Thứ 7, 16/11/2024, 15:47[GMT+7]

Hưng Hà tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn Giảm tổn thất điện năng

Thứ 3, 24/04/2012 | 15:19:28
1,738 lượt xem
Được thực hiện từ năm 2008, đến nay chương trình tiếp nhận lưới điện hạ áp và bán điện trực tiếp đến hộ dân nông thôn của ngành điện đã đem lại những lợi ích thiết thực. Người dân nông thôn nói chung, nông dân Hưng Hà nói riêng đã được sử dụng điện an toàn, hiệu quả hơn.

Nhân viên kỹ thuật Công ty Điện lực Thái bình kiểm định thiết bị đo đếm. Ảnh: Thành Tâm

Hiện nay, Điện lực Hưng Hà đang quản lý và bán điện trực tiếp tới tận hộ tại 23/35 xã, thị trấn, với trên 52.000 khách hàng, đạt 100% kế hoạch. 12 xã còn lại thuộc dự án REII và REII mở rộng, Điện lực Hưng Hà bán điện theo công tơ tổng.

 

Sau khi thực hiện chủ trương tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn (LĐHANT), Điện lực Hưng Hà gặp không ít khó khăn: vốn đầu tư thiếu, hạ tầng xuống cấp, tổn thất điện năng cao, chất lượng điện kém, thiếu nhân lực... Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Điện lực Hưng Hà - Bùi Công Thanh cho biết: Hệ thống lưới điện nông thôn huyện Hưng Hà được xây dựng từ lâu, do nhiều tổ chức kinh doanh điện quản lý nên thiếu chuyên nghiệp, vốn để duy tu bão dưỡng rất hạn chế nên đến nay hầu hết đã xuống cấp, thậm chí nhiều nơi xuống cấp nghiêm trọng. Nhất là các đường dây do Hợp tác xã và nhân dân đóng góp xây dựng hầu hết là dây trần, nhiều tiết diện khác nhau không đủ tiêu chuẩn. Nhiều đường dây do địa phương đầu tư xây dựng không có thiết kế, bán kính cấp điện quá dài. Dây dẫn phần lớn đã cũ, nhiều mối nối, dây tại các nhánh rẽ còn sử dụng dây lưỡng kim, dây thép, sứ đỡ bị nứt vỡ nhiều, hành lang bị vi phạm do cây cối mọc trùm lên đường dây. Hệ thống cột, công tơ cũng chắp vá đủ kiểu, không được kiểm tra định kỳ, dẫn đến đo đếm không chính xác, không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn gây tổn thất điện năng khá lớn, tỷ lệ thất thoát hàng năm sau công tơ tổng trung bình lên tới 30- 33%.

 

Ngay sau khi tiếp nhận bàn giao lưới điện của các địa phương, Điện lực Hưng Hà đã phối hợp cùng chính quyền và tổ dịch vụ bán lẻ điện năng của các địa phương triển khai các biện pháp tổ chức quản lý vận hành và kinh doanh bán điện, bảo đảm duy trì cấp điện ổn định và đạt hiệu quả cao. Cùng với đó, Điện lực Hưng Hà đã tập trung đầu tư, cải tạo nâng cấp lưới điện 0,4 kv của các xã, khắc phục các điểm quá cũ nát, như: Thay xà sứ, dây dẫn và bổ sung tiếp địa lặp lại, thay công tơ, hòm công tơ không bảo đảm an toàn, giải phóng hành lang an toàn và sửa chữa cải tạo một phần đường dây hạ áp quá cũ nát, mất an toàn của 18 xã (tiếp nhận từ 2008-2010).

 

Trong năm 2010, Công ty Điện lực Thái Bình đã đầu tư xây dựng thêm đường dây trung ấp và trạm biến áp cho các xã của huyện Hưng Hà để giảm bán kính cấp điện và chống quá tải lưới điện trung, hạ áp nông thôn, gồm 2 dự án: Dự án chống quá tải lưới trung áp và dự án RD, với quy mô: Xây dựng 11,797 km đường dây trung áp, 25 máy biến áp tiêu thụ có tổng dung lượng 5.270 KVA. 100% số xã tiếp nhận đã được thay thế công tơ mới. Tổng mức đầu tư nâng cấp, cải tạo và sửa chữa từ sau khi tiếp nhận là trên 73,2 tỷ đồng. Nhờ được đầu tư cải tạo, LĐHANT sau khi tiếp nhận, sửa chữa đã cấp điện ổn định cho sản xuất và sinh hoạt ở khu vực nông thôn. Diện mạo của LĐHANT của các địa phương trong huyện ở những khu vực được cải tạo đã thực sự đổi thay rất nhiều. Những hàng cột tre, gỗ, dây dẫn trần chắp vá không đảm bảo an toàn được thay bằng hệ thống cột bê tông, cáp bọc nhựa,  hòm công tơ được treo ngay ngắn trên cột.

 

Đến nay, Điện lực Hưng Hà đang quản lý và bán điện trực tiếp tới tận hộ tại 23/35 xã, thị trấn, với trên 52.000 khách hàng và trên 616 km đường dây hạ áp; 288,48km đường dây trung áp (trong đó: đường dây 35KV: gồm 4 lộ, tổng chiều dài: 69,1 km; đường dây 10 KV: gồm 11 lộ, với tổng chiều dài là 219,38 km). 12 xã còn lại thuộc dự án REII và REII mở rộng, Điện lực Hưng Hà bán điện theo công tơ tổng. Tuy mới tiếp nhận, nhưng nhờ có phương pháp quản lý chuyên nghiệp, có chuyên môn cao, các bước tiến hành sửa chữa cải tạo lưới điện hợp lý nên tỷ lệ tổn thất điện năng đã giảm mạnh, hàng tháng từ trên 30 % (khi mới tiếp nhận) xuống còn 11%; an toàn điện và chất lượng điện cũng nâng lên rõ rệt, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trong sinh hoạt, sản xuất kinh doanh.

 

Tuy nhiên, do yêu cầu cải tạo lưới điện cần nguồn vốn rất lớn, trong khi ngành điện chưa thể đáp ứng được ngay nên từ năm 2008 đến nay, các xã đã bàn giao LĐHANT về Điện lực Hưng Hà quản lý mới hoàn thành cải tạo giai đoạn I. Hiện ngành Điện đã và đang nỗ lực tìm kiếm và tận dụng tối đa các nguồn vốn vay khác nhau để cải tạo lưới điện hạ áp nông thôn sau tiếp nhận...

Minh Nguyệt

  • Từ khóa