Chủ nhật, 17/11/2024, 15:50[GMT+7]

Khai thác cát trái phép: Thất thu ngân sách nhà nước

Thứ 2, 11/11/2019 | 09:28:37
3,104 lượt xem
Lợi nhuận thu được từ việc khai thác cát là rất lớn nên nhiều người bất chấp quy định của pháp luật để trục lợi, gây lãng phí tài nguyên khoáng sản và thất thoát nguồn thu ngân sách. Vậy, giải pháp nào xử lý dứt điểm tình trạng này để nguồn tài nguyên cát được khai thác hợp lý, bảo đảm an toàn giao thông đường thủy, chống thay đổi dòng chảy gây sạt lở bờ sông và chống thất thu ngân sách nhà nước.

Các lực lượng chức năng kiểm tra hoạt động khai thác cát trên sông.

Thực trạng khai thác cát

Cách đây gần 1 tháng, trên sông Hồng, đoạn từ Cồn Nhì, xã Hồng Tiến đến xã Minh Tân, huyện Kiến Xương, việc khai thác cát diễn ra khá rầm rộ. Theo người dân phản ánh thì hầu như ngày nào ở khúc sông Hồng này cũng có tàu khai thác cát, hôm ít thì 3 - 4 tàu, hôm nhiều thì 7 - 8 tàu, to, nhỏ đủ loại tàu thuyền ra vào khai thác, vận chuyển cát từ sáng đến tận chiều tối. Cũng trên dòng sông Hồng, đi ngược trở lại một số xã duyên giang thuộc địa phận của huyện Vũ Thư, tuy tình trạng khai thác cát trên sông không diễn ra như cách đây 2 - 3 năm trở về trước nhưng tình trạng khai thác cát trái phép vẫn diễn ra. 

Bà Trần Thị Hoa, người dân xã Duy Nhất cho biết: Việc khai thác cát lậu thường diễn ra cả đêm nếu lực lượng chức năng không đi tuần, truy quét. Mỗi năm huyện tổ chức ra quân vài lần truy quét “cát tặc” nhưng khi có đoàn kiểm tra thì con sông bình yên, bởi dường như chủ của các tàu thuyền đã biết trước lịch ngày nào đoàn đi kiểm tra nên dừng hoạt động. Nếu tình trạng khai thác cát trái phép không được ngăn chặn, thì chẳng bao lâu nữa dòng sông sẽ “nuốt” hết cả ruộng đồng, nhà cửa của người dân chúng tôi. Đằng sau hành động khai thác cát kiểu vô tội vạ như vậy đã kéo theo rất nhiều hệ lụy khó lường. 

Có thể nói tình trạng khai thác cát trong thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh đã giảm rõ rệt, không ồ ạt như trước. Tuy nhiên vẫn có những cá nhân lén lút khai thác cát trái phép đã bị lực lượng chức năng phát hiện và bắt giữ. Mới đây nhất, ngày 24/10, trên tuyến sông Hồng đoạn qua địa phận xã Vũ Vân (Vũ Thư), Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh đã tạm giữ 8 phương tiện có hành vi khai thác cát trái phép. Thời điểm phát hiện bắt giữ, những người trên tàu đều thuộc tỉnh Nam Định đã không xuất trình được giấy phép khai thác cát do cơ quan nhà nước cấp  phép và thừa nhận đã khai thác trái phép.

Hệ lụy khai thác cát trái phép

Tình trạng “chảy máu tài nguyên”, lợi dụng những khe hở của pháp luật để khai thác cát vô tội vạ, không phép, vượt phép, khai thác núp bóng dưới nhiều hình thức... Nạn khai thác nằm ngoài tầm kiểm soát không những làm thất thoát tài nguyên của đất nước, gây thất thoát nguồn thu ngân sách nhà nước mà còn để lại nhiều hệ lụy về sau như: hiện tượng sạt lở vùng bờ, phá vỡ khả năng bồi đắp theo dòng chảy tự nhiên về phía hạ lưu, một trong những nguyên nhân bồi đắp không phù hợp cũng như gây sạt lở cửa biển, bờ sông. Đó cũng là nguyên nhân góp phần làm mất khả năng chống chịu trước sự thay đổi của khí hậu. Đặc biệt, với mức độ khai thác đáng báo động như thời gian qua thì nguồn tài nguyên cát sẽ không còn cho thế hệ sau. 

Theo bảng giá tính thuế tài nguyên năm 2019 trên địa bàn tỉnh Thái Bình thì mỗi mét khối cát san lấp, bao gồm cả cát nhiễm mặn có giá là 59.000 đồng, còn đối với cát đen dùng trong xây dựng là 70.000 đồng/m3. Ngoài ra, mỗi mét khối cát phải nộp nhiều loại thuế, phí khác. Chính vì số tiền lớn như vậy nên tình trạng khai thác cát trái phép cứ ngày càng gia tăng.

Siết chặt quản lý

Trong định hướng phát triển, tỉnh luôn xác định tài nguyên cát lòng sông là một trong những nguồn tài nguyên chiến lược cần được bảo vệ chặt chẽ, khai thác hợp lý và có hiệu quả để phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Để tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản cát, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh cấp 15 giấy phép khai thác khoáng sản cát ở 11 mỏ cát lòng sông, 4 mỏ cát ven biển. Tính từ năm 2011 đến tháng 6/2019, tổng số tiền thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền giao khu vực biển phải nộp ngân sách nhà nước của tỉnh là trên 262 tỷ đồng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, từ năm 2011 đến nay, các cơ quan chức năng của tỉnh đã xử phạt vi phạm hành chính 385 trường hợp khai thác cát trái phép trên địa bàn tỉnh, với số tiền phạt trên 3 tỷ đồng. Cùng với đó, vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-UBND năm 2019 về tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển, tập kết cát trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Đây cũng là một trong những biện pháp quyết liệt nhằm chấn chỉnh tình trạng khai thác cát trái phép và đưa hoạt động khai thác cát cũng như các tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh đi vào nền nếp theo đúng quy định của nhà nước.

Minh Nguyệt 

  • Từ khóa