Chủ nhật, 17/11/2024, 13:33[GMT+7]

Phát triển nông nghiệp: Nhìn từ việc áp dụng cơ giới hóa

Thứ 2, 23/12/2019 | 08:40:54
2,382 lượt xem
Những năm qua, việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp đã và đang được các địa phương trong tỉnh tập trung triển khai thực hiện, mang lại nhiều kết quả tích cực: giải phóng sức lao động, đẩy nhanh tiến độ sản xuất, giảm chi phí đầu vào, từ đó tăng hiệu quả kinh tế.

Đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp giúp huyện Quỳnh Phụ duy trì và phát triển diện tích gieo trồng vụ đông.

Xác định rõ tầm  quan trọng của việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, những năm qua, huyện Quỳnh Phụ đã tập trung thực hiện các giải pháp nhằm đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất như: khuyến khích các HTX, hộ dân mạnh dạn đầu tư mua các loại máy phù hợp với điều kiện sản xuất để phục vụ sản xuất nông nghiệp thông qua các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện. Tích cực thực hiện tích tụ đất đai, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, tạo điều kiện áp dụng cơ giới hóa và cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất. Nhờ đó, số lượng các loại máy cơ giới hóa áp dụng vào sản xuất liên tục tăng. Hiện toàn huyện có 507 máy cày đa năng cỡ lớn và cỡ trung, 1.258 máy làm đất cỡ nhỏ và 196 máy gặt đập liên hợp, 117 máy lên luống và khe rạch, 10 máy cấy đã giải quyết cơ bản khâu làm đất, khâu thu hoạch và một phần khâu gieo cấy, giảm chi phí và công lao động cho nông dân. Công tác bảo quản nông sản cũng được chú trọng, toàn huyện có 14 kho lạnh, bảo quản được trên 500 tấn khoai tây giống đã giảm bớt chi phí và chủ động được nguồn giống cho sản xuất vụ đông. Việc đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp đã mang lại hiệu quả thiết thực trong thực hiện đúng lịch thời vụ, khắc phục tình trạng thiếu nhân công vào thời điểm chính vụ. Từ đó, người dân đã thay đổi tập quán canh tác từ sản xuất truyền thống, thủ công chuyển sang hình thức sản xuất tập trung, mẫu lớn, liền vùng, liền thửa, cùng trà, cùng giống. Sản xuất vụ đông tiếp tục được đẩy mạnh, diện tích vụ đông năm 2019 đạt 6.510ha, diện tích một số cây màu có hiệu quả kinh tế cao được duy trì và mở rộng (ớt, ngô ngọt, khoai tây...); thực hiện tốt việc liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho nông dân; đến nay toàn huyện đã có 23 cánh đồng mẫu gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm với tổng diện tích 1.500,27ha sản xuất cây màu và lúa giống BC15, TBR225.

Tại huyện Tiền Hải, với việc phát triển 1.086 máy làm đất các loại,  trên 200 máy gặt đập liên hợp đã bảo đảm cơ giới hóa 100% khâu làm đất, 100% khâu thu hoạch. Trong những năm gần đây, việc sử dụng máy cấy để thay thế dần phương thức gieo cấy thủ công được huyện chú trọng đưa vào sản xuất để nâng cao mức độ cơ giới hóa trong khâu gieo cấy lúa, nâng cao năng suất lao động, hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn. Theo đánh giá, việc đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất nông nghiệp và các biện pháp thâm canh đã giảm được 15% chi phí sản xuất, năng suất tăng từ 15 - 20%. Để tiếp tục đẩy mạnh việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất trên địa bàn, huyện Tiền Hải đang tích cực thực hiện tích tụ đất đai, từ đó xây dựng diện tích sản xuất tập trung; đồng thời, đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng, kiên cố hóa kênh mương nội đồng, tạo điều kiện thuận lợi đưa máy móc vào phục vụ sản xuất.

Nhờ thực hiện có hiệu quả các giải pháp áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp nên tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng: khâu làm đất và tưới, tiêu đạt 100%, khâu thu hoạch đạt 80%; năm 2019, khâu gieo cấy đạt 4,3%.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất đã góp phần làm tăng năng suất cây trồng, vật nuôi lên khoảng 10 - 15%, giảm chi phí sản xuất, giảm tổn thất sau thu hoạch từ đó tăng thu nhập cho các hộ dân sản xuất nông nghiệp. Hiện giá trị sản xuất bình quân đạt trên 133 triệu đồng/ha/năm, tăng 2,11 lần so với năm 2008.

Ngân Huyền