Chủ nhật, 17/11/2024, 17:58[GMT+7]

Chủ động ứng phó làm giảm thấp nhất thiệt hại do bão số 3 gây ra.

Thứ 6, 02/08/2019 | 14:14:20
2,580 lượt xem
Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, các địa phương, đơn vị trong tỉnh đang tiếp tục chủ động ứng phó làm giảm thấp nhất thiệt hại do cơn bão gây ra.

* Tiền Hải

Đề phòng mưa ngập úng do cơn bão số 3, huyện Tiền Hải đã chỉ đạo các ngành, địa phương rà roát kiểm tra hệ thống đê sông, đê biển và các trọng điểm xung yếu trên 2 tuyến đê số 5 và 6 để có phương án xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra. Kiểm tra hệ thống phai dự phòng, phai băng két của 27 cống dưới đê trước khi bão đổ bộ vào đất liền. 

Công nhân Xí nghệp KTCTTL huyện Tiền Hải vớt bèo bồng khơi thông dòng chảy

Yêu cầu Xí nghiệp KTCTTL huyện phối hợp với các HTX tổ chức vớt bèo bồng tại các sông trục, sông dẫn, cửa cống bảo đảm dòng chảy thông suốt. Các địa phương rà soát những điểm có nguy cơ ngập úng cao để đề ra các biện pháp cụ thể, chỉ đạo cán bộ phụ trách phối hợp cùng với chính quyền địa phương hướng dẫn các hộ nuôi thủy sản thực hiện các biện pháp tiêu úng, xử lý môi trường nước, phòng chống dịch bệnh trước, trong và sau mưa bão số 3. Tuyên truyền các hộ nuôi trồng thủy sản có biện pháp bảo vệ tại các vùng đầm như gia cố bờ vùng, quây lưới tránh mưa ngập úng gây thất thoát đối tượng nuôi thủy sản gây thiệt hại về kinh tế.

Theo báo cáo, đến trưa ngày 2/8. toàn bộ tàu, thuyền và các lao động trên biển, khu vực bãi nuôi ngao, lồng bè, cũng như các hộ dân ở nhà yếu  đã vào nơi tránh trú bão an toàn.

* Kiến Xương

Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lớn gây ra, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện yêu cầu các xã, thị trấn bằng mọi biện pháp triệt để tiêu nước trên hệ thống sông trục để phòng mưa lớn gây ngập úng lúa và hoa màu, các khu vực trũng thấp; khơi thông dòng chảy hệ thống kênh mương nội đồng, các sông trục. Chủ động vận hành các trạm bơm tiêu khi có mưa lớn tại các khu vực trọng điểm tiêu úng. Chủ động triển khai phương án tiêu thoát nước khu vực đô thị và nội đồng để kịp thời ứng phó với ngập lụt có thể xảy ra do mưa bão.

Trạm bơm Lịch Bài, xã Vũ Hòa chủ động vận hành tiêu úng khi có mưa lớn xảy ra.

Qua kiểm tra thực tế đến chiều ngày 2/8, các xã, thị trấn đã chủ động tháo cạn nước trong đồng, trên mặt ruộng và trên các sông nội đồng,  chủ động mở tối đa các cống qua đê và đã vận hành thử 100% các trạm bơm tiêu hoạt động bình thường. Các xã, thị trấn đã chủ động khơi thông dòng chảy và tổ chức ứng trực 24/24 giờ để tháo nước trong đồng. Ngoài ra, các HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ cũng chuẩn bị nhiều máy bơm dầu để kịp thời tiêu úng, kiên quyết không để ngập úng gây ảnh hưởng tới lúa và hoa màu.

* Đông Hưng
Trước diễn biến phức tạp của với bão số 3, Đông Hưng đã dừng tất cả các cuộc họp không cần thiết, khẩn trương chuẩn bị phương tiện, vật tư, nhân lực sẵn sàng ứng phó nhằm giảm thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.

Trạm bơm Hậu Thượng vận hành tiêu nước.

