Thứ 7, 16/11/2024, 17:06[GMT+7]

Thái Thụy Nhân rộng mô hình nuôi cá lóc bông

Thứ 5, 01/03/2012 | 15:58:46
4,179 lượt xem
Ðược biết, những năm qua một số nông dân ở Thái Thụy đã cải tạo ao đầm đưa cá lóc bông về nuôi thử nghiệm, cá phát triển tốt, bước đầu thành công và cho hiệu quả cao. Tuy nhiên, các mô hình nuôi vẫn còn mang tính tự phát, chưa có quy hoạch tạo thành vùng sản xuất tập trung và thành phong trào mạnh. Vì vậy, mô hình thử nghiệm “ Nuôi cá lóc bông thương phẩm trong đầm chuyển đổi nước ngọt” được thực hiện lần này góp phần mở ra hướng nuôi đối tượng thủy sản mới cho nhiều nông dân.

Vùng chuyển đổi nuôi trồng thủy sản ở Thái Thụy

Thái Thụy hiện có trên 2.000 ha ao đầm nước ngọt và vùng chuyển đổi lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản (NTTS). Tuy nhiên hầu hết diện tích nông dân đầu tư nuôi các loại cá truyền thống: mè, trôi, trắm... theo phương thức tận dụng, nguồn giống bị thoái hoá cộng thêm ao đầm ít được cải tạo nên hiệu quả nuôi trồng chưa cao. Nhằm giúp bà con đa dạng hoá con nuôi, vừa qua Phòng NN & PTNT huyện đã xây dựng thành công mô hình nuôi cá lóc bông thương phẩm trong vùng chuyển đổi nước ngọt, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao, mở ra một hướng đi mới cho nghề NTTS của địa phương.

 

Ông Phạm Văn Tân, kỹ sư NTTS Phòng NN &PTNT huyện cho biết: cá lóc bông là đối tượng nuôi cho giá trị kinh tế cao, thịt thơm ngon, thị trường tiêu thụ lớn. Nhờ có cơ quan hô hấp phụ nên nó có thế sống trong các ao, hồ nước ngọt hoặc môi trường nước có hàm lượng ôxy thấp, thậm chí cả trong điều kiện mụi trường nước kiềm tớnh hoặc bị nhiễm phốn, vùng nhiễm mặn, có nồng độ muối thấp. Thức ăn cho cá lóc bông là cá hương, cá vụn nước ngọt, cua, ốc và cá tạp khai thác từ biển. Vì vậy, điều kiện môi trường ven biển ở Thái Thụy hoàn toàn có thể đưa cá lóc bông vào nuôi thả.

 

Mô hình được thực hiện trên quy mô 4.800m2 ao chuyển đổi tại một gia đình ở xã Thụy Liên. Trước tiên, ao nuôi tháo cạn nước, dọn vệ sinh, tu sửa bờ mái, nạo vét lớp bùn, lấp hết hang hốc, rắc vôi bột, phơi đáy từ 3 đến 5 ngày rồi dẫn nước vào, duy trì mực nước sâu từ 1 đến 1,5m. Ao nuôi bảo đảm thoáng gió, gần nguồn nước sạch, có cống cấp và tiêu nước thuận lợi. Tháng 4/2011, 12.000 con cá giống (trọng lượng mỗi con từ 20 đến 25g) nhập từ miền Namon> về thả xuống ao.

 

Quá trình nuôi dưỡng, chăm sóc cá khá đơn giản: lúc đầu khi cá còn nhỏ lấy cá tạp xay nhỏ trộn đều với cám hoặc tấm nấu chín rồi cho ăn, khi cá lớn chỉ cần rửa sạch thức ăn và rải đều lên mặt ao. Mỗi ngày cho cá ăn 2 lần vào buổi sáng và buổi chiều, khẩu phần ăn tăng dần theo trọng lượng của cá và bảo đảm hàm lượng đạm trong thức ăn đạt từ 25 đến 35% cá sẽ sinh trưởng và phát triển tốt. Quá trình nuôi luôn giữ môi trường nước ao trong- sạch, hàng ngày theo dõi cá ăn để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp nhằm tránh gây ô nhiễm môi trường, dịch bệnh cho cá. Thường xuyên kiểm tra bờ ao, đăng, lưới chắn nhằm hạn chế thất thoát do cá tìm đường thoát ra ngoài, đặc biệt là trong và sau những trận mưa rào lớn. Kết quả, sau 8 tháng nuôi thả, cá lóc bông sinh trưởng và phát triển rất tốt, bình quân mỗi con đạt trọng lượng 1,1 kg.

