Chủ nhật, 17/11/2024, 13:23[GMT+7]

Phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo hướng hiệu quả, bền vững (Kỳ 2)

Thứ 5, 05/12/2019 | 08:30:49
5,237 lượt xem
Những năm qua, chăn nuôi trâu, bò đã được các cấp, các ngành và hộ nuôi quan tâm, tuy nhiên, chưa được chú trọng phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Quy mô đàn trâu, bò của tỉnh còn nhỏ, khoảng hơn 56.000 con; sản lượng thịt trâu, bò xuất chuồng mới đạt gần 9.000 tấn/năm, bằng 3,3% tổng sản lượng thịt gia súc, gia cầm toàn tỉnh.

Chăn nuôi bò tại gia trại thôn Hồng Phong, xã An Tràng (Quỳnh Phụ).

Kỳ 2: Chưa xứng với tiềm năng


Được hình thành do sự bồi đắp phù sa của hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, có địa hình tương đối bằng phẳng, màu mỡ, trên địa bàn toàn tỉnh có gần 4.000ha đất bãi có thể trồng cỏ voi, ngô... làm thức ăn cho trâu, bò. Đồng thời, tỉnh có một phần diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả có thể chuyển sang trồng cỏ, ước khoảng 3.500ha. Với diện tích canh tác trồng lúa xấp xỉ 79.000ha, hàng năm cho sản lượng rơm, rạ lớn; diện tích gieo trồng ngô đạt 11.584ha, sản lượng sản phẩm phụ đạt 63.338 tấn/năm; sản phẩm thân lá của một số loại cây trồng khác như khoai lang, đậu tương, lạc... ước đạt trên 100.000 tấn/năm, đây là nguồn cung cấp nguyên liệu rất lớn để làm thức ăn và đệm lót cho chăn nuôi trâu, bò.


Thái Bình còn có vị trí địa lý thuận lợi, cách Thủ đô Hà Nội 110km, cách thành phố Hải Phòng 70km; hệ thống giao thông đường bộ (đường 10, đường Thái Hà, đường 39B, các đường liên huyện, liên xã...), đường thủy rất thuận lợi cho vận chuyển, giao thương như nhập bò ngoại, vận chuyển các sản phẩm chăn nuôi đi các tỉnh, thành phố trong cả nước.


Một trong những thuận lợi trong phát triển đàn trâu, bò là hệ thống tổ chức thú y của tỉnh được thực hiện theo đúng Luật Thú y (hiện vẫn duy trì trạm chăn nuôi và thú y các huyện, thành phố), đội ngũ cán bộ thú y các cấp đáp ứng tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn trâu, bò. Toàn tỉnh có 35 dẫn tinh viên đang thực hiện công tác thụ tinh nhân tạo cho bò tại các địa phương; tỷ lệ đàn bò lai nhóm Zebu (Sind, Brahman...) cao, thuận lợi trong thực hiện cải tạo, nâng cao tầm vóc và chất lượng đàn bò.


Theo số liệu của ngành chức năng, trong phạm vi toàn quốc, năm 2018, tỷ lệ thịt hơi của bò đạt 6,22%, thịt hơi của trâu đạt 1,71% trong tổng sản lượng thịt hơi các loại. Mức tiêu thụ thịt bò trung bình của người Việt Nam trong năm 2018 là 3,15kg thịt xẻ/người, thấp hơn mức tiêu thụ thịt bò trung bình của thế giới và một số nước như: Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, EU. Điều này cho thấy ngành chăn nuôi bò thịt trong nước còn rất nhiều tiềm năng để phát triển trong thời gian tới.


