Thứ 7, 16/11/2024, 16:59[GMT+7]

Kiến Xương Quản lý điều hành ngân sách phục vụ phát triển kinh tế

Thứ 3, 14/02/2012 | 15:11:07
1,240 lượt xem
Năm 2011, tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn, lạm phát tăng cao; song với sự chỉ đạo quyết liệt của Huyện ủy, UBND huyện; sự phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở; các địa phương trên địa bàn huyện Kiến Xương đã tích cực phấn đấu, khai thác triệt để các nguồn thu trên địa bàn; thu đúng, thu đủ và thu kịp thời vào ngân sách Nhà nước (NSNN), nhất là các khoản thu nợ đọng qua các năm, đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Công ty may Hiếu Lập, xã Bình Định, huyện Kiến Xương. Ảnh: Thành Tâm

Kết thúc năm 2011, tổng thu NSNN Kiến Xương đạt 500,009 tỷ đồng, bằng 127% so với dự toán; trong đó, thu trên địa bàn 70,62 tỷ đồng, thu bổ sung từ ngân sách tỉnh 366,057 tỷ đồng, thu kết dư ngân sách 49,09 tỷ đồng, thu chuyển nguồn từ năm 2010 là 9,38 tỷ đồng và thu qua ngân sách 4,862 tỷ đồng. Nhờ tăng cường công tác tuyên truyền quản lý thuế đến các đối tượng nộp thuế; đồng thời, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của các hộ kinh doanh và kịp thời tháo gỡ, xử lý nên nhiều nguồn thu trên địa bàn huyện đạt tỷ lệ cao như: thuế ngoài quốc doanh (tổng thu 13,243 tỷ đồng, đạt 119% so với dự toán), lệ phí trước bạ (tổng thu 5,501 tỷ đồng, đạt 125% so với dự toán), thuế thu nhập cá nhân (tổng thu 1,442 tỷ đồng, đạt 180% so với dự toán), thu tại xã (tổng thu 3,473 tỷ đồng, đạt 315% so với dự toán).

 

Bên cạnh nhiệm vụ thu, công tác chi cũng đã bảo đảm kịp thời cho các hoạt động của Đảng, chính quyền và đoàn thể từ huyện đến cơ sở. Tổng chi ngân sách địa phương năm 2011 thực hiện 415,201 tỷ đồng, đạt 107% so với dự toán, tăng 22% so với cùng kỳ; trong đó, chi phát triển kinh tế 114,097 tỷ đồng, chi tiêu dùng thường xuyên 296,243 tỷ đồng và chi qua ngân sách 4,862 tỷ đồng. Đối với nhiệm vụ chi thường xuyên, ngay từ đầu năm, Kiến Xương đã xây dựng được dự toán và giao tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ quan quản lý hành chính, đơn vị sự nghiệp. Các hoạt động đầu tư mang tính lâu dài như: chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, khuyến nông, khuyến ngư…được Kiến Xương đặc biệt chú ý.

 

Bên cạnh đó, huyện còn bố trí chi 89,605 tỷ đồng, đạt 133% so với dự toán từ nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho các công trình trọng điểm của huyện. Ngoài ra, Kiến Xương còn hỗ trợ xây dựng cơ bản cho các xã, thị trấn theo đề án, chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ cho các công trình xây dựng cơ bản của xã còn nợ qua nhiều năm. Qua kiểm tra, các khoản chi cho sự nghiệp kinh tế trên địa bàn huyện đều hợp lý và phát huy hiệu quả; riêng chi cho miễn thủy lợi phí phần cấp theo vốn có tính chất đầu tư xây dựng cơ bản đã triển khai lập dự toán ngay từ đầu và kiểm tra hồ sơ trước khi cấp vốn.

 

Đạt được các kết quả trên là do công tác quản lý tài chính các xã, thị trấn, các đơn vị dự toán luôn được coi trọng. Bên cạnh đó, Kiến Xương còn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ về quản lý tài chính, chế độ kế toán, tin học cho đội ngũ kế toán. Nhằm tăng cường công tác quản lý điều hành ngân sách phục vụ phát triển kinh tế, ngay từ đầu năm 2012, Kiến Xương đã lập dự toán thu chi với tổng thu NSNN 375,617 tỷ đồng, tăng 14,8% so với dự toán tỉnh giao; trong đó, thu trên địa bàn 66,861 tỷ đồng và thu bổ sung ngân sách tỉnh 308, 756 tỷ đồng. Tổng chi ngân sách địa phương 370,282 tỷ đồng, tăng 15% so với dự toán tỉnh giao; trong đó, chi phát triển kinh tế 64,966 tỷ đồng, chi tiêu dùng thường xuyên 300,333 tỷ đồng và dự phòng ngân sách 4,983 tỷ đồng.

 

Nhằm thực hiện được mục tiêu trên, trong thời gian tới, Kiến Xương tập trung chỉ đạo các địa phương tăng cường quản lý thuế theo luật, khai thác triệt để mọi nguồn thu trên địa bàn, phấn đấu tăng thu tối thiểu từ 5-10%; thu đúng, thu đủ, thu kịp thời và nộp vào kho bạc Nhà nước. Trong xây dựng dự toán chi ngân sách địa phương, phải dựa trên cơ sở tiêu chí, định mức phân bổ, bảo đảm chi đúng chính sách, chế độ của cấp có thẩm quyền quy định. Đối với các xã, thị trấn cũng phải chủ động lập kế hoạch quy hoạch đất, tạo nguồn vốn từ tiền sử dụng đất, lập dự toán chi cho các công trình đã hoàn thành, công trình dở dang còn đang nợ đọng, hạn chế thấp nhất tình trạng nợ vốn trong XDCB.

 

Đối với các cơ quan thu, cần phối hợp với các xã, thị trấn rà soát, nắm chắc các hoạt động sản xuất của các hộ kinh doanh, các doanh nghiệp, công ty; đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng đấu tranh chống thất thu, gian lận thương mại và gian lận hoá đơn; từ đó, có biện pháp xử lý nghiêm và kịp thời đối với những hành vi vi phạm về việc thu nộp thuế. Bên cạnh đó, việc quản lý sử dụng vốn xây dựng nông thôn mới, vốn ngân sách phải chặt chẽ, hiệu quả, bảo đảm đúng chế độ, thường xuyên kiểm tra tránh xảy ra thất thoát, lãng phí; thực hiện tốt công khai tài chính theo quy định của Chính phủ từ khâu lập dự toán, chấp hành dự toán và quyết toán ngân sách; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý kinh tế trong thời kỳ mới, từ đó thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.

 

  Minh Hương

 

  • Từ khóa