Chủ nhật, 17/11/2024, 20:18[GMT+7]

Hướng đi nào để ngành chăn nuôi phát triển bền vững? (Kỳ 2)

Thứ 6, 26/07/2019 | 09:03:11
2,813 lượt xem
Hiện nay, toàn tỉnh có 734 trang trại, 7.241 gia trại chăn nuôi và gần 80.000 nông hộ chăn nuôi, phân bố khắp các xã trong tỉnh. Do chăn nuôi nông hộ nhỏ vẫn chiếm phần lớn, sản phẩm chăn nuôi của Thái Bình mới xuất thô là chủ yếu nên giá trị kinh tế còn thấp. Điều đó đòi hỏi cần liên kết, tổ chức lại sản xuất chăn nuôi, đặc biệt cần có sự tham gia của các doanh nghiệp đầu tàu trong giết mổ, chế biến sâu, tiêu thụ sản phẩm cho nông hộ.

Nhiều trang trại chăn nuôi gà được cấp chứng nhận VietGAHP.

Kỳ 2: Xây dựng và phát triển chuỗi liên kết - nền tảng bảo vệ, phát triển chăn nuôi nông hộ

Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, khi Việt Nam hội nhập kinh tế, lĩnh vực gặp nhiều khó khăn nhất trong nông nghiệp là chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi nông hộ nhỏ, phân tán. Bởi chăn nuôi nông hộ bộc lộ nhiều hạn chế trong đầu tư, tổ chức sản xuất nên hiệu quả kinh tế thấp, khối lượng sản phẩm hàng hóa chưa tập trung, sức cạnh tranh sản phẩm yếu, tính bền vững kém. Trong khi đó, với Thái Bình, đây là hình thức chăn nuôi phổ biến, chiếm tỷ lệ lớn cả về số lượng vật nuôi và số hộ chăn nuôi. Để khắc phục những tồn tại trên, tại Thái Bình hiện đang thực hiện hai hình thức liên kết: liên kết chăn nuôi gia công với các doanh nghiệp và liên kết chăn nuôi thông qua tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX), hiệp hội chăn nuôi.

Đối với hình thức liên kết chăn nuôi gia công với các doanh nghiệp hiện có: Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam 16 mô hình; Công ty TNHH APPE-JV Việt Nam 3 mô hình; Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam 3 mô hình; Công ty Cổ phần Chăn nuôi Mavin 4 mô hình. Trong đó, tổng đàn lợn, gà nuôi trong các trang trại gia công là trên 7.000 lợn nái ngoại, gần 49.000 lợn thịt/lứa, 30.000 con gà/26 trại; một năm sản xuất trên 155.000 con lợn giống, trên 14.000 tấn lợn hơi cung cấp cho thị trường. Trong mối liên kết này, các cơ sở chăn nuôi đều có những mối quan hệ lâu dài với các đơn vị cung ứng thức ăn, con giống và tiêu thụ sản phẩm đầu ra.

Về hình thức liên kết chăn nuôi thông qua THT, HTX, hiệp hội chăn nuôi, toàn tỉnh có 19 mô hình, gồm: 1 hiệp hội, 2 HTX, 16 THT (1 THT sản xuất con giống gia cầm, 1 THT chăn nuôi thỏ, 14 THT chăn nuôi lợn). Trong đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y hỗ trợ thành lập, vận hành 1 THT chăn nuôi và sản xuất gia cầm giống với 35 hộ thành viên, quy mô chăn nuôi thường xuyên 100.000 gà ri lai sinh sản và ấp nở, sản xuất 240.000 con gà giống/tháng. Đồng thời, tổ chức liên kết tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ kỹ thuật và cùng thực hiện các dịch vụ đầu vào, đang đẩy mạnh việc áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi tốt VietGAHP trong các thành viên của THT. Dự án LIFSAP hỗ trợ xây dựng, vận hành 10 THT, trong  đó 8 THT được hỗ trợ kỹ thuật, vật tư, thiết bị chăn nuôi, con giống để nâng cao năng lực tổ chức sản xuất, chất lượng sản phẩm. Đối với 14 THT chăn nuôi lợn duy trì tổng đàn là 3.000 lợn nái, 19.500 con lợn thịt; sản lượng thịt sản xuất ước trên 4.500 tấn thịt lợn hơi/năm. Điểm nổi bật của hình thức liên kết chăn nuôi thông qua THT, HTX, nhất là các hộ được tham gia các hoạt động của dự án LIFSAP là cùng thực hiện chung quy trình kỹ thuật, liên kết với nhau trong sử dụng thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, con giống và tiêu thụ sản phẩm, giúp giảm bớt khâu trung gian, giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế của hộ.