Đối với tỉnh ta, nhận thấy rõ ưu điểm trâu, bò là đối tượng con nuôi sử dụng thức ăn thô xanh là chính và tận dụng được nguồn phụ phẩm của cây trồng; dễ nuôi và các bệnh nguy hiểm có vắc-xin tiêm phòng  nên lĩnh vực chăn nuôi trâu, bò luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Trâu, bò được tỉnh xác định là một trong những con nuôi chủ lực để tập trung các nguồn lực phát triển thành ngành hàng hóa có giá trị kinh tế đóng góp vào giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Mặc dù vậy, phải thẳng thắn thừa nhận rằng số lượng đàn trâu, bò trong tỉnh còn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Tuy ngành chăn nuôi chiếm tỷ trọng 43% giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh, tăng trưởng bình quân đạt 3,8%/năm, nhưng trong đó chăn nuôi lợn lại chiếm tỷ trọng 63,02% giá trị ngành chăn nuôi của tỉnh; chăn nuôi trâu, bò chỉ chiếm 4,14%, còn lại là chăn nuôi gia cầm. Về quy mô, toàn tỉnh mới có 6 hộ chăn nuôi bò đạt tiêu chí kinh tế trang trại với trên 600 con và 1 đơn vị là Công ty TNHH MTV Việt Hùng (xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà) có quy mô 10.000 con, có mặt thường xuyên 6.000 - 7.000 con bò Úc nuôi vỗ béo, số lượng thịt bò xuất bán của Công ty đạt khoảng 24.000 con/năm. Từ thực tiễn trên để phát triển chăn nuôi trâu, bò thành ngành hàng hóa đòi hỏi sự nỗ lực từ phía người chăn nuôi và sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị các cấp từ nhận thức đến hành động. Qua đó mới tận dụng, phát huy hết những lợi thế, tiềm năng của tỉnh trong chăn nuôi trâu bò, nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi một cách bền vững.


Đặc biệt, trâu, bò nhất thiết phải trở thành con nuôi chủ lực trong ngành chăn nuôi khi những năm gần đây chăn nuôi lợn đã bộc lộ nhiều nhược điểm, bất cập. Đó là năm 2017, cả nước trong đó có tỉnh ta đã phải chung tay “giải cứu” khi giá lợn giảm xuống mức kỷ lục trong vòng 10 năm qua, nhưng đầu ra vẫn ách tắc, lợn đến ngày xuất chuồng, bán lỗ cũng không ai mua khiến nhiều hộ chăn nuôi trắng tay, lâm cảnh nợ nần. Từ ngày 12/2/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện rồi nhanh chóng lan nhanh ra 281/282 xã, phường, thị trấn có hộ chăn nuôi lợn của 8 huyện, thành phố, mặc dù các cấp, các ngành đã quyết liệt vào cuộc một cách đồng bộ. Tính đến ngày 15/9, toàn tỉnh tiêu hủy 375.840 con lợn với tổng trọng lượng 18.731.485kg. Cũng đến thời điểm đó, dù 192 xã đã công bố hết dịch nhưng điều kiện để tái đàn lợn hết sức khó khăn. Đối với chăn nuôi gia cầm, người nuôi trong tỉnh cũng đang bị uy hiếp khi thời điểm từ tháng 5 - 9/2019, giá gà ở nhiều tỉnh phía Nam giảm rẻ hơn cả rau, chỉ còn 11.000 - 13.000 đồng/kg.

Ông Đỗ Quý Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chăn nuôi trâu, bò nói chung và chăn nuôi trâu, bò cao sản nói riêng đòi hỏi tỷ suất đầu tư lớn, chu kỳ sản xuất dài, thời gian thu hồi vốn chậm, người sản xuất khó tiếp cận với các chính sách về tín dụng cũng như các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển chăn nuôi; nhận thức và sự tham gia liên kết của người chăn nuôi trong chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn theo chuỗi giá trị, liên kết thông qua hợp đồng kinh tế còn hạn chế; nguồn lao động trong nông nghiệp của tỉnh ngày càng giảm do xu hướng tập trung vào làm tại các công ty, doanh nghiệp ở các khu, cụm công nghiệp với mức thu nhập cao hơn.

Ông Tô Đình Lanh, thôn Lạc Thành Nam, xã Tây Ninh, huyện Tiền Hải

Gia đình tôi chăn nuôi bò từ năm 2014 trên diện tích đất chuyển đổi 900m2. Bò do gia đình tự phối giống cho sinh sản, thức ăn sử dụng cỏ voi tự trồng và rơm rạ. Nuôi 13 con bò trong thời gian 10 - 11 tháng trừ chi phí vợ chồng tôi thu lãi khoảng 150 triệu đồng. Nếu được đầu tư vốn và hỗ trợ khoa học kỹ thuật, vợ chồng tôi sẽ mở rộng quy mô chăn nuôi lên 30 con, đi thuê lại ruộng của bà con bỏ hoang để trồng cỏ voi tạo nguồn thức ăn cho bò.


(còn nữa)

Phan Anh