Thứ 7, 16/11/2024, 14:27[GMT+7]

Các địa phương trong tỉnh Nỗ lực phòng trừ sâu bệnh, bảo vệ lúa xuân

Thứ 3, 08/05/2012 | 16:47:52
1,947 lượt xem
Qua theo dõi trên đồng ruộng, dự kiến sâu cuốn lá nhỏ sẽ nở rộ tập trung từ ngày 2-5/5 với mật độ gây hại trên toàn bộ diện tích lúa, nếu không tổ chức phòng trừ kịp thời sẽ ảnh hưởng đến năng suất lúa...

Bà con nông dân xã Nguyên Xá - Đông Hưng phun thuốc phòng trừ sâu bệnh. Ảnh: Ngọc Trâm

* Đông Hưng: Dồn sức  thực hiện chiến dịch phòng trừ sâu bệnh, bảo vệ lúa xuân

 

Vụ xuân năm 2012, huyện Đông Hưng gieo cấy 12.311 ha, trong đó diện tích gieo thẳng đạt 2.560ha, giống ngắn ngày đạt 11.628ha, chiếm 94,45%. Hiện lúa đang trong giai đoạn phân hoá đòng, dự kiến sẽ trỗ tập trung từ 15-25/5. Mặc dù thời gian qua nông dân toàn huyện đã tích cực thực hiện công tác chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh nhưng tình hình sâu bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp. Trên đồng ruộng đang xuất hiện một số đối tượng gây hại, đặc biệt là sâu cuốn lá nhỏ, bệnh khô vằn, rầy các loại và một số đối tượng sâu bệnh khác. Vì vậy, UBND huyện Đông Hưng đã phát động chiến dịch phun phòng trừ sâu bệnh trên toàn huyện trong thời gian từ ngày 2-5/5 nhằm giảm thiểu thiệt hại thấp nhất do sâu bệnh gây ra, phấn đấu năng suất lúa trong tốp dẫn đầu tỉnh.

 

Qua theo dõi trên đồng ruộng, dự kiến sâu cuốn lá nhỏ sẽ nở rộ tập trung từ ngày 2-5/5 với mật độ gây hại trên toàn bộ diện tích lúa, nếu không tổ chức phòng trừ kịp thời sẽ ảnh hưởng đến năng suất lúa. Bên cạnh đó, bệnh khô vằn cũng phát triển mạnh với tỷ lệ trung bình trên diện rộng từ 3-5%, cao 20 -30%. Ngoài ra, còn xuất hiện rầy các loại mật độ trung bình từ 100-300con/m2, cao 500-700con/m2 và một số đối tượng sâu bệnh khác đang phát sinh gây hại.

 

UBND huyện Đông Hưng đã chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhất là qua hệ thống phát thanh hướng dẫn nông dân thực hiện tốt lịch phun phòng trừ sâu bệnh. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về hoạt động kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn xã, thị trấn. Các địa phương thường xuyên thăm đồng, điều tra, theo dõi để chủ động phòng trừ kịp thời. Ngoài ra, các cơ quan chuyên môn đã tích cực hướng dẫn biện pháp kỹ thuật và cử cán bộ xuống các xã kiểm tra, đôn đốc bảo đảm việc phòng trừ sâu bệnh đạt hiệu quả... Kết quả, đến ngày 3/5 toàn huyện đã phun trừ trên 70% diện tích, dự kiến hết ngày 4/5 sẽ cơ bản phun xong.

 

Theo chân cán bộ Phòng NN&PTNT huyện về xã Chương Dương, chúng tôi được biết đến ngày  4/5 xã đã phun được trên 90% diện tích. Mấy ngày qua người dân ai nấy đều tranh thủ lúc mát để ra đồng phun thuốc trừ sâu. Nhìn chung công tác phòng trừ sâu bệnh đã được bà con nông dân thực hiện nghiêm túc cả về lịch và kỹ thuật. Đa số các hộ chỉ tiến hành phun trong 1-2 ngày và đồng loạt phun từ ngày mùng 1- 2/5, chỉ trừ một số hộ có diện tích lúa nhiễm bệnh nặng đã được HTX hướng dẫn phun sớm từ ngày 30/4.

