Chủ nhật, 17/11/2024, 19:51[GMT+7]

Hướng sinh kế cho người chăn nuôi (Kỳ 1)

Thứ 2, 01/07/2019 | 08:50:23
2,147 lượt xem
Những năm qua, dịch bệnh cũng như giá cả thị trường đối với đàn lợn, gia cầm không ổn định đã khiến người chăn nuôi trong tỉnh nói chung, huyện Hưng Hà nói riêng gặp nhiều khó khăn. Do đó, lựa chọn một hướng sinh kế cho người chăn nuôi đang là vấn đề được cấp ủy, chính quyền huyện Hưng Hà chú trọng.

Phát triển đàn bò là chủ trương phù hợp trong tình hình hiện nay.

Kỳ 1: Lao đao vì dịch bệnh

Bệnh dịch tả lợn châu Phi tiếp tục diễn biến phức tạp đã gây tổn thất nặng nề cho người chăn nuôi huyện Hưng Hà, thậm chí khiến nhiều gia đình mất trắng và khó khôi phục lại sản xuất. 

Là địa phương đầu tiên trong huyện có bệnh dịch tả lợn châu Phi, xã Đông Đô coi việc chống dịch bệnh nguy hiểm này như “chống giặc”. 

Đưa chúng tôi đến trang trại của gia đình bà Trần Thị Thắm, thôn Đồng Phú, ông Nguyễn Xuân Quân, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Tính đến nay, toàn xã đã tiêu hủy trên 3.200 con lợn với tổng trọng lượng hơn 205.000kg. Địa phương đã sử dụng trên 64.000kg vôi bột và trên 1.400 lít hóa chất cho công tác phòng, chống dịch. Song từ tháng 2/2019, khi phát hiện trường hợp lợn mắc bệnh đầu tiên đến nay trong xã ngày nào cũng có lợn chết. Chúng tôi liên tục phải lấy mẫu xét nghiệm rồi tiêu hủy lợn, ngày nào cũng phải đi rắc vôi bột, phun thuốc khử trùng trong khi lực lượng làm công tác mỏng nên rất vất vả. 

Phun hóa chất phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi tại Hưng Hà.

Tại trang trại của gia đình bà Trần Thị Thắm, trước mắt chúng tôi là hình ảnh bà Thắm với đôi mắt thẫn thờ nhìn khu chuồng lợn giờ bỏ trống. Cả đàn lợn hơn 100 con lợn thịt, gần 200 con lợn giống, 40 con lợn nái đã bị dịch bệnh cướp đi. 

Ông Quân cho biết thêm: Gia đình bà Thắm chăn nuôi lợn đã hơn 20 năm nên có nhiều kinh nghiệm trong phòng, chống bệnh dịch. Do đó, ngay khi địa phương xuất hiện dịch bệnh, gia đình bà đã chủ động mua vôi bột, hóa chất về phòng, trừ cho đàn lợn của gia đình. Cả khu trang trại của gia đình bà Thắm ngày nào cũng rắc trắng vôi bột, được phun hóa chất khử trùng nhưng đàn lợn vẫn mắc dịch và phải tiêu hủy cả đàn. 

Cũng như nhiều hộ chăn nuôi khác trong xã, trong huyện, đàn lợn gần 70 con của gia đình chị Nguyễn Thị Thanh Hương, thôn Duyên Trường, xã Tây Đô cũng bị mắc dịch bệnh và chết. 

Chị Hương chia sẻ: Ngày 7 - 8/3/2019, một số con trong đàn lợn của gia đình bắt đầu có dấu hiệu sốt, bỏ ăn. Sau khi báo chính quyền địa phương, gia đình đã phối hợp tiến hành tiêu hủy 8 con trong ngày 8/3. Từ khi lợn mắc bệnh, cả nhà không còn tâm trạng để làm gì, cứ ngồi trong nhà rồi lại đi vào chuồng lợn xem có con nào bỏ ăn, bị sốt hay không. Đàn lợn cứ chết dần chết mòn mang theo tiền của của gia đình và chúng tôi cũng khó có thể phục hồi sản xuất nếu không có hỗ trợ của nhà nước. 

