Chủ nhật, 17/11/2024, 07:52[GMT+7]

Hàng không nội địa le lói cạnh tranh

Thứ 4, 18/08/2010 | 09:36:11
1,278 lượt xem
Sau một thời gian im ắng, hàng không nội địa bắt đầu “cựa quậy” khi hãng hàng không tư nhân thứ ba Air Mekong chính thức đưa bốn máy bay về nước. Các chuyên gia vận tải hàng không đánh giá, đó là luồng sinh khí mới, hành khách thì trông đợi cạnh tranh giảm giá vé dù nhỏ nhoi...

Máy bay Air Mekong vừa được đưa về Việt Nam. Ảnh: L.N.

Sếu đầu đỏ sắp cất cánh

Thời hạn cất cánh của hãng hàng không tư nhân vận chuyển hành khách thứ 3 (có một hãng hàng không tư nhân vận chuyển hàng hoá là Trai Thien Aircargo) gần như chắc chắn vào ngày 10-10 tới đây. Trước đây, các hãng hàng không tư nhân như Vietjet Air hay Indochina Airlines quá nhiều lần lỡ hẹn bay dù tuyên bố rất nhiều.

Air Mekong (AM) đã cơ bản tuyển được đội ngũ tiếp viên hàng không, đồng thời đưa 4 máy bay cũ hiệu Bombardier loại CRJ 900 có 95 chỗ về nước. Hãng dự kiến giai đoạn đầu sẽ bay tuyến Hà Nội - TPHCM, Hà Nội - Phú Quốc, TPHCM - Phú Quốc. Ngoài ra, sẽ có điểm nối từ TP HCM - Đà Nẵng và tiến tới là Đà Nẵng - Phú Quốc.

Hãng “sẽ chủ yếu gom khách cho các hãng lớn khác”, ông chủ Đoàn Quốc Việt nói. Cách nói này rất thực tế khi Vietnam Airlines (VNA) vẫn chiếm 80% thị phần vận tải hàng không nội địa, còn Jetstar Pacific-JP có 6 máy bay loại 180 chỗ vẫn rón rén trước ông lớn.

Với 4 máy bay cỡ nhỏ, AM chỉ chiếm vài phần trăm thị phần. Các chuyên gia hàng không đánh giá, tuy nói là gom khách nhưng AM vẫn có đường bay độc quyền từ Hà Nội đi Phú Quốc (hiện mới chỉ có bay Hà Nội đi Phú Quốc quá cảnh qua TPHCM của VNA).

Với đường bay Hà Nội - TPHCM, nếu AM muốn cạnh tranh với VNA và JP thì phải hạ giá vé thì may ra mới thu hút khách. Bởi vì, giá vé VNA tuy cao nhất nhưng dịch vụ đầy đủ, hành khách đi lại có cảm giác đàng hoàng hơn. JP giá vé rẻ hơn nhưng dịch vụ tối thiểu. Máy bay AM nhỏ hơn, lại bay đường xa do đó nhiều khả năng sẽ phải chọn cách cạnh tranh về giá cả và dịch vụ.

Lợi thế lớn nhất của AM mà ít người biết: Vận chuyển hàng không chỉ là mảng kinh doanh nằm trong chuỗi sản xuất. Có thể trong tương lai, những khách nghỉ dưỡng tại các khách sạn, khu nghỉ dưỡng (nằm rải rác trong cả nước, đặc biệt là Phú Quốc) của tập đoàn mẹ sở hữu AM sẽ chỉ dùng máy bay của hãng này.

Động lực tạo cạnh tranh

Trong khi các hãng hàng không tư nhân án binh bất động, AM xuất hiện với chứng chỉ người khai thác tàu bay (AOC) trong tay AOC là vấn đề quan trọng thể hiện hãng bay này thực sự của ai. Trước đó, Vietjet Air dù có thuê cả đội ngũ điều hành người Anh cũng không làm được AOC. Hãng của Hà Dũng bay bao lâu nhưng cũng chỉ đứng tên khai thác đi thuê.

Thời điểm tháng 8 cất cánh như Vietjet Air tuyên bố sắp hết, nhiều khả năng hãng này lại hoãn tiếp. “Vietjet Air vừa gửi thông báo nhưng không có kế hoạch bay rõ ràng mà chỉ thấy thể hiện vẫn thiết tha kế hoạch bay. Chủ yếu hãng hoạt động bằng nội lực của các nhà đầu tư trong nước”, Cục phó Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam, Lại Xuân Thanh, cho biết.

Trước đó không lâu, hãng hàng không tư nhân thành lập năm 2007 này được một nhà đầu tư nước ngoài ngỏ ý mua cổ phần. Với cách trả lời dùng nội lực trong nước có thể hiểu rằng, nhà đầu tư nước ngoài đã không mặn mà nữa.

Theo tienphong.vn

  • Từ khóa