 

Để có kết quả đó, ngay khi huyện chưa phát động chiến dịch, HTX đã chủ động theo dõi đồng ruộng, phát hiện sâu bệnh kịp thời và thông báo cho bà con nông dân về diễn biến của sâu bệnh hại lúa. Tổ chức tập huấn cho gần 100 người về kỹ thuật phun trừ hiệu quả. Đặc biệt, Chương Dương thường xuyên tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh từ xã tới thôn 2 lần/ngày và trong thời gian chiến dịch nâng lên 3 lần/ngày. Vì thế, đã khắc phục được sự chủ quan của nhiều người dân trong công tác phòng trừ sâu bệnh. Hơn nữa, để phục vụ kịp thời thuốc trừ sâu cho bà con nông dân, năm nay HTX DVNN đã tổ chức bán thuốc ở 2 điểm thuận tiện cho việc đi lại và đáp ứng được nhiều đối tượng khách hàng. Mỗi điểm bán có 3 nhân viên bán hàng để tư vấn về loại thuốc, phổ biến kỹ thuật và thường trực từ 5h30 sáng tới 6 giờ tối. Không chỉ thế, nhiều người không mua thuốc của HTX cũng được HTX hướng dẫn, tư vấn kỹ thuật để phun phòng. Đặc biệt, HTX còn nhập thuốc ở những địa chỉ tin cậy, có uy tín về chất lượng nên  không chỉ đáp ứng nhu cầu phun phòng trên 70% diện tích lúa của bà con trong xã mà nhiều người ở xã lân cận cũng tới mua. Ngoài ra, trong chiến dịch phòng trừ sâu bệnh hại lúa lần này, HTX đã hỗ trợ cho các hộ dân tới mua thuốc 1.000 đồng/sào. Vừa thực hiện tốt công tác tuyên truyền vừa phổ biến tốt kỹ thuật cho bà con nên nhiều nhà ở Chương Dương mọi năm chủ quan hoặc không mua thuốc của HTX năm nay đã phun đúng lịch bằng thuốc của HTX. Điển hình như hộ ông Phạm Văn Ngọ, xóm 1 nhiều năm nay đều cấy 6 sào chủ yếu là giống Q5 và các giống lúa thơm nhưng lại không chấp hành lịch phun thuốc. Tới năm nay ngay sau khi xã phát động ông đã phun ngay từ ngày đầu tiên và hoàn thành trong 1 ngày.

 

Ngoài Chương Dương, các xã khác trên địa bàn huyện Đông Hưng thời gian qua cũng dồn sức thực hiện chiến dịch phòng trừ sâu bệnh. Điển hình như xã Đồng Phú đã phát động trước 1 ngày và đến ngày 4/5 toàn xã đã cơ bản phun xong. Có được kết quả đó ngoài sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng uỷ, UBND xã, các ban, ngành, đoàn thể đã vào cuộc tích cực để tuyên truyền đoàn viên, hội viên thực hiện phun phòng. Trong thời gian tới, Đồng Phú cũng như các xã khác của huyện tiếp tục theo dõi diễn biến của sâu bệnh, đồng thời tuyên truyền cho bà con phun phòng bệnh đạo ôn cho lúa, phấn đấu năng suất lúa đạt 71-72tạ/ha trở lên.

            Thu Thuỷ

                                                                        

* Tiền Hải: Cho trọn vẹn niềm vui  vụ xuân

 

Vụ xuân năm nay, Tiền Hải gieo cấy 10.584 ha (trong đó có 1.100 ha lúa gieo thẳng) với cơ cấu 25% lúa lai, 25% lúa thuần và 50% các giống chất lượng cao. Đến thời điểm này lúa tốt đều, nhiều diện tích đã đứng cái, ngậm đòng. Nếu chăm sóc và bảo vệ tốt từ nay đến khi thu hoạch thì mục tiêu năng suất 68 tạ/ha có thể đạt và vượt. Mặc dù vậy, trong màu xanh cây lúa đang xuất hiện một số loại sâu bệnh hại nếu không phòng trừ tốt sẽ ảnh hưởng tới năng suất lúa xuân.