Theo lãnh đạo UBND xã Tây Đô, tính đến ngày 15/5/2019, toàn xã đã sử dụng 40 tấn vôi bột và 450 lít hóa chất để phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Mặc dù đến nay xã tạm thời không có lợn bị ốm chết song dịch bệnh diễn biến phức tạp và nguy cơ dễ bùng phát trở lại. Đến giữa tháng 5/2019 cả xã đã tiêu hủy gần 1.900 con lợn với tổng trọng lượng hơn 127.600kg, bằng 70% tổng đàn lợn trong xã. Mong rằng đàn lợn của địa phương qua được đợt dịch bệnh này để người chăn nuôi bớt thiệt hại. 

Theo báo cáo của huyện Hưng Hà, đến ngày 21/6/2019, toàn huyện đã tiêu hủy trên 36.200 con lợn với tổng trọng lượng hơn 2.200.000kg. Các địa phương trong huyện đã sử dụng trên 2.200.000kg vôi bột và hơn 36.200 lít hóa chất cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Riêng ngày 21/6, huyện vẫn có 5 xã có lợn ốm, chết phải tiêu hủy với số lượng 45 con, trong đó đáng chú ý là dịch bệnh đã phát sinh tại 5 trang trại lớn trong đó trang trại của gia đình ông Trịnh Bình Minh ở thôn Lưu Xá Nam, xã Canh Tân đã phải tiêu hủy 1.182 con; trang trại của ông Nguyễn Văn Chĩnh, thôn Bùi Minh, xã Duyên Hải có tổng đàn 447 con, đã tiêu hủy 22 con... 

Gia đình bà Trần Thị Thắm (xã Đông Đô, huyện Hưng Hà) thu dọn chuồng nuôi chờ cơ hội tái đàn.

Ông Phạm Văn Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Đến nay, người chăn nuôi trên địa bàn huyện đã kiệt quệ vì bệnh dịch tả lợn châu Phi và lại phải đối mặt với nỗi lo người tiêu dùng e dè, thậm chí quay lưng lại với thịt lợn. Điều này khiến nhiều người chăn nuôi điêu đứng khi lợn đến kỳ xuất chuồng mà không thể bán giá cao hoặc phải bù lỗ. Thời gian qua, Huyện ủy, UBND huyện và ngành chuyên môn đã đưa ra nhiều giải pháp để giúp người chăn nuôi tiêu thụ lợn thịt đến kỳ xuất bán song so với thiệt hại của người chăn nuôi thì không đáng kể. Nhiều gia đình thiệt hại hàng trăm triệu đồng và đến nay họ chưa hết sốc khi nguồn thu nhập chính của gia đình đã tiêu tan theo đàn lợn. 

Cũng theo ông Bình, người chăn nuôi trong huyện đang rớt nước mắt nhìn hàng chục nghìn con lợn bị mắc bệnh phải tiêu hủy. Sinh kế của gia đình họ đã, đang và sẽ bị dịch bệnh cướp mất. Tới đây, họ biết sống bằng gì khi dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, dự báo sẽ còn kéo dài và thời gian tái đàn xem chừng rất xa vời.


Ông Đinh Khắc Nhiên, Chủ tịch UBND xã Tây Đô (Hưng Hà)

Mặc dù các cấp, ngành và chính quyền địa phương đã tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai đồng bộ giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, tuy nhiên dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, ở phạm vi rộng. Trong khi dịch vẫn đang hoành hành, diễn biến phức tạp thì người chăn nuôi lại phải đối mặt với việc giá lợn liên tục giảm sâu, gây thiệt hại lớn cho các hộ chăn nuôi lợn. Trong tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp như hiện nay, người chăn nuôi không thể tái đàn và có thể tạm thời chuyển hướng sang chăn nuôi các con vật khác chờ dịch đi qua. Song việc nuôi con gì thay thế con lợn thì chính quyền cũng như hộ chăn nuôi cần phải tính toán kỹ để không bị “tiền mất tật mang”, gây khó khăn thêm cho người chăn nuôi.

Bà Trần Thị Thắm, xã Đông Đô (Hưng Hà)

 Cùng với việc gia đình chủ động thì cán bộ thú y xã, huyện đã sát cánh cùng chúng tôi ứng phó với dịch bệnh. Tuy nhiên, bệnh dịch chưa có thuốc chữa, diễn biến phức tạp, lây lan nhanh trong khi gia đình chúng tôi chỉ biết khử trùng, cách ly chuồng trại. Làm rất kỹ mà dịch bệnh vẫn lan đến khiến đàn lợn của gia đình chết hết. Giờ chúng tôi mong chờ sớm khống chế được dịch bệnh và nhà nước có sự hỗ trợ để chúng tôi có thể tái đàn, khôi phục kinh tế gia đình.


(còn nữa)

Mai Thư