Chủ nhật, 17/11/2024, 17:35[GMT+7]

UBND tỉnh nghe dự thảo đề án xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư trong khu kinh tế Thái Bình

Thứ 2, 29/07/2019 | 14:43:25
2,222 lượt xem
Sáng ngày 29/7, đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp nghe Ban Quản lý khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh báo cáo dự thảo đề án xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư trong khu kinh tế Thái Bình giai đoạn đến năm 2030. Dự họp có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị và huyện Thái Thụy, Tiền Hải.

Đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc họp.

Audio: 2907_thoia_10_chinh_sach_mixdown.mp3

Đề án được đơn vị tư vấn là Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) xây dựng với mục tiêu đề xuất các giải pháp hoàn thiện chính sách nhằm thu hút mạnh đầu tư vào khu kinh tế Thái Bình. Trên cơ sở nghiên cứu thực trạng chính sách ưu đãi đầu tư giai đoạn 2014 - 2019 với các nội dung như: số lượng chính sách ưu đãi đầu tư, kết quả triển khai chính sách ưu đãi đầu tư, sức thu hút đầu tư trong khu kinh tế Thái Bình, đánh giá của các bên về chính sách hiện hành, khoảng trống đòi hỏi phải hoàn thiện; đơn vị tư vấn đã đề xuất điều chỉnh nhằm hoàn thiện một số chính sách ưu đãi về đất đai, chính sách hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật đến chân hàng rào, chính sách hỗ trợ san lấp mặt bằng, chính sách hỗ trợ xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chính sách hỗ trợ xây dựng và kinh doanh nhà xưởng, chính sách hỗ trợ đào tạo nhân lực, chính sách hỗ trợ về thủ tục hành chính và một số chính sách hỗ trợ khác như hỗ trợ lãi suất tiền vay, hỗ trợ một phần kinh phí xúc tiến thương mại. Theo ước tính, tổng nhu cầu vốn để thực hiện chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trong Khu kinh tế Thái Bình giai đoạn đến năm 2030 là 3.851 tỷ đồng. Trong trường hợp không ban hành chính sách ưu đãi đầu tư mới mà vẫn sử dụng chính sách ưu đãi hiện hành, tổng nhu cầu vốn để thực hiện chính sách hiện hành ước khoảng 2.405 tỷ đồng.

Các đại biểu dự họp.

Trên cơ sở phát biểu của các đại biểu dự họp, kết luận cuộc họp, đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao sự cố gắng của đơn vị tư vấn trong quá trình xây dựng dự thảo đề án xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư trong khu kinh tế Thái Bình; đồng thời nhấn mạnh một số vấn đề đơn vị tư vấn cần tham khảo như: các đối tượng cần phải ưu đãi để thu hút vào khu kinh tế (đó là các doanh nghiệp phải tạo ra được sự đột phá cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước, sử dụng công nghệ cao và ít gây ô nhiễm môi trường), ngành nghề ưu đãi (phải phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương); trên cơ sở đó đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp đặc biệt là cơ chế liên quan đến các thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp khi đầu tư vào khu kinh tế Thái Bình. Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu đơn vị tư vấn chỉnh sửa, bổ sung một số nội dung của đề án cho phù hợp với tình hình thực tế và giúp cho tỉnh thấy được những hạn chế trong cơ chế, chính sách của tỉnh cũng như việc đánh giá về lợi thế của khu kinh tế Thái Bình hiện nay; đồng thời tiếp thu ý kiến của các đại biểu dự họp để hoàn thiện đề án trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét.

Minh Hương - Khắc Duẩn

Ảnh: Thành Tâm