Thứ 7, 16/11/2024, 15:19[GMT+7]

Hành trình vượt khó vươn lên của Quỹ tín dụng nhân dân Song Lãng

Thứ 3, 24/04/2012 | 15:05:12
2,048 lượt xem
Hành trình vượt khó của Quỹ TDND Song Lãng (Vũ Thư) để lại dấu ấn khó phai mờ đối với cán bộ và nhân dân địa phương, được Hiệp hội Quỹ TDND Việt Nam ghi nhận và tặng thưởng bông lúa vàng.

Cán bộ quỹ TDND Song Lãng kiểm tra sử dụng vốn vay tại cơ sở xay sát của thành viên Hoàng Văn Thúy

Minh chứng cho hiệu quả hoạt động của quỹ những năm qua, đó là hiệu quả những thành viên sử dụng vốn vay của quỹ. Đối diện với trụ sở giao dịch Quỹ Song Lãng, là cơ sở chế biến, xay xát thóc gạo của anh Hoàng Văn Thúy. Khởi nghiệp từ một chiếc  máy xay xát, phục vụ bà con trong thôn xóm, giờ anh Thuý có biệt thự, vườn cảnh, xưởng xay xát  khang trang với dàn máy công suất trên 10 tấn/ngày, cung cấp cho thị trường phía Bắc 200-250 tấn gạo/tháng. Anh Thúy gắn bó với quỹ hơn chục năm qua, khi vay, khi gửi, từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng vốn lưu động.

 

Rất nhiều thành viên đi lên từ những đồng vốn nghĩa tình của quỹ như gia đình anh chị  Kiên -  Phượng, từng vỡ nợ, không ai dám cho chị Phượng vay mượn. Nhờ có quỹ tin tưởng, cho vay 5 triệu đồng, chị Phượng mua lợn về nuôi, mua gà về thả, cái nghèo khó, công nợ cũng dần dần bị đuổi ra khỏi ngõ từ đó. Nay chị là hộ  khá giả trong làng.

 

Tiếp chúng tôi như người nhà, giám đốc Đào Sơn Đông lần giở trong ký ức từng ngày tháng gian nan của quỹ. Sau 4 năm thành lập (1996-2000) QTDND Song Lãng vừa được UBND tỉnh tặng Bằng khen “về thành tích xuất sắc trong giai đoạn thành lập thí điểm quỹ TDND”, thì bà giám đốc quỹ đã lợi dụng chức quyền tham ô, lập các khế ước mang tên thành viên, rút ra gần 200 triệu đồng bỏ túi. Sự việc bại lộ, ngày 1/1/2001, khách hàng ồ ạt đến quỹ rút tiền, đặt quỹ bên bờ vực nguy cơ mất khả năng thanh toán. Trước tình hình trên, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương chỉ đạo khắc phục hậu quả, từng bước đưa Quỹ TDND Song Lãng vượt qua khó khăn. Đảng bộ xã họp kịp thời ra Nghị quyết: Những cán bộ, đảng viên vay tiền của quỹ phải hoàn trả sòng phẳng, đảng viên có tiền gửi quỹ không được rút tiền ra gây hoang mang trong nhân dân. 

 

Theo sáng kiến của NHNN tỉnh, thành lập “Quỹ an toàn tiền gửi”, để hỗ trợ kịp thời những quỹ khó khăn. Tổng số tiền các quỹ cho Song Lãng vay 117 triệu đồng. Bình quân 72 quỹ trong tỉnh mỗi quỹ cho Song Lãng vay 1.625 ngàn đồng, thời hạn 3 năm. Như vậy mỗi quỹ tín dụng đã giúp Song Lãng 327 ngàn đồng chênh lệch vốn huy động với cho vay.