Thực hiện đề án xây dựng và phát triển chăn nuôi theo chuỗi liên kết trong chăn nuôi lợn và gia cầm, được dự án LIFSAP hỗ trợ trong triển khai các hoạt động liên quan đến GAHP, đến nay Thái Bình đã có 999 hộ/52 nhóm/8 xã/4 huyện GAHP mô hình và 787 hộ chăn nuôi/36 nhóm GAHP nhân rộng tham gia áp dụng quy trình chăn nuôi VietGAHP bảo đảm sản xuất chăn nuôi an toàn, nâng cao hiệu quả sản xuất chăn nuôi, an toàn thực phẩm. Riêng năm 2018, dự án hỗ trợ kinh phí thực hiện đánh giá và cấp chứng nhận VietGAHP được 73 mô hình cho chăn nuôi nông hộ, THT; Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã thực hiện hỗ trợ đánh giá, cấp chứng nhận VietGAHP cho 3 trang trại (1 trang trại lợn và 2 trang trại gà). Cùng với đó, đã thực hiện hỗ trợ 43.150 tem dán niêm phong trên bao bì sản phẩm gà giống của THT chăn nuôi và sản xuất con giống Thoa Tuyết (xã Thụy Việt, huyện Thái Thụy); gần 15.000 thẻ tai lợn cho các THT, nhóm GAHP chăn nuôi trong tỉnh nhằm giúp nhận diện để truy xuất nguồn gốc. Trong hoạt động xúc tiến thương mại đã tổ chức 2 đoàn với 90 thành viên đi giao thương học tập kinh nghiệm về cách tổ chức, vận hành mô hình chuỗi, THT chăn nuôi, tìm hiểu cách thức xúc tiến thương mại trong tiêu thụ đầu ra sản phẩm mô hình cũng như tìm hiểu một số nội dung trong công tác quản lý nhà nước đối với phát triển mô hình chuỗi tại Hà Nội và Vĩnh Phúc.

Ông Phạm Văn Vang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiền Hải

Thực tế chăn nuôi nông hộ cho thấy sự cần thiết phải liên kết sản xuất, qua đó thực hiện đồng bộ các giải pháp về xác định đối tượng nuôi đáp ứng nhu cầu thị trường; áp dụng chung một quy trình kỹ thuật chăn nuôi nhằm giảm chi phí thức ăn và nâng chất lượng sản phẩm, chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm của chuỗi, tổ chức xây dựng và phát triển các cửa hàng bán sản phẩm, các liên kết bao tiêu đầu ra với các thành viên khác theo hợp đồng; đẩy mạnh xúc tiến đầu ra ngay ở thị trường nội địa như bếp ăn các công ty, trường học, các chợ...

Ông Nguyễn Văn Thoa, đại diện THT chăn nuôi và sản xuất con giống Thoa Tuyết (xã Thụy Việt, huyện Thái Thụy)


THT Thoa Tuyết được thành lập từ đầu năm 2018 với 35 thành viên ở 16 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Các hộ sản xuất đều thực hiện một quy trình chăn nuôi chung đó là chăn nuôi an toàn dịch bệnh, mỗi năm gần 3 triệu con giống chất lượng được bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Sản phẩm của THT đã tiếp cận mô hình truy xuất nguồn gốc, góp phần khẳng định được thương hiệu cũng như chất lượng sản phẩm trên thị trường, mang lại niềm tin đối với người tiêu dùng, từ đó tăng sức cạnh tranh với các sản phẩm chăn nuôi khác, đầu ra ổn định, từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ. Chúng tôi mong muốn tỉnh có cơ chế hỗ trợ về an toàn dịch bệnh, vận hành chuỗi, xây dựng thương hiệu, hoạt động khuyến thương để những mô hình THT chăn nuôi được duy trì, ngày càng nhân rộng và phát huy hiệu quả, góp phần cải thiện đời sống cho nông dân, ổn định tình hình chăn nuôi.

Ông Phan Văn Năng, quản lý trang trại chăn nuôi gà gia công tại xã Vũ Chính (thành phố Thái Bình)

Từ năm 2004, gia đình tôi xây dựng trang trại chăn nuôi và chọn phương thức liên kết chăn nuôi gà gia công cho Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam. Trong quá trình chăn nuôi, Công ty đầu tư toàn bộ về con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật; gia đình tôi chỉ đầu tư chuồng trại và công chăm sóc. Mỗi lứa gà nuôi khoảng 45 ngày, Công ty sẽ đến thu mua lại gà thành phẩm và trả tiền công chăm sóc cho gia đình. Trang trại mỗi năm nuôi từ 4 - 5 lứa gà với tổng đàn 6.000 - 8.000 con, cho thu nhập khoảng 120 triệu đồng. Hình thức chăn nuôi liên kết này đã giúp gia đình tôi tránh được những rủi ro trước tình hình giá cả biến động, dịch bệnh, mang lại lợi ích kinh tế vì được Công ty bao tiêu sản phẩm.

(Còn nữa)

Phan Lợi - Tô Huyền