Chủ nhật, 17/11/2024, 19:41[GMT+7]

Vai trò của kinh tế tập thể

Thứ 2, 01/07/2019 | 09:49:06
1,299 lượt xem
Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT), KTTT của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, thực hiện được mục tiêu đổi mới, phát triển cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT), góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Thu nhập từ mỗi héc-ta trồng cây màu của xã Thụy An (Thái Thụy) đạt trên 400 triệu đồng/năm.

KTTT với nòng cốt là các HTX, THT đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội của tỉnh. Những năm qua, nhiều chính sách đã được tỉnh triển khai thực hiện nhằm tạo điều kiện cho KTTT phát triển như khuyến khích phát triển các cơ sở dạy nghề, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các HTX và quỹ tín dụng nhân dân (TDND); các thủ tục hành chính về giao đất, thuê đất đối với HTX, quỹ TDND đã được giảm bớt thời gian thực hiện, thành phần hồ sơ. Tỉnh đã tạo điều kiện cho KTTT, kinh tế hộ tiếp cận và hưởng chính sách mới về khoanh nợ, xóa nợ, gia hạn nợ, miễn giảm lãi vay..., góp phần giải quyết khó khăn về vốn, giảm chi phí vốn vay, phát triển sản xuất, thúc đẩy kinh tế phát triển. Ngoài ra, tỉnh còn có chính sách hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ; chú trọng công tác xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư, quảng bá các sản phẩm, dịch vụ, trợ giúp tìm hiểu, nắm bắt, tiếp cận thị trường cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh, các HTX trong tỉnh...

Với nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích kịp thời, KTTT của tỉnh thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Các THT được thành lập trên cơ sở nhu cầu thực tế, giúp tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. 

THT sản xuất và tiêu thụ đào cảnh Sa Cát (phường Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình) được thành lập năm 2016 với 150 thành viên. Sau khi thành lập, THT đã đưa các thành viên trong tổ đi giao lưu, học hỏi kinh nghiệm ở các tỉnh, thành phố lân cận để học hỏi thực tế trong việc trồng và chăm bón cây đào sao cho chi phí thấp, hiệu quả cao; đồng thời, tìm cách mở rộng thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu. 

Ông Vũ Đình Khởi, tổ trưởng THT cho biết: Đến nay, đào cảnh Sa Cát đã dần xây dựng được thương hiệu của mình. Thị trường tiêu thụ đã mở rộng vào Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế. Dịp tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 vừa qua, mặc dù thời tiết bất lợi song doanh thu của tổ vẫn đạt gần 20 tỷ đồng, có hộ thu nhập lên đến 700 triệu đồng. Đời sống của các gia đình thành viên không ngừng được nâng cao.

Đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 172 THT hoạt động, trong đó lĩnh vực nông nghiệp có 110 THT, lĩnh vực phi nông nghiệp có 62 THT. Hầu hết các THT có quy mô nhỏ, tổ chức quản lý và điều hành giản đơn, hợp tác linh hoạt, gọn nhẹ, hỗ trợ nhau trong sản xuất và đời sống, một phần nhu cầu vốn và kỹ thuật. Nhiều THT sau khi được thành lập đã hoạt động hiệu quả, quản lý, điều hành chặt chẽ là tiền đề chuyển sang mô hình HTX kiểu mới theo Luật Hợp tác xã năm 2012.

Vườn đào của gia đình anh Vũ Văn Phiên, tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ đào cảnh Sa Cát (phường Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình) cho thu nhập 400 triệu đồng/năm.

Là nòng cốt của KTTT, những năm qua, các HTX đã khẳng định vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện tốt các hoạt động dịch vụ, tạo điều kiện cho các thành viên, hộ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm. Hết năm 2018, toàn tỉnh có 434 HTX với trên 455.000 thành viên. Trong đó, lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, thủy sản có 324 HTX; lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, vận tải, xây dựng, thương mại có 25 HTX; lĩnh vực tín dụng có 85 quỹ TDND. Tổng doanh thu bình quân của 1 HTX năm 2018 đạt 1,31 tỷ đồng, tăng 75,8% so với năm 2013. 

Theo đồng chí Lưu Thị Chỉ, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh: Những năm gần đây, các HTX đã có nhiều cố gắng trong điều hành sản xuất, kinh doanh, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho thành viên và nông dân. Sản phẩm của các HTX ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường trong nước và quốc tế. Các HTX đã ứng dụng các quy trình sản xuất tiên tiến, hạn chế thuốc bảo vệ thực vật, tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, các HTX đã phát huy được vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho người dân; chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi đáp ứng nhu cầu của thị trường, tăng doanh thu cho HTX và người dân. 

Đã xuất hiện nhiều mô hình HTX điển hình với cách làm mới như HTXNN xã Bình Định (Kiến Xương) đã tích cực, năng động mở rộng hoạt động, thực hiện 11 khâu dịch vụ (cao hơn 7 khâu so với mức bình quân chung toàn tỉnh). Trong đó, nhiều khâu dịch vụ mới đem lại hiệu quả cao như dịch vụ liên kết tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ tín dụng nội bộ, dịch vụ quản lý chợ... với tổng doanh thu mỗi năm trên 13 tỷ đồng. Mô hình xây dựng và quản lý thương hiệu tập thể “Mắm cáy Hồng Tiến” của HTX SXKD dịch vụ thủy sản Hồng Tiến (Kiến Xương) góp phần nâng cao lợi ích kinh tế cho nghề làm mắm cáy ở địa phương. Mô hình HTXNN tham gia liên kết theo chuỗi giá trị đạt hiệu quả kinh tế cao như: các vùng sản xuất ngô nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi của HTXNN xã Hồng Minh (Hưng Hà); vùng sản xuất rau an toàn của HTX Quỳnh Hải (Quỳnh Phụ)...

Thời gian tới, Thái Bình tiếp tục tập trung phát triển KTTT với nòng cốt là HTX kiểu mới bảo đảm tính bền vững; xây dựng và phát triển KTTT gắn với xây dựng nông thôn mới và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; phấn đấu đưa KTTT thực sự là một trong các thành phần kinh tế quan trọng, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển của tỉnh.

Anh Đào