Chủ nhật, 17/11/2024, 21:43[GMT+7]

Phát triển liên kết sản xuất lúa gạo

Thứ 7, 27/04/2019 | 09:32:43
4,973 lượt xem
Với khoảng 400.000 tấn thóc dư thừa mỗi năm, Thái Bình đã và đang xác định sẽ tập trung phát triển sản phẩm chủ lực lúa gạo, trong đó việc liên kết gắn sản xuất và tiêu thụ được đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, việc liên kết sản xuất còn gặp nhiều khó khăn.

Thái Bình là tỉnh có diện tích gieo cấy lúa lớn thứ hai khu vực đồng bằng sông Hồng, đạt gần 158.000ha/năm. Cơ cấu giống lúa của tỉnh khá phong phú với 5 - 6 giống chủ lực (BC15, TBR225, Bắc thơm số 7, T10, nếp 97, Thiên ưu 8…), trong đó tỷ lệ lúa chất lượng cao chiếm từ 30 - 35%. Nhờ lợi thế tự nhiên và năng lực thâm canh tốt, năng suất lúa nhiều năm trở lại đây đều đạt từ 131 - 132 tạ/ha/năm, sản lượng lúa đạt ổn định trên 1 triệu tấn/năm, góp phần quan trọng trong việc hoàn thành các nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh, bảo đảm an ninh lương thực cho cả vùng và quốc gia. 

Xác định việc liên kết, gắn sản xuất và tiêu thụ là giải pháp hàng đầu nâng cao giá trị sản xuất, thời gian qua, toàn tỉnh đã hình thành trên 100 cánh đồng lớn sản xuất lúa tập trung với quy mô từ vài chục đến hàng trăm ha/1 cánh đồng ở trên 115 xã với tổng diện tích gần 7.000ha/vụ, trong đó diện tích được ký hợp đồng tiêu thụ với các doanh nghiệp đạt khoảng 4.000ha, chiếm trên 5% diện tích trồng lúa. Toàn tỉnh hiện có 12 doanh nghiệp thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa, tiêu biểu như: Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed (ThaiBinh Seed Group), Công ty Cổ phần Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển An Đình, Công ty TNHH Hưng Cúc… Trong đó, liên kết sản xuất lúa giống với tổng diện tích từ 1.500 - 1.600ha/vụ ở 25 xã, liên kết sản xuất lúa thương phẩm diện tích từ 5.000 - 6.000ha/vụ ở 90 xã. Các doanh nghiệp trực tiếp liên kết với nông dân (chủ yếu là những người thực hiện tích tụ đất) hoặc thông qua các HTX nông nghiệp tiêu thụ sản phẩm, nhiều mô hình mang lại hiệu quả cao, bền vững qua nhiều năm.

Năm 2007, HTX SXKD DVNN Đông Mỹ, xã An Mỹ (Quỳnh Phụ) bắt đầu tham gia liên kết với ThaiBinh Seed Group sản xuất lúa giống BC15. Trải qua 12 năm, liên kết ấy vẫn bền vững, thể hiện ở diện tích liên kết được duy trì ổn định từ 90 - 100ha/vụ. 

Ông Trần Văn Sùng, Giám đốc HTX cho biết: Bằng kinh nghiệm trong thâm canh, An Mỹ tham gia sản xuất lúa giống cho ThaiBinh Seed Group với giống chủ đạo là BC15. 4 năm trở lại đây, HTX đưa thêm giống lúa TBR225 của ThaiBinh Seed Group vào sản xuất lúa giống với tổng diện tích 90 - 100ha/vụ trong tổng số 225ha đất nông nghiệp do HTX quản lý. Khi nông dân liên kết sản xuất với Công ty, được cung ứng thóc giống trả chậm, tiếp thu những kỹ thuật canh tác mới, hiệu quả kinh tế thu được cao hơn 1,3 lần so với sản xuất thông thường. Việc liên kết sản xuất còn góp phần hình thành nên những vùng sản xuất tập trung, tạo thuận lợi cho HTX trong chỉ đạo, điều hành các khâu dịch vụ.

Không chỉ có An Mỹ, nhiều địa phương trong tỉnh duy trì và mở rộng liên kết trong sản xuất lúa giống, lúa thương phẩm: Bình Định, Vũ Hòa, Hồng Tiến… (Kiến Xương); Đông Quý, Đông Trà, Đông Hoàng, Đông Cơ… (Tiền Hải); Thụy Dương, Thụy Phong, Thái Thịnh, Thái Thọ… (Thái Thụy)…

Tuy nhiên, 5% là con số quá khiêm tốn so với tiềm năng, lợi thế của tỉnh trong điều kiện dư thừa khoảng 400.000 tấn thóc/năm. Ngoài việc sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, nguyên nhân chính khiến diện tích liên kết còn thấp do các hộ sản xuất chưa chú ý tới việc liên kết nhóm hộ, sản xuất còn mang tính tự phát, chưa tuân thủ quy trình sản xuất để tạo sản phẩm an toàn. Nhiều nông dân vẫn giữ quan điểm trồng lúa chỉ cần đủ lượng thóc ăn nên không đầu tư chăm sóc để nâng cao năng suất hoặc nếu có thâm canh, tăng năng suất lại không muốn bán ngay, găm hàng chờ giáp hạt, giá lúa lên cao mới bán.

Bà Nguyễn Thị Hiền, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: Để phát triển sản xuất lúa gạo theo hướng hàng hóa có giá trị, hiệu quả cao, bền vững cần phải quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyên canh; đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất, thuận lợi cho việc đưa cơ giới hóa và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất với mục tiêu xây dựng, phát triển chuỗi liên kết. Giải pháp căn cơ để giúp sản xuất lúa phát triển ổn định và bền vững hiện nay chính là xây dựng các mối liên kết nông dân với nông dân để có diện tích sản xuất đủ lớn, bảo đảm nguồn hàng cung ứng khi thị trường cần, đồng thời nắm quyền chủ động trong việc lựa chọn các đối tác liên kết. Xây dựng cánh đồng lớn, cánh đồng “4 cùng” (cùng giống, cùng cây, cùng chăm sóc, cùng thu hoạch) tạo độ thuần nhất cho sản phẩm. Ngoài ra, để mối liên kết bền vững rất cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền cơ sở trong việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chủ trương tập trung đất nông nghiệp, áp dụng tiến bộ kỹ thuật đồng thời đánh giá những điển hình trong liên kết làm cơ sở nhân rộng.

Hiệu quả của liên kết sản xuất chuỗi


  • Nâng cao lợi ích của các tác nhân tham gia, đặc biệt đối với nông dân;
  • Hạn chế tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, tăng quy mô sản xuất hàng hóa;
  • Cho phép áp dụng các quy trình sản xuất phù hợp, bảo đảm chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực quản lý điều hành và tổ chức sản xuất theo hợp đồng;
  • Giúp doanh nghiệp chủ động nguyên liệu, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.


Lưu Ngần