thóc tươi cho Công ty An Đình (Hưng Yên) thu mua giá 7.000 đồng/kg, trung bình đạt 1,7- 1,8 triệu đồng/sào. So với các giống lúa khác, lợi nhuận cao là do chi phí thấp, ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật do lúa trỗ vào thời điểm né tránh được sâu bệnh, giảm công phơi lúa...Tuy nhiên theo anh Chiến, cây lúa Nhật cũng có những hạn chế, đặc biệt là khi gieo cấy cần phải tuân thủ chặt chẽ các yếu tố kỹ thuật: Ngâm ủ mộng bằng nước pha 2 sôi + 3 lạnh (54oC ) trong 10 phút, sau đó đem đãi sạch. Ngâm tiếp 3 ngày, 3 đêm; 8 tiếng thay nước ngâm đó một lần. Ngâm xong đem ủ 2-3 ngày. Trong khi ủ kiểm tra nhiệt độ thường xuyên (nếu thấy nóng quá đảo thóc hạ nhiệt cho khỏi chết mầm). Khi hạt giống nứt nanh 75% thì đem gieo mạ nền hoặc dầy xúc. Cấy khi mạ có 1,5-2,5 lá. Quá trình chăm bón nên tuân thủ đúng quy trình lúa sẽ không bị đổ (lúa Nhật thân rất mềm, nếu bón nặng đạm rất dễ đổ). Ngoài việc tổ chức cho cán bộ thôn đi thăm quan trực tiếp địa phương cấy lúa, HTX còn tập huấn kỹ thuật 3-4 lần/năm, trực tiếp tại địa bàn thôn theo yêu cầu.

     Vụ xuân 2012, HTX hướng dẫn bà con gieo mạ từ ngày 15-20/1, cấy ngày 1- 5/2/2012. Năm nay, Song An cấy lúa Nhật 150 ha, chiếm 50% diện tích đất 2 lúa. Dự kiến thu họach vào 10-15/5/2012. Không chỉ đạt hiệu quả cao về kinh tế, quan trọng hơn, cây lúa Nhật giúp Song An giải bài toán thời vụ, chủ động quỹ đất trồng dưa lê Đài Loan. Nhiều hộ có nguồn thu 2-3 triệu đồng/sào dưa lê xanh  (trung bình 1,7-2 triệu đồng/sào), gấp 2 lần so với trồng giống dưa lê trắng. Năm 2010-2011, Song An mở rộng quỹ đất trồng dưa hè thu đạt 130 ha, thu nhập bình quân gần 42 triệu đồng/ha. Tại vùng làm điểm sản xuất hàng hóa tập trung, HTX chỉ đạo nhân dân cấy giống lúa QR1 vụ mùa để chủ động quỹ đất trồng vụ đông ưa lạnh, trội hơn là giống khoai tây Đức. Song An có 2 kho lạnh nên việc bảo quản khoai giống chủ động, giá thành hạ. Nhiều hộ gia đình trừ chi phí thu nhập trên 220 triệu đồng/ha.

Điểm tựa quan trọng của nông dân Song An đó là HTX dịch vụ nông nghiệp, đảm nhiệm 6 khâu dịch vụ. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, HTX tham mưu cho UBND xã xây dựng quy hoạch chỉnh trang hệ thống giao thông thủy lợi. HTX trích kinh phí tự sản xuất trên 1000 cống bi, hàng năm đầu tư 400-500 triệu đồng từ nguồn cấp bù thủy lợi phí và xã viên góp để hoàn thiện hệ thống tưới tiêu đáp ứng nhu cầu canh tác. HTX  hướng dẫn xã viên sử dụng thuốc bảo vệ cây trồng theo nguyên tắc 4 đúng, sử dụng thuốc trừ sâu sinh học bảo vệ an toàn người sản xuất và người tiêu dùng.

Từ thành công của mô hình làm điểm sản xuất hàng hóa, Song An chủ trương tiếp tục làm đề án nhân rộng mô hình theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững.

Bảo Linh

  • Từ khóa