Chủ nhật, 17/11/2024, 13:17[GMT+7]

Sử dụng hợp lý, tiết kiệm nguồn tài nguyên cát

Thứ 3, 26/11/2019 | 15:54:28
1,833 lượt xem
Đó là ý kiến kết luận của đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy sáng ngày 26/11 nghe UBND tỉnh báo cáo về việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác cát lòng sông, ven biển trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (phạm vi các mỏ cát ven biển).

Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh kiểm tra tiến độ thi công dự án tuyến đường bộ ven biển đoạn xã Thụy Tân huyện Thái Thụy. Ảnh: Thành Tâm

Audio: 261120196_su_dung_tai_nguyen_cat_mixdown.mp3

Các đồng chí: Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Ngô Đông Hải, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy dự hội nghị.

Theo báo cáo của UBND tỉnh: Thái Bình là tỉnh ven biển có hơn 50 km bờ biển với 5 cửa sông lớn đổ ra biển chịu ảnh hưởng của chế độ thủy triều, quá trình bồi tụ hình thành các cồn cát và nâng cao bề mặt đáy biển. Đây là nguồn tài nguyên cần được thăm dò, khai thác và sử dụng hợp lý. Trên địa bàn tỉnh hiện có 4 mỏ cát ven biển được quy hoạch và cấp phép khai thác. Trữ lượng cát còn lại là 12.557.778m3. Vừa qua, Khu kinh tế Thái Bình được thành lập và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung; các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh thu hút đầu tư thuận lợi, nhiều dự án trọng điểm đang được triển khai  nên nhu cầu sử dụng cát đặc biệt là cát san lấp rất lớn. Dự báo tổng nhu cầu sử dụng cát san lấp Khu kinh tế, các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh và các dự án phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030 khoảng 141,8 triệu m3; trong đó nhu cầu tại Khu kinh tế khoảng 104,5 triệu m3 để san lấp mặt bằng. UBND tỉnh đề xuất quy hoạch bổ sung 25 mỏ cát biển với tổng diện tích 22.860.000m2, tài nguyên dự báo 123,704 triệu m3. Như vậy, với quy mô tài nguyên cát của trữ lượng cát còn lại và các mỏ bổ sung quy hoạch sẽ cơ bản đáp ứng nhu cầu san lấp tại Khu kinh tế đến năm 2030.

Phát biểu thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đều cho rằng về việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác cát lòng sông, ven biển trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (phạm vi các mỏ cát ven biển) là rất cấp thiết; quy hoạch là cơ sở pháp lý để thực hiện công tác quản lý tài nguyên khoáng sản bảo đảm đúng mục đích, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm tới. Tuy nhiên, việc khai thác cát phải tính toán một cách kỹ lưỡng.

 Sau khi các đại biểu phát biểu ý kiến đóng góp về việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác cát lòng sông, ven biển trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (phạm vi các mỏ cát ven biển), Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất sự cần thiết phải rà soát, điều chỉnh ban hành quy định mới làm cơ sở cho việc quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên này. 

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh cát là nguồn tài nguyên tái tạo tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay tái tạo chậm, trong khi nhu cầu ngày càng cao. Vì vậy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất khi điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phải bám sát các quy định của pháp luật hiện hành, các văn bản của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các chủ trương, quy định, kết luận của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về quản lý, sử dụng tài nguyên khoáng sản nói chung, tài nguyên cát nói riêng. Hạn chế đến mức thấp nhất hoặc không cấp phép mới khai thác những mỏ cát ở lòng sông, mà chỉ rà soát, điều chỉnh, xem xét đối với các mỏ cát đã được cấp phép trước đây hoặc những khu vực bồi lắng mới nhưng phải đánh giá một cách kỹ lưỡng để bảo đảm cho dòng chảy được thông suốt, bảo toàn các công trình đê, kè, cống, các bãi bồi. Cát là nguồn tài nguyên rất quan trọng phục vụ thi công các công trình xây dựng, giao thông nhưng không khai thác cát bằng mọi giá. Việc cấp phép khai thác cát phải có thứ bậc ưu tiên, tiến hành đấu thầu và đơn vị trúng thầu phải có cam kết khai thác cát phục vụ các công trình san lấp, xây dựng các công trình phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong quy hoạch, kế hoạch khai thác cát phải phân kỳ từng giai đoạn, bảo đảm việc khai thác và sử dụng tài nguyên cát hiệu quả, tiết kiệm. Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất giao Ban Cán sự đảng UBND tỉnh tiếp thu các ý kiến hoàn thiện báo cáo để trình HĐND tỉnh trên tinh thần phát huy dân chủ, trí tuệ, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và toàn dân trong quản lý nguồn tài nguyên cát.

Nguyễn Hình