Chủ nhật, 17/11/2024, 20:54[GMT+7]

UBND tỉnh nghe và cho ý kiến dự thảo đề án phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết giai đoạn 2019 – 2025 và những năm tiếp theo

Thứ 7, 06/07/2019 | 15:49:55
2,207 lượt xem
Sáng ngày 6/7, UBND tỉnh họp nghe Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo dự thảo đề án phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết giai đoạn 2019 – 2025 và những năm tiếp theo.

Đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Thành Tâm

Audio: 080819_ubnd_tinh_ngay_0607_mixdown.mp3

Đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp. Dự họp có các đồng chí Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị và huyện, thành phố.

Theo dự thảo đề án phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết giai đoạn 2019 – 2025 và những năm tiếp theo, 5 năm qua (2013 - 2018), số lượng đàn trâu của tỉnh tăng từ 5.801 con (năm 2013) lên 6.280 con (năm 2018), tốc độ tăng bình quân đạt 1,65%/năm; sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng năm 2018 đạt 795 tấn, tốc độ tăng bình quân đạt 15,49%/năm. Số lượng đàn bò của tỉnh tăng từ 44.109 (năm 2013) lên 48.592 con (năm 2018), tốc độ tăng bình quân đạt 2,03%/năm; sản lượng thịt bò năm 2018 đạt 7.883 tấn, tốc độ tăng bình quân đạt 26,25%/năm. Toàn tỉnh hiện có trên 60 điểm giết mổ trâu, bò nhỏ lẻ phục vụ nhu cầu tiêu dùng cho người dân trong tỉnh với khoảng 5.355 tấn thịt trâu, bò mỗi năm. 

Mục tiêu đến hết năm 2020, toàn tỉnh phát triển đàn trâu, bò đạt 70.000 con trở lên, trong đó đàn trâu, bò cái nền đạt chuẩn từ 20.000 con trở lên; xây dựng được 2 trang trại “lõi” trở lên đầu tư chăn nuôi trâu, bò theo chuỗi liên kết. Hết năm 2025, tổng đàn trâu, bò của tỉnh đạt 180.000 con trở lên, trong đó đàn trâu, bò cái nền đạt chuẩn 80.000 con trở lên; xây dựng từ 3 – 5 trang trại “lõi” trở lên đầu tư chăn nuôi trâu, bò theo chuỗi liên kết và phát triển được từ 25.000 – 28.000 nông hộ, gia trại chăn nuôi trâu, bò vệ tinh; thu hút đầu tư xây dựng từ 1 – 2 khu giết mổ gia súc tập trung.  

Tại cuộc họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến làm rõ kế hoạch phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết giai đoạn 2019 – 2025, trong đó tính toán lại số liệu tổng đàn trâu, bò cái nền đạt chuẩn của từng năm; giải pháp huy động nguồn vốn phát triển chăn nuôi; quy hoạch quỹ đất phục vụ chăn nuôi; nghiên cứu cơ chế, chính sách hỗ trợ chăn nuôi.

Kết luận cuộc họp, đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cơ bản thống nhất nội dung của dự thảo đề án, đồng thời yêu cầu để các nội dung của đề án sát thực tế và có tính khả thi cao cần bổ sung làm rõ nhu cầu, mục đích của việc phát triển đàn trâu, bò thương phẩm trong phần thực trạng và sự cần thiết xây dựng đề án. 

Trong đề án cần làm rõ các khái niệm, xác định đối tượng cụ thể đã nêu như “chăn nuôi theo chuỗi liên kết”, “doanh nghiệp hạt nhân”, “trang trại lõi”, “trang trại vệ tinh”, “hợp tác xã”, “tổ đội chăn nuôi”... Đối với phần quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, cần rà soát lại mục tiêu phát triển đàn trâu, bò cụ thể của từng năm, làm rõ số liệu đàn trâu, bò cái nền đạt chuẩn. 

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: Thành Tâm

Tính toán chính xác số liệu quy hoạch sử dụng đất, đưa ra tổng diện tích đất cần sử dụng để phát triển đàn trâu, bò thương phẩm, trong đó cụ thể số liệu diện tích đất để xây dựng chuồng trại chăn nuôi, diện tích đất trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi, diện tích đất phục vụ cho bán chăn thả. Phần tổ chức sản xuất chăn nuôi trâu, bò theo chuỗi liên kết của đề án phải bảo đảm được các nguyên tắc: chăn nuôi theo chuỗi liên kết; có sự tham gia của người dân; sử dụng đệm lót sinh học xử lý môi trường.

Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu đề án phải thể hiện rõ được quan điểm: để đàn trâu, bò thương phẩm phát triển ổn định, bền vững, hiệu quả thì mô hình chăn nuôi theo chuỗi liên kết là mô hình chủ chốt; các doanh nghiệp, hộ chăn nuôi phải tham gia vào chuỗi liên kết mới được hưởng các cơ chế, chính sách hỗ trợ hiện hành. 

Bên cạnh đó, các sở, ngành chức năng cần nghiên cứu, rà soát, sửa đổi cơ chế, chính sách cho phù hợp với từng đối tượng tham gia vào chuỗi liên kết; nghiên cứu giải pháp huy động nguồn vốn phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo giai đoạn; nghiên cứu cơ chế, chính sách thưởng phạt đối với doanh nghiệp, hộ dân làm tốt hoặc không tốt.

Thanh Huyền