 

Bước vào sản xuất vụ xuân năm nay, cũng như các địa phương khác Tiền Hải gặp nhiều khó khăn do rét đậm, rét hại kéo dài, nhưng ẩm độ lại cao (mưa phùn kéo dài ngày) đã làm tăng đối tượng sâu bệnh gây hại. Một khó khăn khác nữa là  giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao. Ngoài ra, đối với Tiền Hải còn khó khăn riêng ở chỗ huyện là điểm phát sinh đầu tiên bệnh lùn sọc đen trên lúa. Nguyên nhân chính dẫn đến nguồn bệnh lây lan nhanh là do rầy lưng trắng. Tổng kết những vụ xuân gần đây, khi rầy phát sinh, phát triển trên đồng ruộng Tiền Hải, thì tỷ lệ rầy lưng trắng chiếm tới 70%. Đến thời điểm cuối tháng 4-2012, đồng ruộng Tiền Hải đang bùng phát 2 đối tượng chính gây hại là sâu cuốn lá nhỏ, rầy và một số loại bệnh như đạo ôn, khô vằn... đang chờ điều kiện thuận lợi để bùng nổ ra diện rộng.

 

Từ kinh nghiệm chỉ đạo thâm canh, để bảo đảm thắng lợi mục tiêu vụ xuân đề ra, ngay từ tháng chạp Tân Mão, huyện chỉ đạo 35 xã, thị trấn phát huy truyền thống và kinh nghiệm gieo mạ trên nền đất cứng, không gieo cấy trong thời gian rét đậm rét hại, chỉ cấy khi nhiệt độ ngoài trời từ 15oC trở lên. Chấp hành sự chỉ đạo của huyện, các xã, thị trấn tập trung vào khâu làm đất và đồng loạt xuống đồng từ ngày 4 đến 6 tháng giêng (4 đến ngày 6 Tết Nguyên Đán Nhâm Thìn). So với những vụ xuân trước, có một số nơi gieo cấy chậm 4- 5 ngày, nhưng do có thời gian chuẩn bị chu đáo nên Tiền Hải đã hoàn thành gieo cấy trong khung thời vụ tốt nhất.

 

Công tác phòng trừ sâu bệnh vụ xuân cũng được chủ động ngay từ đầu vụ. Ngoài việc công khai hỗ trợ giá 26.000kg giống lúa, Tiền Hải đã hỗ trợ 8.200 gói thuốc trừ rầy penaltyl 1.400WP để phun 100% diện tích mạ trước khi cấy 5- 7 ngày, hỗ trợ 1.100 kg thuốc diệt chuột Cat 0,25 WP để nông dân đánh chuột từ trung tuần tháng 1. Huyện còn chỉ đạo Trạm bảo vệ thực vật tăng cường công tác điều tra, dự tính, dự báo sâu bệnh vụ xuân để tổ chức tập huấn cho cán bộ bảo vệ thực vật của các HTX DVNN. Từ kỳ tập huấn ở huyện, các xã tổ chức tập huấn đến từng thôn. Đến cuối tháng 4, trên đồng ruộng Tiền Hải đã phát sinh nhiều đối tượng sâu bệnh gây hại.

 

Theo báo cáo của Phòng NN – PTNT huyện, diện tích nhiễm rầy đã tới hàng nghìn ha, mật độ ở nhiều nơi tới 5.000 đến 7.000 con/m2 (trong đó trên 70% là rầy lưng trắng - đối tượng chủ yếu để truyền dẫn bệnh lùn sọc đen trên lúa). Đối tượng gây hại chính thứ 2 sau rầy là sâu cuốn lá, mật độ bình quân  từ 50 – 70 con/m2, những khoảnh ruộng ven làng có nơi tới 150 – 250 con/m2.  Cùng với đó, bệnh đạo ôn và vết bệnh khô vằn đã xuất hiện.

 

Để bảo vệ mục tiêu diện tích, năng suất và tổng sản lượng lúa vụ xuân 2012, Tiền Hải đã phát động chiến dịch ra quân phòng trừ sâu bệnh, chăm sóc và bảo vệ lúa xuân cuối vụ. Theo đó, toàn dân xuống đồng phun thuốc phòng trừ rầy và sâu cuốn lá từ ngày 2 đến ngày 5/5 cho 100% diện tích. Huyện tạm đình, hoãn các cuộc họp chưa cần thiết để các đồng chí phụ trách cụm, phụ trách xã về cơ sở chỉ đạo sản xuất. Cùng với hệ thống truyền thanh của huyện và các thôn, xã, Tiền Hải còn trưng dụng một số xe ô tô gắn loa tuyên truyền lưu động về công tác phòng trừ sâu bệnh và hướng dẫn cách sử dụng thuốc tới các cụm dân cư. Các ngành bảo vệ thực vật, quản lý thị trường, cũng ra quân kiểm tra chống hàng giả, hàng lậu. Đi đôi với công tác phòng trừ sâu bệnh kịp thời, Tiền Hải đang chỉ đạo tập trung bơm nước từ chiều ngày 1/5, giữ đủ nước phục vụ chiến dịch phòng trừ sâu bệnh và chăm sóc lúa từ nay đến khi thu hoạch.

