Chủ nhật, 17/11/2024, 19:33[GMT+7]

Hướng sinh kế cho người chăn nuôi (Kỳ 2)

Thứ 3, 02/07/2019 | 09:10:49
2,388 lượt xem
Dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, giá cả bấp bênh đã và đang trở thành nỗi ám ảnh với các địa phương, người chăn nuôi. Đó là lý do nhiều hộ chăn nuôi ở huyện Hưng Hà đang tìm hướng chuyển đổi con vật khác có hiệu quả hơn.

Phát triển chăn nuôi đại gia súc là chủ trương phù hợp trong giai đoạn hiện nay.

Kỳ 2: Giải pháp trong đại dịch

“Đầu tư trang trại với diện tích 3,7ha nuôi đàn bò hơn 230 con bò giống Bỉ, trong đó có 70 con bò giống có thể nói là một quyết định đúng đắn sau hơn 4 năm thực hiện” - ông Lê Văn Luận, chủ trang trại nuôi bò tại xã Tân Hòa (Hưng Hà) chia sẻ. 

Ông Luận cho biết thêm: Thức ăn chính của bò là cỏ voi, mỗi ngày một con bò ăn khoảng 20kg cỏ. Do vậy, trang trại dành khoảng 3ha để trồng cỏ voi. Để bảo đảm thức ăn cho bò, chúng tôi còn thu mua nguyên liệu dư thừa của nông nghiệp như rơm, cây ngô, đậu đỗ... để bò ăn những lúc thiếu cỏ. Phân bò được trang trại đổi cho doanh nghiệp ở tỉnh Hòa Bình lấy mía về cho bò ăn, nhờ đó môi trường chăn nuôi được bảo đảm. Để phòng tránh bệnh cho bò, chúng tôi tiến hành tiêm phòng cho bò 2 lần/năm. Bò nuôi tốt có thể tăng trưởng đạt 30 - 40kg/tháng. Một con bò nuôi 1 năm nặng khoảng 6 tạ. Với tiền thức ăn, công lao động hết khoảng 35.000 đồng/con/ngày, giá bán hiện nay là 85.000 đồng/kg, trừ chi phí tôi thu lãi 50.000 đồng/con/ngày. Qua thực tế 4 năm chăn nuôi tôi thấy bò phù hợp để phát triển tại địa phương, có sức lớn nhanh, bệnh tật ít. So với nuôi lợn, nuôi bò ổn định hơn về đầu ra và không phải lo về nguy cơ nhiễm bệnh dịch. Nếu được hỗ trợ sản xuất, chúng tôi rất ủng hộ và mong muốn có thêm điều kiện để mở rộng chăn nuôi.

Gần 10 năm nay, trang trại hơn 10.000m2 của gia đình anh Phạm Xuân Tuyến, xã Tân Hòa thường xuyên nuôi khoảng 100 con lợn và hơn một vạn con gà thịt. Năm 2018, trang trại được chứng nhận chăn nuôi VietGAP. Thu nhập bình quân của trang trại khoảng 700 - 800 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, những năm qua việc chăn nuôi của gia đình anh không tránh khỏi những thiệt hại do giá cả thị trường bấp bênh. 

Theo anh Tuyến, có thể hôm nay gà bán với giá 40.000 đồng/kg thì ngày mai đã giảm xuống còn 30.000 - 35.000 đồng/kg, thậm chí 20.000 đồng/kg. Do vậy, việc phát triển kinh tế chưa ổn định và gia đình anh Tuyến cũng chưa dám mở rộng sản xuất. Mới đây, khi nghe nói tỉnh, huyện có chủ trương khuyến khích người chăn nuôi chuyển sang nuôi bò, gia đình anh đã tìm hiểu và hy vọng sẽ thực hiện được chuyển hướng chăn nuôi, góp phần đưa phát triển kinh tế gia đình bền vững.

Hiện nay, huyện Hưng Hà có gần 15.000 con trâu, bò, trong đó 14.200 con bò. Lợi thế của huyện là có 14 xã duyên giang, trên 40km đê, ngoài ra còn có 1.750ha đất vùng bãi, trên 21.000ha đất canh tác lúa. Đó là những điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi đại gia súc. Vì vậy, phát triển đàn gia súc là chủ trương phù hợp trong khi bệnh dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp và kéo dài. 

Theo nhận định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp, không chỉ gây thiệt hại nặng về kinh tế cho người chăn nuôi mà còn làm mất cân đối trong sản xuất thực phẩm của ngành chăn nuôi. Vì vậy, cùng với việc tăng cường các biện pháp ngăn chặn, khống chế dịch, đòi hỏi các địa phương, ngành Nông nghiệp, người chăn nuôi phải quy hoạch tổ chức lại chăn nuôi. Đồng thời, cần tiếp tục cơ cấu lại ngành theo hướng đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, nhất là gia súc ăn cỏ. 

Theo chỉ đạo của tỉnh, hiện nay nhiều hộ chăn nuôi ở huyện Hưng Hà đang và sẽ chuyển hướng sang chăn nuôi đại gia súc. Làm tốt vấn đề này không những góp phần ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi mà còn tạo sinh kế cho các hộ chăn nuôi. Nếu mô hình được nhân rộng và liên kết chặt chẽ, tận dụng hiệu quả các phụ phẩm trong nông nghiệp thì đây còn là cách giải bài toán khan hiếm thực phẩm đối với gia súc trong thời gian tới.

Ông Phạm Văn Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hưng Hà


Chăn nuôi đại gia súc mà cụ thể là con bò có lợi thế là có thể kiểm soát bệnh tật trên bò tốt hơn so với lợn, gia cầm. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay đối với người chăn nuôi là vốn và giống. Nếu tháo gỡ được những khó khăn này thì việc phát triển nuôi bò thay thế lợn và gia cầm là một hướng đi phù hợp. Hiện tại, ngành Nông nghiệp đang tham mưu với huyện tìm hướng sinh kế mới cho nông dân theo hướng phát triển đàn đại gia súc khi bệnh dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành. Nếu hình thành được các trang trại, gia trại chăn nuôi bò và xây dựng được các vệ tinh thì có thể phát triển mạnh đàn đại gia súc ở địa phương. Bên cạnh đó cũng cần có kế hoạch hình thành các mô hình HTX liên kết chăn nuôi đồng thời có những biện pháp xử lý chất thải để việc chăn nuôi gia súc không gây ảnh hưởng đến môi trường.

Ông Phạm Xuân Tuyến, xã Tân Hòa (Hưng Hà)

Chủ trương phát triển đàn trâu, bò thay thế đàn lợn, gia cầm hiện nay là phù hợp. Bản thân tôi và nhiều người chăn nuôi khác nhận thấy hiện nay nhu cầu thị trường về thịt bò là rất lớn. Do đó, mong muốn của chúng tôi là địa phương nên chú trọng phát triển chăn nuôi đại gia súc sao cho phù hợp với thực tế. Chúng tôi cũng mong chính quyền sẽ có cơ chế hỗ trợ về vốn, giống chất lượng cho người chăn nuôi để người chăn nuôi yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.


Mai Thư