Chủ nhật, 17/11/2024, 20:46[GMT+7]

Hướng đi nào để ngành chăn nuôi phát triển bền vững? (Kỳ 4)

Thứ 2, 29/07/2019 | 09:41:27
2,281 lượt xem
Có thể khẳng định tính ưu việt, hiệu quả nổi trội của việc áp dụng chăn nuôi an toàn dịch bệnh và xây dựng, phát triển chuỗi liên kết trong chăn nuôi. Trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, nguy cơ bùng phát các dịch bệnh nguy hiểm cao, chăn nuôi theo chuỗi liên kết còn lỏng lẻo, thiếu gắn kết thị trường tiêu thụ sản phẩm đòi hỏi người chăn nuôi cần có những bước tiến mới phù hợp, cũng như những hỗ trợ nhiều hơn từ cơ chế, chính sách của Nhà nước.

Bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra khiến thị trường tiêu thụ thịt lợn sụt giảm.

Kỳ 4: Tạo bước tiến mới cho chăn nuôi trong tình hình mới

Theo số liệu từ ngành chuyên môn, có thể thấy rõ phân bố đàn vật nuôi của Thái Bình đều khắp trong tỉnh và tập trung theo xã, cụm xã của một số huyện khác nhau. Đàn lợn ngoại, lợn lai từ 3/4 máu ngoại trở lên được nuôi chủ yếu tại các huyện: Hưng Hà, Quỳnh Phụ, Thái Thụy, Tiền Hải và một số xã của huyện Vũ Thư. Đàn lợn nái Móng Cái được nuôi nhiều tại huyện Kiến Xương, Tiền Hải và một số xã của huyện Vũ Thư, Đông Hưng, Thái Thụy. Đàn gà được nuôi chủ yếu tại huyện Quỳnh Phụ, Thái Thụy, Hưng Hà và Kiến Xương; đàn vịt nuôi chủ yếu tại huyện Thái Thụy, Tiền Hải và Kiến Xương. Thời gian qua, cơ cấu giống vật nuôi có chuyển biến tích cực theo hướng tăng tỷ lệ đàn vật nuôi có năng suất, chất lượng cao như: nái ngoại, nái lai trên 55%; lợn thịt từ 3/4 máu ngoại trở lên trên 80%; gà thịt lông màu với các giống gà ri lai, chọi lai... chiếm trên 75%. Cùng với đó, khoa học kỹ thuật được ứng dụng rộng rãi, quy trình chăn nuôi an toàn được phổ biến và áp dụng ngày càng nhiều, tạo ra khối lượng sản phẩm lớn hơn, có chất lượng cao, dần đáp ứng nhu cầu thị trường. 

Tuy nhiên, do giá cả thị trường từ cuối năm 2016 đến đầu năm 2018 rất thấp khiến nhiều hộ chăn nuôi phải giảm đàn, một số hộ không có đủ khả năng để tiếp tục chăn nuôi sau một thời gian dài thua lỗ nên đã để trống chuồng và chuyển đổi ngành nghề. Ngay trong đợt bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra, mặc dù các cấp, các ngành, các địa phương và người chăn nuôi đã quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống, khống chế dịch bệnh nhưng bệnh dịch vẫn diễn biến phức tạp gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi. Sau khi phát sinh ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi đầu tiên tại xã Đông Đô (Hưng Hà), bệnh dịch đã nhanh chóng lây lan tại 281/282 xã, phường, thị trấn có hộ chăn nuôi lợn của 8 huyện, thành phố. Tính đến ngày 13/6, số lợn tiêu hủy là 352.123 con với tổng trọng lượng 17.595.250kg. Cơn “bão” bệnh dịch càn quét đã khiến nhiều hộ chăn nuôi trắng tay và lâm vào cảnh nợ nần khi đàn lợn mắc bệnh buộc phải tiêu hủy toàn bộ. Không chỉ thiệt hại do lợn bị tiêu hủy, người chăn nuôi đang đứng trước nỗi lo về tái đàn, khôi phục lại sản xuất sau bệnh dịch. 

Đối với các hộ chăn nuôi nhỏ nếu không có sự hỗ trợ thì chưa thể đáp ứng yêu cầu theo quy định như cải tạo điều kiện vệ sinh thú y, duy trì giám sát định kỳ, ghi chép tình trạng vật nuôi... Do đó, việc duy trì chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh đã cấp theo quy định rất khó được giữ vững. Ngoài ra, trong chuỗi liên kết vẫn thiếu vắng các doanh nghiệp lớn đầu tư vào các hoạt động thu mua, giết mổ, chế biến sản phẩm chăn nuôi. 