 

Anh Bùi Thanh Bảy- chủ đầm thực hiện mô hình cũng là người mạnh dạn đưa con nuôi cá lóc bông vào đầm chuyển đổi nhiều năm nay chia sẻ:  nuôi cá lóc bông không mất nhiều thời gian, kỹ thuật nuôi không khó, không đòi hỏi diện tích nuôi quá lớn, mô hình cho lợi nhuận tương đối cao. Nếu nuôi đúng quy trình kỹ thuật, cho ăn đầy đủ, cá sẽ lớn  rất nhanh, một tháng có thể tăng trọng được từ 150 - 200 gam/con, nuôi sau 5 - 6 tháng cá có thể đạt trọng lượng từ 1 - 1,3 kg/con.  Cá thu hoạch đến đâu, bán hết ngay đến đó. Anh tính sơ sơ, vừa qua 4.800m2 ao thực hiện mô hình sau khi thu hoạch sản lượng cá thương phẩm đạt 9.900kg, bán toàn bộ cá cho thương lái với giá 40.000đ/kg đã thu 396 triệu đồng, sau khi trừ chi phí giống, thức ăn, công cải tạo ao đầm, chăm sóc.... thu lãi gần 164 triệu đồng. Tuy nhiên anh Bảy cũng lưu ý: nuôi cá lóc bông có ưu điểm rất ít khi mắc bệnh nhưng ngược lại nó là loài cá dữ ăn tạp, dễ ăn các loài cá khác, nên tuyệt đối không được nuôi chung với nhiều loài kích cỡ khác nhau.  Ðây cũng là loài cá chịu lạnh kém, sinh trưởng phát triển tốt ở nhiệt độ 20oC trở lên. Mùa vụ thu hoạch cá thường vào tháng 10, 11, 12 dương lịch trong năm, nếu người nuôi có nhu cầu giữ cá qua đông để phục vụ dịp Tết tăng hiệu quả kinh tế cần phải có biện pháp kỹ thuật lưu cá qua đông. Do vậy người nuôi cá cần nắm vững những yếu điểm này trong quá trình nuôi cá lóc bông, nhằm hạn chế những thiệt hại không đáng có trong NTTS.

 

Ðược biết, những năm qua một số nông dân ở Thái Thụy đã cải tạo ao đầm đưa cá lóc bông về nuôi thử nghiệm, cá phát triển tốt, bước đầu thành công và cho hiệu quả cao. Tuy nhiên, các mô hình nuôi vẫn còn mang tính tự phát, chưa có quy hoạch tạo thành vùng sản xuất tập trung và thành phong trào mạnh. Vì vậy, mô hình thử nghiệm “ Nuôi cá lóc bông thương phẩm trong đầm chuyển đổi nước ngọt” được thực hiện lần này góp phần  mở ra hướng nuôi đối tượng thủy sản mới cho nhiều nông dân. Tuy nhiên, tất cả mới chỉ là điểm khởi đầu, mong rằng từ mô hình điểm, thời gian tới Thái Thụy  sẽ xây dựng thêm nhiều mô hình khác để rút kinh nghiệm đồng thời hỗ trợ thêm nông dân về vốn, giống, tập huấn khoa học kỹ thuật... mở rộng diện tích nuôi thả, phát huy tiềm năng mặt nước sẵn có của địa phương, tăng hiệu quả nuôi trồng và tăng thu nhập cho người nông dân.

 

Bài, ảnh: Nguyễn Hình

 

  • Từ khóa