Chủ nhật, 17/11/2024, 08:31[GMT+7]

Doanh nghiệp xăng dầu trút rủi ro cho người tiêu dùng

Thứ 7, 22/05/2010 | 15:12:06
1,850 lượt xem
Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cho rằng việc điều hành giá xăng cần thay đổi để tránh tình trạng khi thế giới lên doanh nghiệp nhanh chóng đề nghị tăng nhưng khi xuống lại chần chừ và liên tục than lỗ.

Ông Trần Du Lịch - Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội trao đổi với báo chí về vấn đề này bên lề phiên họp tổ sáng nay, sau khi nhiều đại biểu cùng cho rằng việc tăng ồ ạt giá một số mặt hàng thiết yếu thời gian qua, trong đó có xăng dầu, là một nguyên nhân gây áp lực lạm phát.

- Giá dầu thô thế giới liên tục đi xuống trong nhiều tuần qua nhưng giá bán lẻ xăng trong nước chưa chịu giảm. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

- Tôi cho rằng điều hành giá xăng dầu vừa qua cần xem xét lại. Khi thị trường thế giới biến động thì ào ào thuyết phục làm sao tăng giá bán trong nước cho bằng được, Nhưng khi giá giảm xuống ông nào cũng im re.

Thị trường xăng dầu cần tập trung đổi mới cải tổ về cách điều hành, trong đó phải nâng cao và phát huy đúng vai trò của quỹ bình ổn giá xăng dầu. Nhà nước cần điều khiển quỹ và bảo vệ thị trường. Chứ cứ để như thế này tôi thấy không ổn.

Hiện nay chúng ta còn tính tới việc đánh thuế môi trường với xăng dầu, rồi thu phí giao thông, khiến một lít xăng dầu phải gánh quá nhiều thuế và phí. Thực ra đây là cách gián thu, thu rất dễ và sướng vì lượng tiêu thụ lớn. Nhưng chúng ta không nên nghĩ vậy, không nên để mọi thứ cứ đổ vào xăng dầu. Xăng dầu vừa là chi phí sản xuất vừa là chi tiêu của người dân. Giá xăng tăng sẽ gây tác động dây chuyền tới nhiều mặt hàng khác.

- Trong câu chuyện giá xăng dầu, người ta cho rằng cần xem xét lại trách nhiệm của các doanh nghiệp kinh doanh? Xin cho biết quan điểm của ông?

- Khi lập quỹ bình ổn thị trường cần quy định luôn trách nhiệm của các thành viên tham gia. Hiện nay, nói là có nhiều doanh nghiệp kinh doanh nhưng thực sự chỉ một vài đơn vị nắm thị phần chi phối, tạo nên sự độc quyền tự nhiên. Vì vậy cần có vai trò của Nhà nước can thiệp thị trường thông qua quỹ bình ổn, chứ không để doanh nghiệp tự làm như hiện nay.

Và cần hướng tới buộc các doanh nghiệp tham gia thị trường quốc tế để chia sẻ rủi ro. Về nguyên tắc kinh tế thị trường, anh có thể tham gia các thị trường tương lai và sử dụng các nghiệp vụ khác để chia sẻ rủi ro biến động giá cho thị trường, thay vì kéo rủi ro về cho chính người tiêu dùng của mình. Với cách kinh doanh mua bán hiện nay, cứ rủi ro thì doanh nghiệp mang về hết cho người tiêu dùng của mình. Vấn đề này không ổn chút nào.

- Vừa rồi các doanh nghiệp viện giải thích chưa giảm giá vì còn lỗ, nhưng làm thế nào để kiếm chứng họ lỗ thật hay không?

- Để đánh giá lại chi phí giá thành của các doanh nghiệp lớn, cần có cơ quan kiểm toán độc lập. Nhưng theo tôi chuyện kêu lỗ hay lời không quá quan trọng, mà cần hiểu anh đã tham gia kinh doanh phải tính toán cho đúng, nếu anh không làm được thì để người khác làm. Người khác sẵn sàng làm, không có gì khó cả, chứ không để tất cả phải theo anh mãi được.

- Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng áp lực lạm phát thời gian qua một phần bắt nguồn từ việc ồ ạt tăng giá các mặt hàng thiết yếu trong đó có xăng dầu. Ông nhìn nhận vấn đề này thế nào?

- Đúng là đợt tăng giá tiêu dùng vừa rồi có một phần nguyên nhân là chi phí đẩy, khi mà ngay từ đầu năm Chính phủ điều chỉnh giá một loạt mặt hàng. Sự điều chỉnh đó cũng có tác động tâm lý rất lớn, và tạo ra cái gọi là lạm phát ỳ, tức là giá đã lên rồi cứ nằm đó mà không xuống.

Bên cạnh đó, nguy cơ tái lạm phát cao còn do tác động của gói kích thích kinh tế, đặc biệt là thông qua chính sách tiền tệ. Khi cung tiền tăng mạnh vào năm ngoái, độ trễ của nó rơi vào tháng tư tháng năm năm nay, khiến lạm phát tăng cao. Nhưng thực tế là giá chỉ tăng mạnh trong ba tháng đầu năm. Từ tháng 4-5 bắt đầu chậm lại, dù tổng cầu tăng lên (doanh thu bán lẻ hàng hóa dịch vụ tăng tới 24%) song tổng cung cũng tăng lên đáng kể. Cứ với đà này, cả năm có thể giữ lạm phát ở mức một con số. 7% thì khó nhưng 8-9% có thể đạt được.

- Ông có thể giải thích kỹ hơn tại sao lạm phát cả năm nay chỉ ở mức 8-9%?

- Theo kinh nghiệm của tôi, nguy cơ bột phát giá cả do vấn đề tiền tệ không còn nữa. Năm ngoái doanh nghiệp tận dụng lãi suất hỗ trợ 4% để nhập vật tư nguyên liệu rất nhiều và đủ để tăng năng lực sản xuất trong năm nay. Và trong điều kiện sức sản xuất đang tăng khiến tăng cung, thì tổng cầu được cân đối. Yếu tố tâm lý hiện không còn lớn, mà tác động tới lạm phát hiện chủ yếu là chi phí đẩy. Cái này dễ kiểm soát hơn, nếu mỗi tháng chỉ số giá giữ ở mức 0,4-0,5% thì đến cuối năm 8-9% hoàn toàn có thể đạt được.

- Những phân tích đó đã tính tới các biến động từ thị trường thế giới chưa thưa ông?

- Nguy cơ lớn nhất là dầu thô tăng, yếu tố đó chúng ta chưa tiên liệu được. Nhưng bối cảnh hiện nay tương đối ổn. Theo dự báo của chúng tôi, thế giới đang phục hồi một cách chật vật, vì thế biến động các loại hàng hóa lớn có lẽ không xảy ra từ nay đến cuối năm. Cuộc khủng hoảng đồng euro và nợ của Hy Lạp chủ yếu chỉ tác động tới thị trường tài chính chứng khoán, chứ không biến động ở thị trường hàng hóa. Cái may trong năm 2010 này là khả năng thanh toán quốc tế, các nguồn thu ngoại tệ được dự báo là dương, nhờ vậy có thể ổn định được tỷ giá.

- Nghị quyết Quốc hội kỳ trước đưa ra chỉ tiêu giữ lạm phát ở mức 7%. Vậy kỳ họp này có cần điều chỉnh chỉ tiêu này cho sát với dự báo 8-9%?

- Tôi nghĩ không cần điều chỉnh. Chúng ta cứ giữ như nghị quyết trước đây để cố gắng phấn đấu.

Song Linh

  • Từ khóa