Chủ nhật, 17/11/2024, 13:50[GMT+7]

Hội nghị phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản

Thứ 3, 24/12/2019 | 20:15:56
1,503 lượt xem
Sáng ngày 24/12, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thực phẩm nông, lâm, thủy sản tỉnh Thái Bình năm 2019.


Tham dự hội nghị có lãnh đạo các sở, ngành liên quan, các địa phương; một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp, năm 2019, kết quả hợp tác trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm còn nhiều hạn chế nhưng bước đầu đã tạo ra nhiều cơ hội để các doanh nghiệp với các hộ sản xuất nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh trao đổi thông tin, từng bước liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm. Một số vùng sản xuất lớn sản phẩm đã được kiểm soát quy trình bảo đảm an toàn nên đã có hợp đồng bao tiêu. Các mô hình liên kết tiêu biểu như: liên kết sản xuất lúa hàng hóa, rau màu của Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed, Công ty TNHH Hưng Cúc, Công ty TNHH An Đình, Công ty cổ phần chế biến nông sản thương mại dịch vụ Thanh Nhàn… Liên kết từ nuôi trồng, sơ chế, chế biến thủy hải sản của Công ty TNHH Nghêu Thái Bình và các cơ sở nuôi trồng ngao, Công ty cổ phần Hải sản Thái Bình và một số đơn vị sản xuất nước mắm… Trong lĩnh vực chăn nuôi tuy gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh nhưng đã gắn tem truy xuất nguồn gốc cho trên 43.000 con gà giống, gắn 14.600 thẻ tai lợn để truy xuất nguồn gốc từ khâu chăn nuôi tại các tổ hợp tác và nhóm GAP trên địa bàn tỉnh từ nguồn vốn thường xuyên và dự án Lifsap.

Các tham luận của đại biểu tại hội nghị đều cho rằng, hoạt động liên doanh, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm mang lại nhiều lợi ích cho các bên tham gia chuỗi giá trị. Tuy nhiên, hình thức liên kết hiện nay vẫn còn bộc lộ những hạn chế, thiếu chặt chẽ. Nhận thức của nông dân trong liên kết hình thành các chuỗi giá trị chưa cao, doanh nghiệp chưa chú trọng vào khâu đầu tư vùng nguyên liệu để thực hiện hợp đồng bền vững. 

Nguyên nhân hạn chế được xác định là do kết cấu hạ tầng phục vụ cho phát triển vùng nguyên liệu chưa được đầu tư đúng mức. Quy mô sản xuất của các hộ nhỏ lẻ, manh mún, cơ sở pháp lý để triển khai hợp tác liên kết còn dàn trải…

Hội nghị thảo luận, đề ra giải pháp trọng tâm để tạo liên kết bền vững; trong đó, chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chuỗi giá trị trong phát triển sản xuất. Tăng cường hơn nữa chính sách đầu tư, hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp; vận động thu hút các doanh nghiệp lớn làm “đầu tàu” trong tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho HTX tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản.

Ngân Huyền