Chủ nhật, 17/11/2024, 17:36[GMT+7]

Tiền Hải: Phát triển chăn nuôi trâu, bò theo hướng bền vững

Thứ 3, 10/09/2019 | 08:35:53
8,194 lượt xem
Những năm qua, phát triển chăn nuôi trâu, bò ở Tiền Hải đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo. Nhiều hộ nông dân trở thành những điển hình sản xuất giỏi.

Các hộ dân huyện Tiền Hải chăn thả trâu, bò tại các bãi cỏ nên tiết kiệm được nguồn thức ăn ban đầu.

Là một trong những hộ chăn nuôi của xã Nam Hải, gia đình ông Đỗ Thanh Cần, thôn An Hạ đã tìm cho mình một hướng đi trong phát triển chăn nuôi, đó là chăn nuôi đàn trâu 22 con. 

Ông Cần chia sẻ: Nam Hải là xã giáp sông, triền đê trải dài, có nhiều bãi cỏ rất phù hợp việc chăn thả trâu, bò. Gia đình tôi trước đây chỉ nuôi 1 - 2 con, tranh thủ lúc rảnh rỗi chăn thả, vừa phục vụ sản xuất nông nghiệp vừa cải thiện nguồn thu. Tuy vốn đầu tư con giống ban đầu lớn nhưng nuôi trâu ít rủi ro, ít bị bệnh. Việc nuôi trâu theo hướng hàng hóa bước đầu đã đem lại thu nhập ổn định cho gia đình, ngoài ra còn góp phần thúc đẩy phong trào chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa tại địa phương. Trừ hết chi phí, trung bình cũng thu lãi khoảng 15 - 20 triệu đồng/con.

Còn ông Phạm Văn Mạnh, thôn Hoàng Môn, xã Nam Cường lại chọn cách nuôi bò để phát triển kinh tế gia đình. Ông Mạnh chia sẻ: Trước đây, ngoài việc làm ruộng, chúng tôi tranh thủ nuôi lợn, gia cầm, tuy nhiên nuôi lợn, gà rất tốn công, giá thức ăn tăng cao và dịch bệnh hay xảy ra gây thiệt hại nhiều về kinh tế. Từ 2 cặp bò ban đầu, qua nhiều năm phát triển đàn bò của gia đình đã lên tới 25 con. Thức ăn cho bò chủ yếu rơm, cỏ, cám gạo, ngô, không sử dụng thức ăn công nghiệp nên tiết kiệm được chi phí. Để bảo đảm đàn bò phát triển tốt, ông Mạnh chú ý khâu vệ sinh, chuồng trại hàng ngày phải quét dọn sạch sẽ, mùa đông ấm áp, mùa hè mát mẻ. Từ khi nuôi bò ông chưa để một con bò nào chết vì bệnh. Có được kết quả tốt như vậy là nhờ ông luôn tuân thủ việc tiêm ngừa bệnh định kỳ theo chỉ định của ngành thú y.

Theo báo cáo của UBND huyện Tiền Hải, tính đến thời điểm này đàn trâu, bò của huyện có khoảng 5.374 con. Thời gian qua, cùng với việc vận động người dân mở rộng quy mô chăn nuôi, huyện còn tăng cường nhiều biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi chủ động đầu tư con giống, trang bị kiến thức về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, làm chuồng trại kiên cố, nuôi nhốt tập trung, tạo thế phát triển bền vững trong chăn nuôi. Ngoài ra, huyện tiếp tục kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các vùng chăn nuôi theo quy hoạch, khuyến khích doanh nghiệp, hộ nông dân thuê đất làm trang trại tập trung chăn nuôi trâu, bò. Khuyến cáo khi dịch bệnh trên đàn lợn, gia cầm gây thiệt hại lớn đến kinh tế, các hộ chăn nuôi nên chuyển hướng chăn nuôi trâu, bò cũng rất dễ nuôi, người chăn nuôi có thể tận dụng được các phế phẩm từ sản xuất nông nghiệp và nguồn cỏ tự nhiên nên bước đầu không quá lo lắng về nguồn thức ăn, nhất là trong giai đoạn giá cả các loại thức ăn chăn nuôi tăng cao như hiện nay. Tích cực chuyển đổi phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi gia trại, trang trại tập trung, quy mô lớn, từng bước đưa chăn nuôi thành ngành sản xuất chính.

Để thực hiện tốt Nghị quyết số 07-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết giai đoạn 2019 - 2025 và những năm tiếp theo, huyện Tiền Hải yêu cầu các xã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết. Khuyến khích các hộ chăn nuôi phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo chuỗi, bảo đảm an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường, để người dân nhận thức đầy đủ các chủ trương, cơ chế, chính sách phát triển chăn nuôi của nhà nước và của tỉnh trong giai đoạn hiện nay. Các cấp, các ngành cần tạo điều kiện thuận lợi về mặt thủ tục cho các hộ nông dân khi có nhu cầu vay vốn phát triển đàn trâu, bò, góp phần đưa chăn nuôi thành ngành sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế ổn định nhằm chuyển đổi sinh kế, bảo đảm đời sống của người chăn nuôi và thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng hiệu quả, bền vững.


Mạnh Thắng

  • Từ khóa