Thứ 7, 16/11/2024, 16:29[GMT+7]

Thỏ - vật nuôi giúp xóa đói giảm nghèo

Thứ 6, 02/03/2012 | 15:39:55
4,756 lượt xem
Thành công từ mô hình nuôi thỏ của anh Trần Văn Dũng mở ra hướng chăn nuôi phù hợp cho người dân tại xã với nguồn thu nhập ổn định, góp phần vào việc xoá đói giảm nghèo ở địa phương, đồng thời chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao.

Trong quá trình chuyển  dịch cơ cấu sản xuất, ngoài nuôi trồng các loại cây – con truyền thống, nông dân luôn tìm kiếm các mô hình sản xuất phù hợp, có giá trị kinh tế cao để nâng cao thu nhập, cải thiện đời  sống. Hiện nay, mô hình nuôi thỏ vốn đầu tư thấp, ít tốn công chăm sóc và tỷ lệ rủi ro không đáng kể, có thể thay thế cho những mô hình gà, vịt, lợn đang bị dịch cúm, dịch lở mồm long móng góp phần xoá đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân.

 

Những ngày đầu xuân Nhâm Thìn, chúng tôi đến thăm mô hình nuôi thỏ sinh sản của anh Trần Tiến Dũng ở xóm 5, xã Đông Hoàng (Tiền Hải), đây là một trong những nông dân thành công với mô hình nuôi thỏ của huyện. Anh Dũng cho biết, chăn nuôi thỏ phát triển mạnh do nhu cầu tiêu thụ thịt thỏ ngày càng tăng, chuồng trại có thể tận dụng các vật liệu sẵn có, tận dụng được lao động nhàn rỗi ở nông thôn (người già, trẻ em đều tham gia được), phù hợp với khả năng của nhiều gia đình nông thôn. Bên cạnh đó, thỏ rất dễ nuôi, không kén thức ăn, thức ăn chủ yếu là rau cỏ, lá cây. Thời gian sinh trưởng ngắn, khoảng 5 – 6  tháng thỏ đã bắt đầu sinh sản. Một năm thỏ đẻ 6 – 8 lứa, mỗi lứa  6 – 8 con nên thu hồi vốn nhanh.

 

Qua tìm hiểu và biết được những điều này, anh Trần Tiến Dũng đã mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi thỏ sinh sản cho riêng mình. Trên diện tích 100m2, anh Dũng xây dựng khu chuồng trại gồm 3 dãy, mỗi dãy chia ra nhiều lồng, mỗi lồng gồm từng ô nhỏ được trang bị máng đựng thức ăn và máng nước. Hàng ngày, anh vệ sinh chuồng trại để tạo độ thông thoáng, sạch sẽ. Do áp dụng đúng quy trình khoa học kỹ thuật, đàn thỏ của anh phát triển rất tốt. Từ có 6 con thỏ giống ban đầu, đến nay anh đã có 35 con  nái và khoảng 30 con thỏ chuẩn bị đến thời kỳ sinh sản. Thỏ giống sau 5 – 6 tháng tuổi thì bắt đầu sinh sản. Sau 10 ngày, thỏ con mở mắt và tập ăn cùng mẹ, được 30 ngày thì tách mẹ và sau đó có thể cho thỏ mẹ giao phối lại.

 

Trung bình mỗi tháng anh xuất bán 50 đôi thỏ giống, theo thời giá thỏ giống hiện tại là 75 ngàn đồng/đôi. Trừ các khoản chi phí cho lãi trên 3 triệu đồng mỗi tháng. Như vậy, mỗi năm anh Dũng có thu nhập trên 30 triệu đồng. Nơi tiêu thụ thỏ của anh chủ yếu là cung cấp cho thương lái ở trong huyện, tỉnh và các hộ dân ở địa phương có nhu cầu nhân giống nên đầu ra rất ổn định.

 

Anh Dũng tâm sự, chăn nuôi thỏ nhàn và đỡ tốn kém hơn nuôi lợn, gà, vịt nhiều vì nguồn thức ăn cho thỏ gồm cỏ  và rau xanh cơ bản đã có sẵn có trong vườn nhà, còn các loại thức ăn tinh như cám thì tiêu tốn không đáng kể. Mỗi ngày người chăn nuôi cần dọn dẹp vệ sinh chuồng trại nhằm hạn chế ô nhiễm, gây phát sinh nguồn bệnh cho thỏ. Người chăn nuôi cần quan sát con thỏ nái để biết được thỏ đến kỳ sinh sản cho phối giống kịp thời. Thỏ ít dịch bệnh, bệnh nguy hiểm nhất cho đàn thỏ là bại huyết thì đã có vắc xin để tiêm phòng, còn các bệnh khác như tiêu chảy, nấm, ghẻ thì lại dễ điều trị.

 

Nắm vững kiến thức về chăn nuôi và biết cách chủ động phòng chống dịch bệnh nên đàn thỏ của anh phát triển rất nhanh. Từ hiệu quả mô hình này, thời gian qua Hội nông dân xã đã tổ chức cho nhiều nông dân đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm để nhân rộng mô hình trong thời gian tới.

 

Thành công từ mô hình nuôi thỏ của anh Trần Văn Dũng mở ra hướng chăn nuôi phù hợp cho người dân tại xã với nguồn thu nhập ổn định, góp phần vào việc xoá đói giảm nghèo ở địa phương, đồng thời chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao.

Phan Anh - Bá Tước (SVTT)

 

  • Từ khóa