 

Thực hiện Chỉ thị 57- CT/TW “Về củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống quỹ TDND” do Bộ Chính trị ban hành, Đảng bộ xã cùng với NHNN tỉnh lựa chọn nhân sự, củng cố lại bộ máy quản trị, điều hành. Trước mắt là tập trung thu hồi nợ khó đòi 156 triệu đồng. Lúc này quỹ không cho vay các món lớn quá 5 triệu đồng. Qua 1 năm cán bộ quỹ tập trung đôn đốc thu hồi nợ, cuối năm 2002, nợ quá hạn đã giảm 19%. Uy tín của quỹ tăng lên, thu hút 784 thành viên trong xã tham gia, tăng 11,5% so với năm 2000. Cùng với việc linh hoạt điều chỉnh mức lãi suất huy động vốn, quỹ tham gia mua bảo hiểm tiền gửi Việt Namon>, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người gửi tiền. Vì vậy,  nhân dân tin tưởng lại tiếp tục gửi tiền vào quỹ, đưa tổng số vốn huy động lên 1.790 triệu đồng, tăng 104% so với năm 2001. Đây là cơ sở để  Ngân hàng Nhà nước nới lỏng biên độ kiểm soát, cho phép quỹ tiếp tục đầu tư cho vay thành viên, vì vậy dư nợ cho vay tăng 106,5%, đạt 1.753 triệu đồng.

 

Trong giai đoạn 2003-2007, Hội đồng quản trị quỹ đã lập đề án củng cố chấn chỉnh theo phương án 1802 của NHNN tỉnh, được cấp uỷ địa phương và Ngân hàng phê duyệt thực hiện trong ba năm. Đại hội đại  biểu thành viên đầu năm 2003 nhất trí thông qua kế hoạch hoạt động với phương châm “Tiến chắc, tận thu, tiết kiệm tích luỹ lợi nhuận, lập quỹ dự phòng để xử lý rủi ro, rút ngắn, thu hẹp nợ quá hạn khó đòi, không để nợ quá hạn mới phát sinh’’. Cùng với sự vươn lên từ nội lực, năm 2003, quỹ đã giảm được 11,4% tổng số nợ quá hạn. Trong 2 năm tiếp theo, quỹ đã khắc phục cơ bản nợ quá hạn. Tháng 4/2006, quỹ đã xoá xong nợ quá hạn, không có nợ mới phát sinh.

 

Thời điểm giám đốc Đào Sơn Đông nhận bàn giao 1/7/2001, quỹ có 690 thành viên, dư nợ 853 triệu đồng. Hiện nay Quỹ Song Lãng có hơn 1300 thành viên. Quỹ được NHNN tỉnh cấp phép mở thêm địa bàn hoạt động sang xã Dũng Nghĩa đầu năm 2012. Tại địa bàn mới, quỹ đã thu hút trên 100 thành viên, huy động, dư nợ cho vay đạt trên 1 tỷ đồng. Đến thời điểm 30/3/2012, tổng vốn huy động đạt trên 22 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt trên 23  tỷ đồng. Bằng nguồn vốn của quỹ đầu tư cho thành viên vay phát triển ngành nghề, dịch vụ, chuyển đổi 20 ha  đất cấy lúa năng suất thấp và ao đầm sang mô hình cá + lúa, cá + vịt. 75 chủ trang trại, gia trại và 35 gia đình làm sinh vật cảnh hầu hết là thành viên được quỹ tiếp vốn đầu tư sản xuất kinh doanh. Từ xã thuần nông, nay cơ cấu kinh tế của Song Lãng phát triển đa dạng:  nông nghiệp chiếm 40 %; TTCN 31 %; dịch vụ thương mại 27 %.

 

Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, nâng cao chất lượng tín dụng, thời gian qua, Quỹ Song Lãng tập trung đào tạo nhân lực, trang bị phương tiện máy vi tính, máy soi, đếm tiền, két sắt, máy phát điện. 100 % cán bộ quỹ được đào tạo chuẩn hóa, trong đó 5/13 đã và đang học đại học để phục vụ thành viên ngày càng tốt hơn, góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới.

 

Bài, ảnh: Bảo Linh

  • Từ khóa