 

Trong những ngày Tiền Hải ra quân phòng trừ sâu bệnh bảo vệ lúa xuân cuối vụ, chúng tôi đã có mặt tại các xã Nam Thịnh, Nam Phú, Nam Hưng, Tây Giang, Tây Phong, An Ninh và nhiều xã ở khu Đông. Đến đâu cũng nghe thấy tiếng loa tuyên truyền, khắp các cánh đồng, bên cạnh người dân phòng trừ sâu bệnh, còn thấy nhiều cán bộ của Trạm bảo vệ thực vật, Phòng NN – PTNT và lãnh đạo các xã, HTX DVNN đi kiểm tra, hướng dẫn tại ruộng... Với quyết tâm cao của huyện và cơ sở, chúng tôi tin tưởng Tiền Hải sẽ giành được thắng lợi của vụ xuân năm nay.

 

Tuy nhiên, để có một niềm vui trọn vẹn cho vụ xuân, Tiền Hải cần chỉ đạo tích cực, quyết liệt hơn đối với một số xã còn lơ là, chủ quan trong phòng trừ sâu bệnh. Ngay sau ngày nghỉ lễ (2/5), cùng với đoàn kiểm tra do đồng chí Ngô Xuân Chiến, Phó Chủ tịch UBND huyện làm trưởng đoàn, chúng tôi chứng kiến trên cánh đồng một số xã như Nam Hà, Namon> Hồng... vẫn vắng bóng nông dân phun thuốc phòng trừ sâu bệnh. Khi đồng chí Phó Chủ tịch gọi điện yêu cầu, có xã còn lấy lý do đồng ruộng chưa có nước, mặc dù theo quan sát thì nước được cung cấp đầy đủ. Ngoài ra, mặc dù đã được hướng dẫn, nhưng một số hộ dân vẫn sử dụng không đúng loại phân bón, thuốc BVTV dẫn tới hiệu quả chăm sóc và bảo vệ không cao.

   Phan Lợi

 

* Quỳnh Phụ: 100% diện tích lúa xuân đã được phun thuốc phòng trừ sâu bệnh

 

Những ngày qua, tại hầu khắp các cánh đồng của huyện Quỳnh Phụ, các loại sâu bệnh hại lúa, như: sâu cuốn lá, rầy nâu, đạo ôn, khô vằn... đã bắt đầu xuất hiện.

 

Cầm những bông lúa nhiễm bệnh trên tay, chị Phạm Thị Hương, thôn An Hiệp, xã Quỳnh Giao, hy vọng: Mong không còn đợt sâu nào nữa thì diện tích lúa nhà tôi mới phát triển trở lại, bởi trước đợt nhiễm sâu cuốn lá nhỏ này, trên 4 sào ruộng của gia đình tôi đã bị nhiễm đạo ôn và rầy nâu. Cách đó không xa, anh Nguyễn Văn Linh cũng đang thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu bệnh cho hay. Gia đình tôi gieo cấy gần một mẫu, chủ yếu là giống lúa chất lượng cao, như: BC15, TBR1. Cây lúa đang trong thời kỳ sinh trưởng và phát triển tốt, hơn một tuần nay, diện tích lúa của gia đình và của hầu hết các gia đình khác xuất hiện rầy và sâu cuốn lá nhỏ diện rộng. Ngay sau khi phát hiện sâu bệnh, gia đình tôi đã thực hiện đúng lịch phun thuốc của hợp tác xã (HTX) giúp cây lúa phát triển bình thường và không ảnh hưởng đến năng suất cuối vụ.

