Chủ nhật, 17/11/2024, 21:20[GMT+7]

Thành phố Hà Nội và tỉnh Thái Bình sẽ phát triển thành vùng trọng điểm chăn nuôi bò thịt chất lượng cao trong khu vực

Chủ nhật, 02/06/2019 | 17:41:34
3,266 lượt xem
Đây là kỳ vọng của đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại buổi làm việc giữa Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và tỉnh Thái Bình với Thành phố Hà Nội về chính sách và mô hình phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao tại huyện Ba Vì sáng ngày 2/6.

Đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại buổi làm việc.

Audio: 0206_thoia_nuoibothit_mixdown.mp3

 

Dự buổi làm việc về phía tỉnh Thái Bình có các đồng chí: Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Ngô Đông Hải, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh và 8 huyện, thành phố. 

Đồng chí Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cùng các đồng chí lãnh đạo Thành phố Hà Nội, huyện Ba Vì tiếp và làm việc với Đoàn. 

Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hà Nội: Thời gian gần đây, tình hình chăn nuôi trâu bò trên địa bàn Thành phố phát triển ổn định, không có dịch bệnh lớn xảy ra, đàn bò có xu hướng tăng do giá bán ổn định, nhu cầu thị trường lớn, hiệu quả kinh tế cao. 

Là một trong những địa phương phát triển mạnh đàn bò chất lượng cao, đến nay, huyện Ba Vì đã quy hoạch và hình thành được 10/31 xã chăn nuôi bò thịt trọng điểm với tổng đàn đạt trên 20.000 con, quy mô bình quân 5 con/hộ. Toàn huyện có gần 150 trang trại bò với quy mô 20 con trở lên, trong đó có trang trại chăn nuôi, vỗ béo từ 80 - 100 con bò thịt. Điểm nổi bật trong phát triển chăn nuôi bò thịt tại huyện Ba Vì là công tác cải tạo, nâng cao chất lượng giống bò. Hàng năm, có trên 15.000 bê lai các giống bò chuyên thịt năng suất, chất lượng cao như: BBB, Agus, Zebu, Bratmam, Wagyu… được sinh ra từ chương trình thụ tinh nhân tạo. Cùng với đó, địa phương đã chú trọng liên kết, tạo điều kiện và phối hợp chặt chẽ với một số doanh nghiệp để phát triển đàn bò chất lượng, tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện đầu ra ổn định cho người chăn nuôi; đồng thời phối hợp với các đơn vị triển khai chuyển giao khoa học kỹ thuật mới trong chăn nuôi như: mô hình vỗ béo bò, ủ rơm bằng Urê, đệm lót sinh học, phát triển trồng cỏ năng suất, chất lượng… 

Các đại biểu dự buổi làm việc.

Đoàn công tác đã đến tham quan, tìm hiểu thực tế mô hình nuôi bò thịt chất lượng cao tại xã Minh Châu, huyện Ba Vì. Tính đến năm 2019, xã đã phát triển đàn bò chất lượng cao với tổng số gần 4.000 con, trong đó chủ yếu là giống bò lai F1 Wagyu. Hàng năm, xã Minh Châu cung cấp cho các địa phương trên 1.000 con bò giống và bò thịt. Xã Minh Châu còn phối hợp với Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội và Công ty T&T 159 tổ chức thu mua bò cho người dân, trung bình giá cao hơn từ 3 - 4 triệu đồng/con so với bán cho thương lái. 

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh: Trong bối cảnh bệnh dịch tả lợn châu Phi đang có diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nặng nề cho phát triển chăn nuôi lợn trong cả nước nói chung, tỉnh Thái Bình nói riêng, đòi hỏi các địa phương phải tính đến bài toán tái cơ cấu ngành Nông nghiệp cũng như chuyển đổi sinh kế cho người chăn nuôi. Qua nghiên cứu, học tập kinh nghiệm các mô hình chăn nuôi bò theo mô hình liên kết sản xuất tại tỉnh Hòa Bình và Thành phố Hà Nội, cũng như với các điều kiện tự nhiên thuận lợi, trình độ dân trí cao, hạ tầng nông nghiệp tốt, thị trường tiêu thụ tại chỗ khá dồi dào, Thái Bình hoàn toàn có thể phát triển chăn nuôi bò chất lượng cao. Cùng với Hà Nội, Thái Bình cần hướng đến sản xuất bò thịt và bò giống, hình thành một ngành kinh tế về khai thác giá trị, phát triển chăn nuôi bò, trở thành trung tâm chuyển giao kỹ thuật trong chăn nuôi bò với mục tiêu cho toàn quốc và Đông Nam Á.

Các đồng chí lãnh đạo trao đổi kinh nghiệm khi đến tham quan tại xã Minh Châu, huyện Ba Vì.

Theo đồng chí Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Muốn phát triển đàn bò chất lượng cao, Thái Bình phải thiết lập hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, lấy doanh nghiệp làm nòng cốt, nông dân tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua hợp tác xã; chăn nuôi bò đáp ứng được 3 trụ cột kinh tế (khai thác tối đa, chú ý sinh kế cho người dân và bảo đảm môi trường). Ngoài ra, địa phương cần chú trọng áp dụng khoa học công nghệ vào tất cả các khâu sản xuất, chăn nuôi; phương thức sản xuất bền vững trong cơ chế thị trường. Đồng chí kỳ vọng Hà Nội và Thái Bình sẽ là hạt nhân trong chăn nuôi trong khu vực đồng bằng sông Hồng, từ đó hình thành thương hiệu trong những trung tâm lớn phát triển chăn nuôi bò trong nước, hướng đến khu vực Đông Nam Á. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cam kết đồng hành cùng các địa phương trong triển khai thực hiện đề án này. 

Các đồng chí lãnh đạo tham quan mô hình chăn nuôi bò của các hộ nông dân xã Minh Châu, huyện Ba Vì.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định: Với tiềm năng, lợi thế của một tỉnh đồng bằng, Thái Bình đang thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tính đến bảo đảm sinh kế cho người dân và phát triển kinh tế bền vững. Hiện nay, Thái Bình đã bước đầu thảo luận, nghiên cứu xây dựng đề án “Phát triển chăn nuôi đại gia súc theo mô hình chuỗi liên kết”. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thành phố Hà Nội hỗ trợ Thái Bình hoàn thành đề án, hoạch định cơ chế, chính sách và chuyển giao khoa học kỹ thuật. Thành phố Hà Nội tiếp tục kết nối, hợp tác cũng như liên kết sản xuất. Trong đó, bước đầu Thành phố Hà Nội cung cấp các giống bò chất lượng cao cho Thái Bình còn Thái Bình sẽ cung cấp nguồn nguyên liệu, thức ăn cho ngành chăn nuôi của Thành phố Hà Nội. Trên cơ sở hợp tác cùng phát triển, Thái Bình và Hà Nội sẽ tạo vùng liên kết sản xuất trong phát triển ngành Nông nghiệp chất lượng cao nói chung, chăn nuôi đại gia súc nói riêng. 

Nhân dịp này, Thành phố Hà Nội đã tặng tỉnh Thái Bình 100 con bò giống lai Sind với mong muốn từ đàn bò này, Thái Bình có thể nhân rộng đàn bò, đưa đến các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

Đàn bò của các hộ nông dân xã Minh Châu, huyện Ba Vì.

Tất Đạt – Thành Tâm

  • Từ khóa