Đến 16 giờ ngày 1/8, tất cả 12 bến đò ngang trên địa bàn huyện đã dừng hoạt động. Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện đã phân công cán bộ, nhân viên trực 24/24 giờ tại các trạm bơm, cống đập; vận hành 3 trạm bơm để hạ mực nước ở các dòng sông xuống mức thấp nhất có thể, nhất là ở các vùng trọng điểm úng lụt để bảo vệ lúa mùa. Hoàn thành việc khơi thông dòng chảy trên tất cả trục sông chính. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã triển khai lực lượng chốt trực, chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, cây cối; sẵn sàng các lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời ứng phó khi có yêu cầu. Các hộ sinh sống ngoài đê, các hộ sống trong nhà yếu đã di dời và được hỗ trợ di dời đến nơi an toàn, toàn bộ tàu thuyền cũng đã vào nơi neo đậu an toàn. 

Công nhân Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện Đông Hưng khơi thông dòng chảy

Không chỉ tuyên truyền liên tục trên hệ thống truyền thanh, huyện còn tổ chức tuyên truyền bằng xe lưu động để nhân dân các địa phương biết về diễn biến của cơn bão số 3 để chủ động phòng tránh.

* Thành phố

Công nhân thu gom cành cây sau khi cắt tỉa.

Đến thời điểm này toàn bộ người dân sinh sống ngoài khu vực đê chính thuộc phường Kỳ Bá (Thành phố Thái Bình) đã được sơ tán đến nơi an toàn. Cùng với đó các xã, phường tập trung kiểm tra và thực hiện phương án di dời dân tại các nhà cao tầng đã xuống cấp nghiêm trọng, nhà tạm, nhà cấp bốn, nhà trọ tư nhân cho học sinh, sinh viên, công nhân thuê. Xí nghiệp Khai thác công trình thuỷ lợi thành phố Thái Bình thực hiện tiêu úng 24/24 giờ nhằm bảo vệ  2.300ha lúa mùa đã gieo cấy, 450ha cây màu, 100ha hoa cây cảnh và 380ha thủy sản. Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Thái Bình huy động hơn 100 công nhân tiến hành cắt, tỉa cành, hạ thấp tán cây xanh phòng, chống mưa bão. Các đơn vị, địa phương đã sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện cứu hộ, cứu nạn khi bão đổ bộ vào.

* Lực lượng vũ trang tỉnh

* Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh, đến 15 giờ ngày 2/8, BĐBP tỉnh đã kêu gọi 100% các phương tiện tàu, thuyền và ngư dân của tỉnh đã vào các khu neo đậu trong và ngoài tỉnh tránh trú bão an toàn. Toàn bộ các chủ phương tiên tuân thủ nghiêm lệnh cấm biển của Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố nơi có phương tiện neo đậu. Trên địa bàn hai huyện Thái Thụy và Tiền Hải có tổng số 1.309 chòi ngao/1.309 lao động đã được tuyên truyền, kêu gọi vào bờ ngay từ chiều ngày 1/8. Đến chiều ngày 2/8, không còn lao động nào còn ở lại trên các chòi ngao ngoài đê. Ngoài ra, số cán bộ, nhân viên khu du lịch sinh thái Cồn Đen (xã Thái Đô, huyện Thái Thụy) và các hộ kinh doanh tại Cồn Vành, xã Nam Phú, huyện Tiền Hải đã nắm được thông tin, cam kết vào bờ. Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh thành lập 4 đoàn công tác, đặt sở chỉ huy tiền phương tại Đồn Biên phòng Cửa Lân để nắm tình hình, kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 3; đồng thời huy động 30 cán bộ thường trực của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh xuống các xã, thị trấn khu vực biên giới biển giúp nhân dân phòng, chống bão. Cùng với huy động lực lượng trực 100% quân số, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, các đồn, hải đội huy động 100% phương tiện, vật chất bảo đảm cho công tác phòng, chống bão và cứu hộ, cứu nạn.

Hải đội 2 Bộ đội Biên phòng tỉnh sẵn sàng các phương tiện tham gia tìm kiếm cứu nạn trên biển.

* Trước những diễn biến mới của bão số 3, Bộ CHQS tỉnh đã nhanh chóng triển khai các giải pháp để sẵn sàng ứng phó với bão. Bộ CHQS tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị phải duy trì nghiêm chế độ trực ban, trực chỉ huy, bảo đảm thông tin liên lạc, 100% quân số trực tại cơ quan, đơn vị. Từ ngày 1 – 2/8, các tổ công tác của Bộ CHQS tỉnh đã trực tiếp xuống cơ sở, đặc biệt là các khu vực có nguy cơ ngập lụt để chỉ đạo lực lượng phối hợp với địa phương sơ tán người dân và tài sản đến nơi an toàn. Bộ CHQS tỉnh dự kiến huy động 120 cán bộ thường trực về các địa bàn trọng điểm cùng với cán bộ cơ quan quân sự các huyện, thành phố, dân quân tự vệ, dự bị động viên các xã, phường, thị trấn ứng trực, sẵn sàng đối phó những tình huống trước trong và sau bão. Đến thời điểm 15 giờ ngày 2/8, mọi công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 3 của Bộ CHQS tỉnh và các đơn vị cơ sở đã hoàn tất, sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện tham gia nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả do bão gây ra.