Thực tế cho thấy, khi hội nhập kinh tế, tham gia thương mại tự do trong khu vực và thế giới, thị trường xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi có nhiều cơ hội để phát triển, mở rộng song cũng đòi hỏi các sản phẩm chăn nuôi của chúng ta phải đáp ứng điều kiện, hàng rào kỹ thuật khắt khe của nước ngoài. Đối với thị trường nội địa, các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh khốc liệt về giá cả, chất lượng, thương hiệu đối với các sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu. 

Như vậy, chăn nuôi nội địa cần phải có những sản phẩm chất lượng, giá thành hạ, có thương hiệu, truy xuất được nguồn gốc xuất xứ và bảo đảm an toàn thực phẩm mới chiếm lĩnh được thị trường và tồn tại, phát triển hiệu quả, ổn định. Muốn đạt được điều đó, người chăn nuôi cũng như các cơ quan nhà nước phải nhận thức đúng đắn về sản xuất chăn nuôi bảo đảm an toàn dịch bệnh, theo chuỗi giá trị là xu thế tất yếu, bảo đảm hiệu quả vượt trội cho ngành chăn nuôi. 

Trước hết, muốn phát triển sản xuất chăn nuôi theo chuỗi, bảo đảm an toàn dịch bệnh cần xây dựng được thương hiệu sản phẩm và giải quyết được bài toán đầu ra sản phẩm, việc này nhất thiết phải có sự tham gia của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thu mua, giết mổ, chế biến sâu sản phẩm chăn nuôi. 

Bên cạnh nỗ lực và khát khao của doanh nghiệp, chủ trang trại, người chăn nuôi, cần có sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, cơ quan chuyên môn tạo điều kiện cho sản xuất chăn nuôi an toàn dịch bệnh theo chuỗi giá trị phát triển. Cụ thể như: có cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ đủ mạnh, đơn giản về thủ tục là chất xúc tác cho chuỗi liên kết hình thành và phát triển hiệu quả; hướng dẫn hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm; hình thành THT, HTX, chứng nhận GAHP, VietGAHP, chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh, vùng an toàn dịch bệnh;  là cầu nối kết nối doanh nghiệp với nông dân, HTX, THT, doanh nghiệp với doanh nghiệp, nông dân với nông dân trong tổ chức sản xuất chăn nuôi theo chuỗi giá trị.


Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà

Chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân có liên quan phối hợp tích cực với chính quyền và cơ quan chuyên môn để đẩy mạnh và hoàn thiện các chuỗi sản xuất từ chăn nuôi đến tiêu thụ sản phẩm; thỏa thuận, hợp đồng, cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin liên quan về nhu cầu tiêu thụ sản phẩm để điều chỉnh sản xuất chăn nuôi cho phù hợp, đáp ứng thị trường tiêu thụ. Cùng với đó, nghiên cứu, đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ tập trung để đáp ứng chuỗi tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá thành sản xuất ngay tại địa phương.

Ông Đỗ Quý Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Đối với chăn nuôi nông hộ, tỉnh đã có cơ chế, chính sách hỗ trợ tăng cường năng lực chủ động kiểm soát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm góp phần bảo đảm cho chăn nuôi của tỉnh phát triển bền vững; tạo tiền đề để xây dựng thành công đề án thí điểm về vùng cơ sở an toàn dịch bệnh đối với lợn, tiến tới đạt yêu cầu xuất khẩu. Gần đây, UBND tỉnh tiếp tục có cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện tái cơ cấu giống gia súc trong chăn nuôi nông hộ nhằm góp phần làm chuyển đổi nhanh cơ cấu giống gia súc trên địa bàn tỉnh, những giống vật nuôi có năng suất, chất lượng cao sẽ sớm được đưa vào chăn nuôi, tạo hiệu quả kinh tế cao hơn.

Ông Phạm Thành Nhương, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y

Để nâng cao giá trị sản xuất chăn nuôi của tỉnh, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng thực phẩm về chăn nuôi và thực hiện thành công mô hình các chuỗi liên kết trong thời gian tới, đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, bố trí nguồn lực duy trì cơ chế, chính sách về chăn nuôi và thú y đã ban hành; tập trung chỉ đạo, tổ chức sản xuất chăn nuôi theo định hướng tái cơ cấu ngành, bảo đảm ổn định về tổng đàn, chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi, cân đối các đối tượng nuôi, bù đắp sự thiếu hụt do bệnh dịch tả lợn châu Phi gây ra và không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm chăn nuôi, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng của xã hội; kêu gọi và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thu hút các doanh nghiệp lớn về đầu tư trong lĩnh vực chăn nuôi và thú y tại Thái Bình.


Phan Lợi - Tô Huyền