 

Để đảm bảo việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại lúa đạt hiệu quả cao, trong thời gian này, cũng như tất cả các địa phương khác trong huyện, HTX Quỳnh Giao tập trung chỉ đạo, khuyến cáo bà con nông dân tích cực thăm đồng, nhằm sớm phát hiện các loại sâu bệnh hại lúa và có biện pháp phòng trừ kịp thời. Bà Nguyễn Thị Nga- Chủ nhiệm HTX cho biết: Vụ xuân này, toàn xã gieo cấy 226 ha, trong đó lúa lai và lúa chất lượng cao chiếm trên 70% tổng diện tích. Hiện 100% diện tích lúa xuân đang phát triển, sinh trưởng tốt, cây lúa bắt đầu ôm đòng...

 

Thực hiện sự chỉ đạo của UBND huyện, Quỳnh Giao đã triển khai họp mở rộng, đánh giá tình hình sâu bệnh, giao cho khuyến nông viên và các thôn vận động, hướng dẫn bà con phun thuốc trừ sâu. Hệ thống truyền thanh xã, thôn cũng đã phát tin, bài tuyên truyền liên tục, mỗi ngày từ 3 đến 4 lần để nâng cao ý thức, trách nhiệm phòng trừ sâu bệnh hại lúa cho nông dân. Chỉ trong 4 ngày ra quân, từ ngày 2- 5/5, toàn bộ diện tích lúa xuân của xã đã được phun trừ sâu bệnh, bằng các loại thuốc đặc hiệu. Hầu hết bà con nông dân đã thực hiện tốt  nguyên tắc 4 đúng trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đó là: “Đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ- liều lượng, đúng kỹ thuật”.

 

Không chỉ xã Quỳnh Giao, mà tất cả các xã trong huyện đã ra quân tổ chức dập dịch sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 gây hại trên lúa xuân. Đồng chí Đỗ Kim Tưởng- Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lâm cho biết: Trên địa bàn đã có khá nhiều diện tích lúa xuân xuất hiện sâu bệnh hại. Tuy mật độ chưa cao, chưa bùng phát thành dịch lớn, nhưng nếu bà con không có biện pháp phòng trừ đúng cách thì các loại sâu bệnh này sẽ gây hại mạnh, ảnh hưởng lớn  năng suất và chất lượng hạt gạo sau này. Vì vậy, địa phương đã chủ động phối hợp với cán bộ chuyên môn của Phòng Nông nghiệp &PTNT huyện triển khai xuống các thôn, xóm, hướng dẫn cho bà con nông dân cách phòng trừ và theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh. Đến ngày 4/5, cơ bản 100% diện tích lúa xuân đã được bà con nông dân phun thuốc phòng trừ sâu bệnh.

 

Ông Nguyễn Văn Nhiễm, Trưởng phòng Nông nghiệp &PTNT huyện khẳng định: Phòng đã chủ động phối hợp với Trạm bảo vệ thực vật huyện bám đồng để cùng với các địa phương tiến hành kiểm tra, xác định diện tích xuất hiện sâu bệnh, từ đó hướng dẫn nông dân về cách phát hiện và biện pháp phòng trừ sâu bệnh. Phối hợp với các ngành chức năng quản lý, kiểm tra chặt chẽ thị trường thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn, không để tình trạng tăng giá và lưu hành thuốc kém chất lượng, gây ảnh hưởng đến sản xuất.

 

Hiện nay, trên 11.800 ha lúa của huyện Quỳnh Phụ đang trong giai đoạn đứng cái làm đòng. Nhìn chung, các trà lúa sinh trưởng, phát triển tốt. Song, do thời gian qua ảnh hưởng của thời tiết âm u, mưa nhiều, độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi cho một số loại sâu bệnh phát sinh gây hại. Đặc biệt, sâu cuốn lá xuất hiện sớm hơn, mật độ cao hơn, diện phân bổ rộng hơn so với cùng kỳ năm 2011, mật độ trung bình 30- 40 con/m2, nơi cao 70- 100 con/m2, cá biệt 120- 150 con/m2. Nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương cùng với nỗ lực của bà con nông dân, đến ngày 5/5, 100% diện tích lúa của Quỳnh Phụ đã được phun phòng trừ sâu bệnh, góp phần bảo đảm cho sản xuất vụ xuân 2012 của huyện thắng lợi cả về năng suất và sản lượng.

Minh Nguyệt

  • Từ khóa