* Ngành Giao thông Vận tải

Để ứng phó với bão số 3 và bảo đảm an toàn trong lĩnh vực giao thông vận tải, Sở Giao thông Vận tải đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị chức năng tập trung triển khai ngay các biện pháp, kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo phương châm “bốn tại chỗ”.

Cán bộ Ban Quản lý Bến xe khách Thái Bình tổ chức chằng, chống bảo vệ tài sản khu vực nhà chờ của hành khách.

Theo đó, Công ty CP Quản lý đường bộ Thái Bình, Công ty CP Quản lý và xây dựng cầu đường Nam Định, Công ty CP Đầu tư xây dựng và thương mại 516, Công ty CP Tasco chủ động nhân lực, phương tiện tổ chức kiểm tra hệ thống cầu, cống, đường; khẩn trương xử lý những vị trí có nguy cơ ngập lụt, sạt lở; không để phương tiện đường thủy neo đậu khu vực hành lang bảo vệ cầu và chân cầu. Phòng Pháp chế và An toàn, Phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông phối hợp với các công ty tổ chức các biện pháp bảo đảm giao thông thông suốt trước, trong và sau bão. Đối với lĩnh vực vận tải, Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và các đơn vị vận tải tăng cường tuyên truyền để các doanh nghiệp, người điều khiển phương tiện vận tải thủy, bộ nắm bắt kịp thời tình hình diễn biến của bão số 3 và có kế hoạch hoạt động phù hợp bảo đảm an toàn cho người và phương tiện. 

Các xe không có kế hoạch hoạt động do bão số 3 được Ban Quản lý Bến xe khách Thái Bình bố trí, sắp xếp đậu đỗ vào nơi an toàn trong bến.

Ban Quản lý Bến xe khách Thái Bình chủ động nạo vét, khơi thông hệ thống thoát nước tránh ngập úng khi có mưa lớn xảy ra; gia cố, chằng chống các công trình; sắp xếp các xe về bến lưu trú an toàn và điều tiết tần suất xe xuất bến hợp lý tạo thuận lợi cho người dân di chuyển đồng thời bảo đảm an toàn con người và phương tiện. Đặc biệt, Sở Giao thông Vận Tải đã chỉ đạo các đơn vị chức năng chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, nhân lực sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ ứng phó với bão số 3 và bảo đảm cho hệ thống giao thông thông suốt phục vụ công tác chỉ đạo phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn của tỉnh và các địa phương cũng như ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, sinh hoạt của người dân.

* Công ty Điện lực Thái Bình

Chủ động phòng chống cơn bão số 3 gây mưa ngập úng, Công ty Điện lực Thái Bình đã đã xây dựng phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chi tiết, thực hiện phương châm “4 tại chỗ” gồm chỉ huy tại chỗ, nhân lực tại chỗ, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Việc duy trì nguồn điện cho các trạm bơm chống úng, mọi phương án, kế hoạch được tính toán kỹ lưỡng, chặt chẽ. 

Công nhân Công ty Điện lực Thái Bình kiểm tra trạm biến áp bảo đảm cấp điện ổn định cho các trạm bơm tiêu úng

Trong đó, đã tiến hành kiểm tra hành lang lưới điện, soát toàn bộ các khu vực trũng thấp có nguy cơ ngập úng khi mưa to để cải tạo nâng cao tủ điện, tiến hành duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa kịp thời những hư hỏng. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với 2 Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thuỷ lợi Bắc và Nam của tỉnh kiểm tra các trạm biến áp, dây dẫn cấp điện cho các trạm bơm xử lý các khiếm khuyết bảo đảm cấp điện vận hành an toàn khi có mưa úng xảy ra. Tổ chức lực lượng ứng trực, chuẩn bị tốt hệ thống thông tin liên lạc, vật tư dự phòng triển khai nhiệm vụ khi có sự cố xảy ra.

(Tin tiếp tục cập nhật)

Nhóm phóng viên